Ở miền đất tổ ca trù

Làng Lỗ Khê (xã Liên Hà, huyện Đông Anh, Hà Nội) có một ngôi đền khá nổi tiếng - một 'sự lạ' trong xã hội phong kiến vốn không mấy coi trọng nghề ca hát. Đó là đền Ca Công, thờ 2 vị tổ nghề hát ca trù.

Tương truyền làng Lỗ Khê, được lập nên từ thời Văn Lang, chỉ cách khu di tích Cổ Loa 5 km về phía Tây Nam, cách trung tâm Thủ đô Hà Nội 18 km. Nhờ có nghề mộc, nghề làm bánh chưng, nấu rượu, nên cư dân trong làng hầu hết có cuộc sống khá giả.

Đền Ca Công không lớn, nhưng được dựng bằng gỗ lim chắc chắn, kết cấu 3 gian, hai dĩ, ẩn mình khiêm nhường sau những bụi hoa ngâu tỏa hương ngan ngát. Trong đền còn lưu giữ nhiều hiện vật quý, như hai pho tượng tổ Ca trù Đinh Dự và Mãn Đường Hoa công chúa tạc bằng gỗ quý; thần phả ghi sự tích do Tiến sĩ Đào Cử viết năm Hồng Đức thứ 7 (1476); bốn đại tự “Sinh - Từ - Tự - Điển”; các đạo sắc phong của vua triều Nguyễn… Đền Ca Công cho đến nay vẫn là nơi giáo phường ca trù khắp nơi về tụ họp hát thờ vào ngày sinh (6-4 Âm lịch) và ngày hóa (13-11 Âm lịch) của nhị vị tổ sư.

Theo thần phả, Đinh Dự là con trai của tướng quân Đinh Lễ, công thần của Lê Lợi. Trong khởi nghĩa Lam Sơn, năm 1426, Đinh Lễ được Lê Lợi cử ra Bắc lập đồn đóng trại tại Lỗ Khê, tướng quân đã cưới vợ và sinh con ở đây. Đinh Dự kết duyên cùng Đường Hoa Tiên Hải, hai người mở giáo phường và truyền dạy nghề hát ả đào. Từ đó, ca trù được truyền từ đời này sang đời khác, từ đất Lỗ Khê lan tỏa khắp Đại Việt xưa…

Một thời gian dài đất nước chiến tranh, rồi cuộc sống hiện đại gấp gáp đã khiến ca trù có phần mai một. Mặc dù vậy, được “tiếp lửa” từ sau khi ca trù được UNESCO vinh danh là ghi danh vào di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp (ngày 1-10-2009), các nghệ nhân Lỗ Khê vẫn đang nỗ lực truyền nghề cho lớp trẻ.

Mỗi năm Lỗ Khê có hai kỳ hội làng nhất định không thể thiếu biểu diễn ca trù. Hội tháng Giêng (tính theo âm lịch), nếu bội thu thì vào đám từ mồng 10 đến 27, nếu được mùa thì vào đám từ mồng 10 đến 19 và nếu mất mùa (bán trà) thì vào đám từ mồng 4 đến 9, có rước văn, rước mục lục, lễ đón quan anh làng kết nghĩa để cùng hát ca trù; ngoài ra còn có thi vật, cờ tướng và một số trò chơi khác.

Mùa Xuân tới, nếu định đến Lỗ Khê xem hội, bạn hãy chắc chắn mình đã hiểu ít nhiều về ca trù, vì đó là một môn nghệ thuật cổ truyền kén cả người biểu diễn lẫn người nghe.

Cẩm Hà

Nguồn Hải Quan: https://haiquanonline.com.vn/o-mien-dat-to-ca-tru-109550.html