Ðỏ mắt tìm kịch bản

Chưa bao giờ mùa kịch Tết phía Nam lại ảm đạm như hiện nay. Ðã gần bước sang năm mới nhưng các vở lên sàn tập chỉ lác đác. Âu cũng là điều dễ hiểu bởi năm 2019 là một năm mà kịch nói gặp vô vàn khó khăn, sóng gió.

Thời điểm tháng 11 và 12 được xem là giai đoạn “nước rút” để giới sân khấu chuẩn bị kịch Tết Nguyên đán. Vậy mà năm nay không khí các buổi tập vô cùng lẻ tẻ, đìu hiu. Thậm chí có vở phải chờ đến đầu tháng 1 năm sau mới lên sàn – nghĩa là tập dượt trước Tết chỉ vỏn vẹn 3 tuần.

Nếu mọi năm, mỗi sân khấu có khoảng ba, bốn vở mới thì năm nay, số lượng vô cùng ít. Duy nhất sân khấu Thế Giới Trẻ còn duy trì được phong độ. Họ mang đến ba vở, trong đó đáng chú ý nhất có “Âm mưu hoàn hảo” (kịch bản: J.Scott Williams, đạo diễn: NSND Trần Ngọc Giàu).

Còn các sân khấu khác chỉ có chừng một, hai kịch bản mới. Là “anh cả” trong làng kịch nói TP Hồ Chí Minh nhưng Sân khấu kịch 5B cũng chỉ gắng gượng được hai vở “Ảo và thật 2” (tác giả Vương Huyền Cơ) và “Giao kèo sống thật” (tác giả Nguyễn Sơn). Sân khấu Idecaf thì loay hoay với việc đặt tên cho vở diễn mới duy nhất của mình là “Chuộc Kiều” hay “Âm mưu Tú Bà”.

Dự kiến tung hai vở mùa Tết nhưng đến thời điểm này, sân khấu kịch Hoàng Thái Thanh thì mới lên sàn “Tình yêu trời đánh” còn kịch bản thứ hai vẫn đang chờ chỉnh sửa!

Vở "Ngẫm Kiều" của sân khấu kịch Hồng Vân.

Vở "Ngẫm Kiều" của sân khấu kịch Hồng Vân.

Thậm chí, có đơn vị toàn “bổn cũ soạn lại” vì “đỏ mắt” không tìm được kịch bản hay. Sân khấu kịch Hồng Vân của NSND Hồng Vân có “Ngẫm Kiều” làm “át chủ bài” mùa Tết Canh Tý. Ðây là bản dựng phát triển từ tác phẩm thể nghiệm 30 phút trong chương trình “Nàng Kiều” do Viện Goethe khởi xướng vừa qua. Ðể bổ khuyết thêm, chị chọn dựng lại, nâng cấp vở “Thanh xà, Bạch xà” từng được nhóm Chuồn Chuồn Giấy công diễn trước đó.

Nếu chỉ dừng ở hai vở cho mùa Tết thì quá ít nên bà “bầu” Hồng Vân dự định đem một số vở cũ mang màu sắc tươi vui, giàu tính giải trí rồi thêm mắm dặm muối để phục vụ khán giả ngày xuân. Thế Giới Trẻ cũng tái dựng nhạc kịch “Tuyết Sài Gòn” (tác giả và đạo diễn Nguyễn Khắc Duy) để mang không khí nhẹ nhàng cho khán giả.

Việc thiếu kịch bản đã trở thành thực trạng nan giải của kịch nói TP Hồ Chí Minh nhiều năm nay. Các tác giả lão làng không còn sức để viết trong khi đó lứa trẻ tuổi, sung sức lại không mấy mặn mà với kịch nói.

So với loại hình giải trí khác như phim ảnh, gameshow..., mức nhuận bút của kịch nói vô cùng bèo bọt trong khi phải nhọc công và đầu tư chất xám rất nhiều. Những năm trước, nhiều sân khấu còn cầm cự được nhưng đến năm nay, họ đành buông xuôi. Không có vở mới thì cứ vở cũ mà diễn.

Sân khấu kịch 5B dựng vở "Ảo hay thật 2" phục vụ mùa Tết.

Bí nữa thì chọn tác phẩm văn học mà chuyển thể. Năm 2019 đánh dấu sự trở lại của hàng loạt tác phẩm cũ như: “Con nhà nghèo”, “Bông hồng cài áo”, “Mặt nạ bong bóng”, “Chuyện hai chàng”… Trong đó, không ít tác phẩm tuổi đời lên tới 30, 40 năm. Ðể tươi mới, họ thay đổi dàn diễn viên, hoán đổi đường dây câu chuyện, thêm thắt tình huống...

Ông “bầu” Huỳnh Anh Tuấn, sân khấu Idecaf than thở: “Nếu trong năm, nhu cầu kịch bản của sân khấu đã rất “nóng” thì cuối năm và dịp Tết, nhu cầu này càng bức bách. Bởi đây là thời điểm vàng để các sân khấu ăn nên làm ra. Nhưng cứ đến gần Tết là chúng tôi bấn loạn vì nguồn kịch bản gần như cạn kiệt. Cứ cái đà này không biết chúng tôi cầm cự được bao lâu”.

Sở dĩ Tết nào sân khấu Thế Giới Trẻ cũng duy trì nguồn kịch bản mới ổn định là vì trong năm họ chủ động đặt hàng đội ngũ tác giả thân quen đã quá hiểu phong cách của sân khấu này.

Song không phải sân khấu nào cũng làm được bởi mỗi sân khấu là một phong cách riêng và có những phong cách không hề dễ viết. Cũng chủ động đặt hàng các tác giả từ rất sớm nhưng ông Huỳnh Anh Tuấn đành “chịu chết” vì kịch bản thu về không đạt.

NSƯT Ái Như thú thật, có rất nhiều kịch bản gửi về sân khấu kịch Hoàng Thái Thanh. Song những kịch bản hợp gu và có thể dàn dựng được quá ít, muốn dựng thì phải dụng công sửa chữa. Ðể chắc ăn, chị và NSƯT Thành Hội tự tay chấp bút, đảm nhận luôn khâu biên kịch bên cạnh công tác đạo diễn vì không còn cách nào khác.

Nói về điều này, NSND Hồng Vân ngậm ngùi: “Nhiều tác giả không bám vào cuộc sống và tâm tư con người đương đại mà sáng tác theo lối cũ, tư duy thẩm mỹ cũ nên rất khó sử dụng. Số khác thì hời hợt, thiếu logic hoặc quá nặng tính tuyên truyền, hô hào khẩu hiệu. Tình huống đưa ra thiếu sáng tạo, lối mòn, dễ đoán”.

Giới chuyên môn cũng thừa nhận rằng việc nâng cấp, tái dựng kịch bản cũ chỉ là giải pháp nhất thời. Ðó hoàn toàn không phải là hướng đi bền vững nếu sân khấu kịch nói muốn đi đường đài. Uống hoài “rượu cũ” thì dù “bình” có mới như thế nào, khán giả cũng nhanh nhàm chán.

Ngoài vấn đề kịch bản khan hiếm hoặc chưa hoàn thiện thì việc diễn viên thường xuyên vắng mặt cũng là nguyên nhân khiến lịch tập trễ nải. Kịch nói là cái nôi để các diễn viên rèn nghề, thể hiện tài năng và tạo dựng tên tuổi. Nhưng khi “đủ lông đủ cánh”, không ít diễn viên nhìn về “thánh đường” một thời với con mắt dửng dưng.

Thời đại của gameshow, phim ảnh, chương trình giải trí hấp dẫn đã lấy đi của sân khấu nguồn nhân lực rất lớn. Ở gameshow, người giàu kinh nghiệm thì ngồi ghế giám khảo hoặc huấn luyện viên, kẻ non nghề thì làm thí sinh. Mức catse hấp dẫn, sự lan tỏa rộng rãi và độ khắt khe chuyên môn nhẹ nhàng hơn kịch nói... đã khiến đội ngũ diễn viên dần lơ là sàn kịch mà đầu quân phim ảnh, gameshow. Càng về cuối năm, các chương trình giải trí, nghệ thuật, dự án phim ảnh càng dày đặc nên nghệ sĩ càng bận bịu chạy show.

Thông cảm và thậm chí tạo điều kiện cho nghệ sĩ trẻ chạy show để trang trải cơm áo gạo tiền nhưng NSND Hồng Vân vẫn không khỏi ngao ngán: “Tôi cố gắng xếp lịch tập sao cho không đụng show của mấy đứa. Ðể chắc chắn, tôi xếp lịch nửa đêm. Khổ cái là vào giờ đó, nhiều em không còn thần khí, sức lực để tập trung cho vai diễn nữa. Các em diễn như cái máy, vô hồn. Kịch tập nhanh, ẩu thì diễn cho ai coi”.

Theo đạo diễn Nguyễn Hồng Dung, Phó Chủ tịch Hội Sân khấu TP Hồ Chí Minh, sân khấu đang mất dần diễn viên do thiếu cơ chế ràng buộc, thiếu những hợp đồng chặt chẽ.

Còn nhớ mùa Tết 2018, người làm nghề nức lòng vì bỗng dưng sân khấu kịch nói gặt hái một mùa bội thu. Giới chuyên môn hy vọng đó là dấu hiệu khởi sắc để kịch nói hồi tỉnh sau một thời gian bị ví như đèn treo trước gió. Tuy nhiên, niềm vui đó chưa kéo dài được bao lâu thì khó khăn tiếp tục bủa vây. Năm qua, ngoài chuyện hàng loạt vở cũ dựng lại và quá ít vở mới ấn tượng, việc sân khấu Superbowl hoạt động 14 năm của NSND Hồng Vân đóng cửa là chuyện buồn của giới làm nghề.

Bên cạnh đó, sân khấu Hồng Hạc của đạo diễn Việt Linh phải chuyển sang địa điểm mới là Nhà Thiếu nhi quận 4 với các suất diễn lác đác cầm chừng. Nỗi buồn kéo dài cho đến mùa Tết này. Lịch diễn Tết Canh Tý chưa được các sân khấu công bố cụ thể mà chỉ áng chừng, cung cấp kịch mục nhỏ giọt.

Sở dĩ như vậy vì ngay cả ông “bầu”, bà “bầu” cũng không chắc vở có sáng đèn đúng dự kiến hay không. Và đương nhiên, hy vọng về một mùa vàng bội thu như mùa kịch 2018 có lẽ vẫn là giấc mơ xa vời...

Mai Quỳnh Nga

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/tieu-diem-van-hoa/31-cand-o-mat-tim-kich-ban-577572/