Ở loạt luân lưu VCK U23 châu Á, Bùi Tiến Dũng cản phá như thế nào?

Nếu Olympic Việt Nam và Olympic Nhật Bản phải phân định ngôi đầu bảng D ASIAD 18 bằng loạt sút luân lưu, khả năng phán đoán của thủ môn Bùi Tiến Dũng đóng vai trò vô cùng quan trọng.

16 giờ hôm nay (19.8), Olympic Việt Nam và Olympic Nhật Bản sẽ gặp nhau trong lượt trận cuối cùng bảng D ASIAD 18. Đã cùng thắng Olympic Pakistan và Olympic Nepal, cả hai đội Olympic Việt Nam và Olympic Nhật Bản đều đã chắc chắn giành vé vào vòng 1/8.

Do cả hai đội có cùng 6 điểm và hiệu số bàn thắng-thua là 5-0, theo quy định của Ban tổ chức, nếu hai đội hòa nhau trong 90 phút thi đấu chính thức, việc phân định ngôi đầu và vị trí nhì bảng sẽ được giải quyết ở loạt sút luân lưu. Việc sắp xếp đội hình thi đấu của Olympic Việt Nam sẽ do HLV Park Hang-seo cùng các cộng sự trong ban huấn luyện quyết định, nhưng không loại trừ khả năng thủ môn Bùi Tiến Dũng sẽ tiếp tục bắt chính như 2 trận đấu trước.

Đổ người sang phải...

Điều đáng chú ý, tại vòng chung kết U23 châu Á diễn ra hồi đầu năm, đội tuyển U23 Việt Nam đã tạo nên kỳ tích giành HCB sau khi lần lượt đánh bại U23 Iraq ở vòng tứ kết và U23 Qatar ở vòng bán kết sau những loạt sút luân lưu. Ở cả hai lần “đấu súng” này, thủ môn Bùi Tiến Dũng đều trở thành người hùng với những pha cản phá xuất sắc. Vậy, thủ môn người Thanh Hóa đã đổ người về những hướng nào để giúp U23 Việt Nam khi ấy tạo nên kỳ tích?

Không tính các quả phạt đền phải đối mặt trong thời gian thi đấu chính thức tại các trận ở vòng chung kết U23 châu Á, ở trận đấu gặp U23 Iraq cũng như U23 Qatar, thủ môn Bùi Tiến Dũng đã chứng tỏ khả năng phán đoán và đưa ra quyết định khá đa dạng. Ở lượt sút đầu tiên trận gặp U23 Iraq, Bùi Tiến Dũng đã… đứng giữa gôn và bắt gọn cú đá của đối phương. Đây cũng là lần duy nhất, thủ môn người Thanh Hóa chọn giải pháp này trong các loạt sút luân lưu và thành công tại vòng chung kết U23 châu Á.

Ở lượt sút thứ hai và thứ ba khi gặp U23 Iraq, Bùi Tiến Dũng đều đổ người sang trái và không cản phá được đối thủ. Đến lượt sút thứ tư, anh hơi lệch chân sang phải và đã đẩy được cú sút của đối phương. Lượt thứ năm trong loạt luân lưu trận này, Bùi Tiến Dũng không phải bắt vì một Bùi Tiến Dũng khác là trung vệ mang áo số 4 đã sút chính xác, giúp U23 Việt Nam thắng 5-3.

... hay bay sang trái, Bùi Tiến Dũng xuất sắc như nhau

Đến trận gặp U23 Qatar, Bùi Tiến Dũng chọn các giải pháp xen kẽ sau khi đã quan sát và lựa chọn hướng bay. Ở các lượt sút thứ nhất, thứ ba và thứ năm, Bùi Tiến Dũng bay người sang phải. Ở các lượt sút thứ hai và thứ tư, thủ môn này đổ người sang trái. Kết quả: Bùi Tiến Dũng cản được một cú sút bên trái (lượt thứ hai) và một cú sút bên phải (lượt thứ năm).

Những con số thống kê nói trên cho thấy, thủ môn Bùi Tiến Dũng có phản xạ rất tốt và khả năng di chuyển, bay người theo các hướng bóng của anh vừa nhanh, vừa có yếu tố bất ngờ và không kém phần hiệu quả. Ở trận đấu gặp Oympic Nhật Bản, nếu Bùi Tiến Dũng ra sân và nếu trận đấu này phải phân định ngôi nhất, nhì bằng loạt sút luân lưu, thủ môn xứ Thanh rất có thể sẽ lại trở thành người hùng.

Đức Hiếu

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/the-thao/o-loat-luan-luu-vck-u23-chau-a-bui-tien-dung-can-pha-nhu-the-nao-905314.html