Ô nhiễm không khí: Trẻ nhỏ và phụ nữ mang thai bị ảnh hưởng nhiều nhất

Ô nhiễm không khí đang ở mức báo động tại Hà Nội và nhiều tỉnh thành lân cận. Theo khuyến cáo, sống trong môi trường ô nhiễm sẽ là mối đe dọa với sức khỏe của chúng ta.

Ô nhiễm không khí tại Hà Nội và nhiều tỉnh thành ở mức báo động

Hệ thống quan trắc không khí PAMAir sáng 12/11 ghi nhận nhiều điểm ở miền Bắc đều ô nhiễm không khí ở ngưỡng chất lượng không khí xấu. Ảnh TTO

Hệ thống quan trắc không khí PAMAir sáng 12/11 ghi nhận nhiều điểm ở miền Bắc đều ô nhiễm không khí ở ngưỡng chất lượng không khí xấu. Ảnh TTO

Sáng 12/11, kết quả quan trắc chất lượng không khí ở nhiều tỉnh thành khu vực phía Bắc gần như tất cả đều màu tím, thể hiện chất lượng không khí xấu, nguy hại.

Theo đánh giá từ các nhà khoa học, hiện tượng ô nhiễm không khí chưa từng thấy khi màu tím ở hầu hết các trạm quan trắc trên địa bàn Hà Nội, thậm chí có nơi còn ghi nhận ở ngưỡng nâu, mức nguy hại.

Theo ghi nhận, tại thời điểm 6h sáng 12/11, điểm quan trắc của Tổng cục Môi trường tại 556 Nguyễn Văn Cừ ghi nhận chất lượng không khí (chỉ số AQI) lên tới 341, ngưỡng cao nhất thể hiện màu nâu và là ngưỡng nguy hại theo cách tính chất lượng không khí của Việt Nam.

Không chỉ Hà Nội ô nhiễm nghiêm trọng trong, sáng nay ở nhiều tỉnh miền Bắc như Việt Trì, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Hải Phòng, Hưng Yên, Hải Dương, Ninh Bình, Thái Bình đều ô nhiễm, xấp xỉ ngưỡng tím.

Theo Tổ chức Y tế thế giới 6 chất chính gây ô nhiễm không khí ảnh hưởng đến sức khỏe người bao gồm: Oxit nitơ (NOx); Oxit lưu huỳn; (SOx); Cacbon monoxit (CO); Chì; Ozon tầng mặt đất; Các hạt vật chất khí quyển lơ lửng.

Trong số đó, các hạt bụi mịn với kích thước nhỏ hơn 2,5 micron (PM 2.5) đáng được bận tâm nhất, vì chúng có khả năng xâm nhập sâu vào phổi, ảnh hưởng đến cả hệ hô hấp và hệ thống mạch máu. Tình trạng sức khỏe bị ảnh hưởng của con người có nghiêm trọng hay không sẽ tùy thuộc vào mức độ và thời gian tiếp xúc với không khí ô nhiễm.

Không khí ô nhiễm nghiêm trọng, có thể ảnh hưởng tới sự phát triển não bộ thai nhi

Ô nhiễm không khí ảnh hưởng đến sức khỏe nhiều người đặc biệt là sức khỏe phụ nữ mang bầu và trẻ nhỏ.

Ô nhiễm không khí có ảnh hưởng vô cùng lớn với sức khỏe của trẻ em. Trên thế giới, có tới 14% trẻ em độ tuổi từ 5 - 18 tuổi bị hen suyễn liên quan đến các yếu tố bao gồm ô nhiễm không khí.

Mỗi năm có 543.000 trẻ em dưới 5 tuổi tử vong bệnh hô hấp liên quan đến ô nhiễm không khí. Ô nhiễm không khí cũng đóng vai trò lớn tới việc mắc ung thư ở trẻ em từ khi còn rất nhỏ.

Phụ nữ mang thai tiếp xúc với không khí bị ô nhiễm có thể ảnh hưởng đến sự phát triển não bộ của thai nhi. Cả người lớn và trẻ em cũng có thể bị suy giảm nhận thức do ô nhiễm.

Theo nghiên cứu từ các nhà khoa học của trường Đại học Hasselt (Bỉ) cho thấy, thai nhi dù đang nằm trong bụng mẹ vẫn có thể nhiễm các hạt carbon đen siêu nhỏ sinh ra từ khói xe và hoạt động đốt nhiên liệu.

Cụ thể, trung bình mỗi milimet nhau thai của các bà mẹ sống ở cạnh các con đường lớn có chứa tới 20.000 hạt bụi mịn. Với các bà mẹ sống xa đường lớn hơn, con số này là 10.000 hạt. Kiểm tra nhau thai của các thai nhi bị sẩy, các nhà khoa học cũng phát hiện bụi mịn có trong nhau thai, thậm chí là nhau thai 12 tuần tuổi.

Nghiên cứu cũng chỉ ra các hạt siêu nhỏ này làm gia tăng nguy cơ sảy thai, sinh non và tình trạng thai nhi ốm yếu khi ra đời. Các hạt siêu mịn này gây ra hậu quả lâu dài đối với đứa trẻ.

Các chất gây ô nhiễm chính bao gồm: vật chất hạt, hỗn hợp các vật chất rắn và lỏng phát sinh từ quá trình đốt cháy nhiên liệu và giao thông đường bộ; nitơ dioxide từ khói bụi của các loại xe cộ hoặc bếp gas trong nhà; sulfur dioxide từ việc đốt nhiên liệu, và ozone trên mặt đất, gây ra do phản ứng của ánh nắng mặt trời với các chất ô nhiễm từ khí thải xe cộ.

Ô nhiễm không khí hiện được xem là mối đe dọa sức khỏe môi trường lớn nhất thế giới. Một nửa dân số trên thế giới không được tiếp cận với nhiên liệu hoặc công nghệ sạch, 9/10 người trong số này đang phải hít không khí ô nhiễm, và có đến 7 triệu người bị giết chết mỗi năm vì ô nhiễm không khí.

Tác động của ô nhiễm không khí đối với sức khỏe con người đang ngày càng được quan tâm khi các nghiên cứu đã chứng minh có mối liên hệ giữa một số bệnh nghiêm trọng giữa các nhóm tuổi khác nhau và ô nhiễm không khí.

Chẳng hạn như: Biến chứng thần kinh và tâm lý; Kích ứng mắt; Các bệnh ngoài da; Các bệnh mãn tính lâu dài như tiểu đường, ung thư...

Theo ước tính gần đây của Tổ chức Y tế Thế giới, việc tiếp xúc với không khí ô nhiễm là một yếu tố rủi ro đối với vài căn bệnh nguy hiểm hơn những gì chúng ta từng nghĩ trước đây.

Hạo Nhiên (T/H) - Theo Đời sống Plus/GĐVN

Nguồn Đời Sống Plus: http://doisongvietnam.vn/o-nhiem-khong-khi-nghiem-trong-de-doa-the-nao-den-suc-khoe-78617-3.html