Ô nhiễm không khí đối với sức khỏe con người

Mặc dù đã có nhiều nghiên cứu chỉ ra những hệ lụy của môi trường tới sức khỏe con người và không ít bệnh tật mà con người phải gánh chịu xuất phát từ ô nhiễm môi trường, trong đó có ô nhiễm không khí. Thế nhưng hiện vẫn chưa có giải pháp tối ưu nào được đưa ra để giảm tác hại này.

Theo số liệu thống kê của cơ quan chức năng, nguồn phát sinh khí thải chủ yếu từ các hoạt động, như: Giao thông, công nghiệp, xây dựng và dân sinh, nông nghiệp và làng nghề, chôn lấp và xử lý chất thải. Đáng quan ngại hơn là tại khu vực đô thị, các loại khí thải gây ô nhiễm môi trường chủ yếu từ hoạt động giao thông vận tải. Trong khi đó, ở khu vực nông thôn, ô nhiễm do khí thải mang tính cục bộ và chủ yếu ở xung quanh một số làng nghề, khu vực cụm điểm công nghiệp, xung quanh các điểm khai thác và sản xuất vật liệu xây dựng, một số điểm đang diễn ra hoạt động nâng cấp cơ sở hạ tầng. Đặc biệt, các cơ sở sản xuất công nghiệp cũng xả thải ra nhiều chất độc hại gây ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng đến sức khỏe người dân.

 Với lượng ô tô, xe máy nhiều như hiện nay, thì vấn đề ô nhiễm khí thải ở các đô thị không thể tránh khỏi. Ảnh: ĐỨC TUẤN.

Với lượng ô tô, xe máy nhiều như hiện nay, thì vấn đề ô nhiễm khí thải ở các đô thị không thể tránh khỏi. Ảnh: ĐỨC TUẤN.

Việc phát sinh khí thải từ các hoạt động nói trên là khác nhau, phụ thuộc rất nhiều yếu tố. Đối với hoạt động giao thông, phát thải từ các phương tiện tập trung chủ yếu từ hoạt động giao thông đường bộ và nó phụ thuộc vào chủng loại, chất lượng và nhiên liệu mà phương tiện sử dụng. Các động cơ diesel thải khói đen gấp 7,5 lần so với động cơ xăng nhưng các động cơ xăng gây phát thải chứa chì; động cơ sử dụng diesel không chứa chì, nhưng lại thải ra nhiều hạt lơ lửng trong không khí. Các chất gây ô nhiễm không khí phát sinh từ hoạt động giao thông đường bộ chủ yếu là CO, NOx, SO2, bụi (TSP)...

Theo TS Nguyễn Song Tùng, Phó viện trưởng Viện Địa lý nhân văn: Đối với hoạt động công nghiệp, các khí thải phát sinh tùy thuộc vào loại hình sản xuất, quy trình công nghệ, quy mô sản xuất, nhiên liệu sử dụng. Các hoạt động được đánh giá là nguồn gây ô nhiễm môi trường không khí lớn hiện nay chủ yếu là: Khai thác và chế biến than, sản xuất thép, sản xuất vật liệu xây dựng (xi măng) và nhiệt điện, đặc biệt nhiệt điện than và dầu khí. Các chất độc hại từ khí thải công nghiệp chủ yếu là NO2, SO2, VOC, TSP, các hóa chất và kim loại. Với hoạt động khai thác than, chỉ tính 10 mỏ than hầm lò có trữ lượng lớn, có công nghệ và cơ sở hạ tầng hoàn chỉnh với sản lượng tương đối lớn, mỗi năm phát sinh 100-150 tấn bụi.

Theo báo cáo của Tổng cục Môi trường, tính sơ bộ năm 2016, các nhà máy sản xuất xi măng phát thải khoảng 3.284.000 tấn PM, 405.000 tấn SO2, 197.000 tấn NOx và 7.000 tấn CO... Khí thải chứa các chất độc hại sẽ gây ô nhiễm môi trường không khí, làm ảnh hưởng lớn đến sức khỏe con người. Ô nhiễm không khí có thể tác động tới não bộ, làm suy giảm nhận thức, trí nhớ và kỹ năng tư duy so với những người sống ở nơi không khí trong lành. Bên cạnh đó, nó còn làm tăng nguy cơ mắc các rối loạn tim, thậm chí còn có thể dẫn đến đau tim ở những người vốn có trái tim không khỏe mạnh. Các chất ô nhiễm có thể làm tăng nguy cơ tiểu đường do cơ thể liên tục phải chống lại các chất ô nhiễm và tình trạng viêm do các chất này gây ra. Khói bụi sẽ tạo gánh nặng cho phổi, làm trầm trọng thêm bệnh hen suyễn, hô hấp và viêm phế quản; tỷ lệ mắc bệnh hen suyễn ở trẻ em sống gần những khu vực bị ô nhiễm cao hơn nhiều so với những vùng khác. Các chất độc hại khác trong khí thải có thể làm tăng nguy cơ ung thư.

Để giảm ô nhiễm không khí, các chuyên gia cho rằng, cần phải áp dụng nhiều giải pháp đồng bộ, như: Nhà nước cần tiếp tục hoàn thiện và ban hành các văn bản chính sách, các quy định nhằm giảm ô nhiễm không khí; cải tạo hệ thống giao thông đường bộ, phát triển giao thông công cộng, giao thông đi bộ và đi xe đạp trong thành phố, hạn chế phương tiện cá nhân; cấm vận hành các xe không đạt tiêu chuẩn; kiểm soát khí thải từ các phương tiện giao thông... Bên cạnh đó, cần tiếp tục truyền thông nâng cao nhận thức cho người dân, đặc biệt là những người điều khiển ô tô, xe máy, các chủ cơ sở sản xuất, doanh nghiệp về ý thức bảo vệ môi trường vì chính bản thân và xã hội. Khuyến khích các phương tiện cơ giới sử dụng nhiên liệu sạch. Phát triển công nghệ sản xuất sạch hơn ở các khu công nghiệp, cụm công nghiệp và các cơ sở sản xuất công nghiệp...

ANH THƯ

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/cac-van-de/o-nhiem-khong-khi-doi-voi-suc-khoe-con-nguoi-597576