Ô nhiễm ánh sáng từ vệ tinh quanh Trái đất

Các nhà thiên văn học quốc tế cảnh báo tình trạng ô nhiễm ánh sáng do số lượng vệ tinh quay quanh Trái đất gia tăng đang gây ra mối đe dọa chưa từng có đối với tự nhiên.

Số lượng vệ tinh trên quỹ đạo thấp của Trái đất đã tăng hơn gấp đôi kể từ năm 2019, khi Công ty SpaceX của Mỹ tiến hành vụ phóng chùm vệ tinh quy mô lớn lần đầu tiên gồm hàng ngàn vệ tinh. Với mỗi vệ tinh mới xuất hiện trên quỹ đạo thấp của Trái đất, nguy cơ va chạm với một vật thể khác quay quanh Trái đất càng gia tăng, dẫn đến nhiều mảnh vỡ hơn. Điều này có thể tạo ra một phản ứng dây chuyền. Theo đó, các vụ va chạm liên tiếp xảy ra tạo thành các mảnh vỡ nhỏ hơn nữa, bổ sung vào đám mây rác vũ trụ đang phản chiếu ánh sáng trở lại Trái đất.

Theo các chuyên gia, tình trạng ô nhiễm ánh sáng gia tăng tác động về mặt tài chính và khoa học của một đài thiên văn lớn. Qua mô phỏng, các nhà thiên văn xác định đối với Đài thiên văn Vera Rubin đang được xây dựng tại Chile, phần tối nhất của bầu trời đêm trong thập niên tới sẽ sáng hơn 7,5% so với hiện nay, đồng nghĩa số lượng sao mà Vera Rubin có thể quan sát được sẽ giảm 7,5%. Điều này khiến quá trình khảo sát của đài thiên văn này phải kéo dài thêm gần 1 năm, gây tốn kém 21,8 triệu USD. Một hậu quả khác chưa thể tính toán được do bầu trời đêm sáng hơn đó là những hiện tượng thiên văn mà nhân loại không bao giờ quan sát được. Không chỉ ảnh hưởng đến các quan sát thiên văn, bầu trời đêm sáng hơn còn đe dọa mối quan hệ cổ xưa giữa con người và bầu trời đêm.

MINH CHÂU

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/o-nhiem-anh-sang-tu-ve-tinh-quanh-trai-dat-post683194.html