Nút thắt khiến dự án Cát Linh - Hà Đông 10 năm chưa thể khai thác

Thứ trưởng Bộ GTVT cho biết dự án cơ bản đã xong nhưng vướng mắc lớn nhất trong quá trình cung cấp hồ sơ của Tổng thầu để đánh giá an toàn hệ thống.

Tại họp báo Chính phủ chiều tối 2/10, trả lời báo giới về tiến độ thi công và đưa vào khai thác dự án đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho biết đến nay, hiện trường thi công và lắp đặt cơ bản đã xong phần xây lắp thiết bị chạy đơn lẻ từng hệ thống như tàu chạy, thông tin, bán vé tự động...

“Tuy nhiên, vướng mắc lớn nhất là quá trình cung cấp hồ sơ để đánh giá an toàn hệ thống. Tồn tại này Bộ đã tích cực làm việc với Tổng thầu và phối hợp với Hà Nội để giải quyết”, ông Đông nói.

Thứ trưởng GTVT Nguyễn Ngọc Đông trả lời câu hỏi tại cuộc họp báo. Ảnh: Nhật Bắc.

Thứ trưởng GTVT Nguyễn Ngọc Đông trả lời câu hỏi tại cuộc họp báo. Ảnh: Nhật Bắc.

Ông thông tin việc Bộ GTVT đã mời tư vấn độc lập của Pháp có nhiều kinh nghiệm tham gia đánh giá hệ thống an toàn.

Tuy nhiên, việc cung cấp hồ sơ của Tổng thầu Trung Quốc chưa đầy đủ, đặc biệt là hồ sơ liên quan đến các chứng chỉ, minh chứng về thí nghiệm trong quá trình sản xuất, thiết bị đoàn tàu để làm cơ sở đánh giá đoàn tàu và đưa vào khai thác.

“Phải đánh giá xong hệ thống thì mới đưa đoàn tàu vào chạy thử, tích hợp hệ thống bán vé tự động, kiểm soát tự động, hệ thống thông tin tín hiệu, hệ thống điều độ đoàn tàu chạy liên tục 3-4 phút/chuyến. Thời gian chạy thử trong vòng 20 ngày, sau đó mới đưa vào khai thác chính thức và nghiệm thu dự án”, ông Đông cho hay.

Thứ trưởng GTVT cũng nhắc đến việc ngày hôm qua, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã đi kiểm tra hiện trường và có chỉ đạo đối với dự án này và Bộ GTVT cũng đã báo cáo Phó thủ tướng những nội dung liên quan đến an toàn.

“Việc đưa vào khai thác chỉ được thực hiện trên cơ sở có đánh giá độc lập và kết quả của Hội đồng nghiệm thu”, ông Đông khẳng định.

Dự án Đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh - Hà Đông được Bộ GTVT phê duyệt đầu tư vào tháng 10/2008 với tổng mức đầu tư hơn 8.700 tỷ đồng (tương đương 552 triệu USD). Quá trình thực hiện dự án được điều chỉnh là hơn 18.000 tỷ đồng (tương đương 868,04 triệu USD).

Nguồn vốn sử dụng từ vốn vay ưu đãi của Chính phủ Trung Quốc với giá trị là 669,62 triệu USD và vốn đối ứng Việt Nam là 198,42 triệu USD. Đến nay, dự án đã hoàn thành xong phần xây dựng hạ tầng 13,05 km cầu cạn, 12 nhà ga trên cao, 16 khu đơn thể depot và cảnh quan cây xanh; đã mua sắm, lắp đặt đủ 13 đoàn tàu, thiết bị phục vụ chạy tàu và đã chạy thử đơn động các hệ thống và đoàn tàu cùng 5 chuyên ngành phục vụ chạy tàu trực tiếp...

Thời gian qua, Thủ tướng đã làm việc với lãnh đạo Nhà nước Trung Quốc, tiếp và chỉ đạo lãnh đạo Tổng thầu, đề cập đến việc chậm trễ của dự án.

Từ tháng 4/2019 đến nay, Bộ GTVT cũng nhiều lần làm việc với lãnh đạo cấp cao của Tổng thầu, các cơ quan ngoại giao phía bạn để đôn đốc. Tổng thầu đã có dự kiến tiến độ hoàn thành nhưng theo đánh giá của Bộ GTVT là chưa khả thi, Bộ đang yêu cầu lập kế hoạch chi tiết cụ thể đối với từng hạng mục còn lại, nên hiện nay vẫn chưa xác định được thời điểm chính xác.

Bộ GTVT tiếp tục làm việc với Tổng thầu để chính xác được thời điểm đưa vào khai thác thương mại và báo cáo cấp thẩm quyền.

Hoài Thu

Nguồn Znews: https://news.zing.vn/nut-that-khien-du-an-cat-linh-ha-dong-10-nam-chua-the-khai-thac-post996846.html