Ô nhiễm không khí Hà Nội lên kịch khung

Chỉ số chất lượng không khí tại thủ đô Hà Nội lên tới mức cao nhất - màu nâu - cực kỳ nguy hiểm cho sức khỏe con người

Những ngày gần đây, chất lượng không khí TP Hà Nội liên tục ở mức xấu, nhiều ngày ở ngưỡng "rất xấu", Sở Tài nguyên và Môi trường TP Hà Nội khuyến cáo người dân hạn chế ra đường để bảo đảm sức khỏe.

Vượt ngưỡng ô nhiễm

Sáng 13-12, hệ thống quan trắc của Chi cục Bảo vệ môi trường Hà Nội ghi nhận tại 10/11 điểm quan trắc có chỉ số chất lượng không khí (AQI) ở mức màu tím - trên 200, tương đương với đánh giá "rất xấu". Đây là mức không khí bị cảnh báo sẽ ảnh hưởng tới sức khỏe con người.

Lúc 8 giờ, chỉ số AQI tại trạm đo Minh Khai (quận Bắc Từ Liêm) là 261; tại Đại sứ quán Pháp là 266; các trạm đo tại Chi cục Bảo vệ môi trường, Hàng Đậu, Thành Công, Phạm Văn Đồng đều trên 240.

Trong 3 ngày từ 10 đến 12-12, chỉ số AQI ghi nhận tại các trạm đo trên cũng duy trì nhiều giờ ở mức từ 200. AQI ở trạm đo Đại sứ quán Pháp lúc 4 giờ ngày 10-12 đạt tới ngưỡng nguy hại (ngưỡng cao nhất) với mức 336. Chỉ số AQI cao thường xuất hiện trong khoảng từ 0 giờ đến 12 giờ hằng ngày.

Cũng trong ngày 13-12, trang Air Visual (thuộc Tổ chức IQAir có trụ sở chính tại Thụy Sĩ) xếp TP Hà Nội đứng đầu trong 10 thành phố trên thế giới có chỉ số AQI cao nhất - 316. Đây là mức màu nâu, cao nhất, cực kỳ nguy hiểm cho sức khỏe con người. Trong đó, điểm đo tại Tây Hồ có chỉ số AQI là 405. Hơn 40 điểm đo của tổ chức Pam Air cũng ghi nhận chỉ số AQI ở mức cao, phần lớn các điểm có chỉ số trên 200.

Nhiều chuyên gia dự báo từ nay đến tháng 3-2020, TP Hà Nội và các tỉnh phía Bắc sẽ còn chịu nhiều đợt ô nhiễm không khí nghiêm trọng khi hiện tượng nghịch nhiệt sẽ còn tiếp tục. Báo cáo môi trường quốc gia về môi trường không khí và báo cáo hiện trạng chất lượng không khí của GreenID cũng đưa ra khuyến cáo ở TP Hà Nội, mùa đông ô nhiễm nghiêm trọng hơn mùa hè do các đợt ô nhiễm không khí tăng mạnh, với chỉ số ô nhiễm lên ngưỡng nguy hại trong một số thời điểm.

Không khí TP Hà Nội liên tiếp đạt ngưỡng báo động cho sức khỏe con người

Không khí TP Hà Nội liên tiếp đạt ngưỡng báo động cho sức khỏe con người

Cần thiết phải cho học sinh nghỉ học

Tổng cục Môi trường cho rằng do TP Hà Nội và các vùng khác của miền Bắc đang là thời gian mùa khô và là thời điểm giao mùa, ô nhiễm không khí thường ở mức cao nhất năm. Đây là lý do khiến ô nhiễm không khí TP Hà Nội ở mức xấu trong nhiều ngày qua.

TS Hoàng Dương Tùng, Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam, nhấn mạnh không khí TP Hà Nội chuyển biến xấu từ ngày 8-12, sau đó mức độ ô nhiễm liên tục tăng theo từng ngày. "Đáng lo là không khí Hà Nội trong năm nay ô nhiễm liên tục, kéo dài chứ không còn theo đợt nữa. Do đó, TP cần nghiêm túc đánh giá về các nguồn thải và tìm biện pháp khẩn cấp. Chúng ta không thể cứ trông mong vào ông trời để có một số ngày trong lành" - ông Tùng cảnh báo.

Cũng theo TS Hoàng Dương Tùng, khi chỉ số chất lượng không khí ở địa phương nào xấu đột ngột, xấu kéo dài thì cơ quan chức năng, chính quyền địa phương đó phải lập tức chỉ đạo kiểm tra, xác định nguyên nhân chính. Thế nhưng, tại TP Hà Nội không có hành động nào mang tính cấp bách. Các địa phương gần như đã hình thành tâm lý "thời tiết là ông trời, thời tiết không thuận thì phải chịu", trong khi rất nhiều nguồn thải ô nhiễm không khí là từ hoạt động của con người.

Vì vậy, cần thay đổi lối suy nghĩ trên, bằng việc chủ động đề ra các biện pháp ứng phó nhằm làm giảm mức độ ô nhiễm không khí, như kiểm tra, xử lý triệt để các điểm đốt chất thải, rác không đúng quy định; kiểm tra, xử lý tình trạng vi phạm về bụi ở các công trình xây dựng; phun rửa đường để làm giảm bớt nguồn bụi phát tán trong không khí. Bên cạnh đó, phải tính đến các giải pháp tổng thể, lâu dài để giảm khí thải, bụi thải liên quan đến giao thông, xây dựng, dân sinh và các hoạt động sản xuất công nghiệp.

Theo TS Hoàng Dương Tùng, nếu tình hình tiếp tục tồi tệ trong những ngày tới, cần thiết phải cân nhắc áp dụng biện pháp khẩn cấp là cho học sinh một số trường ở vùng ô nhiễm cao nghỉ học, hạn chế các tiết học ngoài trời ở vùng ô nhiễm ít hơn. Ngoài ra, xem xét tạm dừng một số cơ sở sản xuất và công trình xây dựng, ngăn chặn người dân đốt rác, đốt rơm rạ.

50 điểm quan trắc phía Bắc ô nhiễm nặng

Theo các hệ thống đo chỉ số chất lượng không khí của Trang thông tin điện tử và nền tảng ứng dụng Pam Air (do Công ty CP Tư vấn và Tích hợp công nghệ D&L quản lý), trong sáng 13-12, hơn 50 điểm quan trắc ở miền Bắc chuyển màu tím - mức rất có hại cho sức khỏe. Cùng với các điểm quan trắc ở Hà Nội, lúc 7 giờ cùng ngày, Pam Air ghi nhận chỉ số AQI tại các tỉnh Nam Định, Thái Bình, Vĩnh Phúc, Bắc Giang, Ninh Bình, Hưng Yên, Thái Nguyên đều ở mức 203-287, ngưỡng tím - rất có hại cho sức khỏe. Những điểm cao nhất như Thư viện tỉnh Hưng Yên là 272; Thư viện khu phố Trang Liệt (Từ Sơn - Bắc Ninh) là 280, Thư viện huyện Hải Hậu (Nam Định) là 282...

Bài và ảnh: BẠCH HUY THANH

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/ban-doc/o-nhiem-khong-khi-ha-noi-len-kich-khung-20191213225730431.htm