Ở nhà đã là yêu nước

Thay đổi thói quen sinh hoạt, giản dị trong lối sống, hạn chế ra ngoài, tụ tập đông người trong đám tiệc, nghi lễ tôn giáo trong mùa dịch bệnh Covid-19 chính là biểu hiện cho ý thức, trách nhiệm của mỗi công dân, nhằm góp phần bảo vệ bản thân tránh bị lây nhiễm hoặc lây nhiễm cho cộng đồng, nếu không may mắc phải Covid-19.

Nhân viên y tế kêu gọi người dân ở nhà tránh dịch

Trong nhịp sống xã hội hiện đại, dường như ai cũng tất bật trên mọi nẻo đường, từ nhà đến cơ quan, công sở, doanh nghiệp, cơ sở làm ăn, mưu sinh với bao nghề. Cho nên việc tạm dừng hoạt động kinh doanh, đi lại là điều rất khó khăn với nhiều người, nhất là với người trẻ.

Hơn 2 tháng trước, nhiều phụ huynh còn tranh cãi việc cho con đến trường hay không, than phiền về việc cho học sinh nghỉ học vì dịch bệnh khiến cho gia đình bị xáo trộn cuộc sống, chất lượng lao động giảm sút thì đến nay không ai bàn cãi. Bởi, dịch bệnh đã lây nhiễm đến hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, với hàng loạt người bị nhiễm bệnh và tử vong đầy bi thương. Nhiều quốc gia trên thế giới đã phong tỏa toàn lãnh thổ, vùng, bang và kêu gọi người dân hạn tiếp xúc xã hội là cách chống dịch bệnh tốt nhất.

Ở Việt Nam, trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, số cas nhiễm đã lên đến 3 con số, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 15/CT-TTg và mới đây nhất là Chỉ thị số 16/CT-TTg nhằm hạn chế tụ tập đông người, dừng các hoạt động hội họp, các sự kiện tập trung, yêu cầu thực hiện khoảng cách tối thiểu 2m giữa người với người...

“Ban đầu, tôi nghĩ việc ở nhà sẽ rất khó khăn vì thói quen làm việc tự do hay đến các quán cà phê để gặp gỡ khách hàng, trao đổi thông tin với đồng nghiệp. trước tình hình dịch bệnh ngày càng phức tạp, Chính phủ đã hạn chế người dân tụ tập, cố gắng làm quen với thói quen làm việc tại nhà. Việc này tốt cho bản thân tôi, cho cả gia đình, bởi không may mình bị nhiễm bệnh có phải khổ cho vợ và con hay không”- anh Nguyễn Thanh Sang (nhân viên kinh doanh nhà đất, ngụ phường Mỹ Hòa, TP. Long Xuyên, An Giang) chia sẻ.

Với các cư dân cộng đồng mạng thay vì đăng tải những trạng thái riêng tư, giây phút sống ảo thì giai đoạn hiện nay đã rất ý thức trách nhiệm trong việc chia sẻ thông tin. Các phong trào thiết thực được lan truyền mạnh mẽ, như: thay hình ảnh đại diện “Hãy đứng yên khi Tổ quốc cần”, “Ở nhà là yêu Tổ quốc, yêu đồng bào”, chia sẻ hình ảnh kêu gọi của nhân viên y tế “Chúng tôi phải đi làm vì bạn, xin bạn ở nhà vì chúng tôi”.

Gần đây nhất là “Tên hay đánh bay dịch bệnh”, với trạng thái khuyến khích nhau ở nhà, như: “Tôi tên Dung, tôi không đi lung tung”, “Tôi tên Trang, tôi không đi lang thang”, “Tôi là Trúc, tôi ở nhà đúng lúc”, “Tôi là Hiếu, ai mời tiệc tùng xin kiếu”…

Bên cạnh đó, nhiều bạn còn chia sẻ các hình ảnh, đoạn clip vệ sinh nhà cửa, nấu ăn, trồng hoa, chơi đàn guitar thư giãn, cách giúp con vừa học vừa chơi như thế nào để động viên nhau, lan tỏa tinh thần lạc quan xem việc ở nhà trong lúc này là không khó.

Chị Nguyễn Thị Thanh Hòa (phường Mỹ Thới, TP. Long Xuyên) chia sẻ: “Công việc mua bán hàng mấy tháng nay chậm lại vì dịch bệnh. Cái chân vốn đi hoài mà phải ở nhà đâm ra hơi chán, nhưng nhìn nhận dịch bệnh ở góc độ tích cực hơn chúng ta mới thấy, dường như mình quá chạy theo cuộc sống mưu sinh, ngày này qua ngày khác, năm này qua năm khác mà quên đi những giây phút yên bình, hạnh phúc bên gia đình.

Điều hạnh phúc chỉ đơn giản là cả gia đình cùng nhau tập thể dục, nấu bữa ăn sáng, nhâm nhi ly cà phê, quan tâm đến việc ăn uống, học hành, trò chuyện với con cái nhiều hơn. Trong những lúc không phải làm việc, mình có thời gian tập yoga, đọc sách để làm phong phú thêm tâm hồn, những kỹ năng kinh doanh, nghệ thuật giao tiếp, để tiếp thêm năng lượng chuẩn bị kế hoạch kinh doanh khi dịch bệnh qua đi, các ngành nghề dần khôi phục lại”.

Trong tình hình dịch bệnh ngày càng diễn biến phức tạp và nguy hiểm như hiện nay, cần lắm những suy nghĩ tích cực như chị Hòa, anh Sang. Hãy ở nhà để giãn cách xã hội (social distancing) nhằm đảm bảo an toàn cho chính bản thân, gia đình và cộng đồng xung quanh.

Một hình ảnh sống động được lặp lại hàng ngày về social distancing trên Đài Truyền hình Việt Nam (VTV) chính là những que diêm đang cháy, nhưng khi kéo một que diêm rời đi thì ngọn lửa không thể cháy lan sang que diêm khác. Dịch bệnh cũng vậy, sẽ dừng lại nếu mọi người nâng cao ý thức ở nhà để cách ly, không trở thành cầu nối lây lan dịch bệnh trong cộng đồng.

“Social distancing” có nghĩa là giữ một khoảng cách cụ thể giữa bạn và mọi người xung quanh, hạn chế tối đa việc tiếp xúc với người khác, tránh đi tới những nơi đông người, hạn chế sử dụng phương tiện công cộng và làm việc tại nhà.

Bài, ảnh: NGỌC GIANG

Nguồn An Giang: https://baoangiang.com.vn/o-nha-da-la-yeu-nuoc-a268225.html