Ô nhiễm làng nghề - 'căn bệnh nan y' ở Phan Bôi

Làng nghề tái chế phế liệu Phan Bôi, xã Dị Sử, huyện Mỹ Hào (Hưng Yên) đã có đóng góp tích cực trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giải quyết việc làm, ổn định đời sống người dân địa phương.

Nhiều gia đình giàu lên từ chính nghề này, tuy nhiên cũng từ đây ô nhiễm làng nghề trở thành “căn bệnh nan y” chưa có thuốc chữa ở Phan Bôi. Đặc biệt, tỷ lệ tử vong do ung thư rất cao…

Khói đen cùng mùi khó chịu, độc hại sinh ra từ các hộ đốt nguyên liệu tạo hạt nhựa

Xuôi theo QL5A, chúng tôi đến với làng nghề tái chế phế liệu Phan Bôi. Nhiều năm trở lại đây, diện tích đất canh tác ngày càng thu hẹp do phải nhường đất cho các NM, KCN. Thiếu đất phát triển nông nghiệp, nên nhiều người dân đã chuyển sang kinh doanh phế liệu, rác thải để phát triển kinh tế. Vị trí địa lý bám sát QL5A thuận lợi cho giao thương nên làng nghề ngày càng phát triển mạnh.

Hàng ngày, rác thải nhựa được thu gom từ mọi nơi, sau đó phân loại. Tại đây, công tác tái chế diễn ra ngay tại các hộ gia đình, sau đó phân loại, xay nhựa, phơi nhựa, nước thải và cặn bã từ quá trình xay rửa phế liệu không qua xử lý được người dân vô tư xả ra các cống nước tiêu, kênh mương xung quanh.

Điều đáng chú ý, rác thải nhựa trong quá trình tái chế có những loại sạch, bẩn tùy vào mức độ mà người dân dùng nhiều loại hóa chất độc hại để tẩy rửa. Bụi, bẩn, nước thải, hóa chất độc hại... cứ thế theo năm tháng mà ngấm vào đất và nước sinh hoạt.

Còn phần không tái chế sẽ có một người thu gom và tiến hành đốt. Việc này đã giúp làng nghề Phan Bôi không còn hiện tượng rác thải không tái chế được chất đống tại các khu dân cư. Nhưng hệ lụy là từ việc đốt mà khí thải không hề được xử lý lại tiếp tục gây ô nhiễm môi trường không khí.

Gần đây nhiều hộ còn làm thêm công đoạn đốt tạo hạt sản sinh ra khói đen cộng với mùi rất độc hại, gây khó chịu cho những hộ sinh sống xung quanh, ngửi phải mùi này trẻ em, người già còn bị tức ngực, khó thở. Nhiều nhà thường xuyên “cửa đóng, then cài”, thậm chí đeo khẩu trang suốt cả ngày.

Ông Nguyễn Đức Thắng, Phó Chủ tịch UBND xã Dị Sử cũng phải công nhận tình trạng ô nhiễm ngày càng nặng nề tại làng nghề tái chế phế liệu Phan Bôi: “Hiện tại, làng nghề có 110 hộ kinh doanh, vận chuyển và tái chế nhựa. Trong đó 50% hộ có giấy phép, còn lại làm ăn nhỏ lẻ và trung chuyển sản phẩm. Do làng nghề nằm ngay trong khu dân cư, nên càng xảy ra bất cập. Tình trạng xay nhựa nên nước tẩy rửa xả thải thẳng ra khu dân cư”.

Khi được hỏi về tính chất độc hại của nước thải của làng nghề Phan Bôi, ông Thắng đáp: “Nói chung độc hại là khó tránh khỏi, ngoài tái chế nhựa như can, làn,…, nhiều hộ còn tái chế bình ắc quy, đồ điện, túi bóng,... Chúng tôi cũng chỉ biết nhắc nhở, tuyên truyền, vận động nhưng do mưu sinh nên người dân vẫn tiếp tục làm”.

Theo Trạm Y tế xã Dị Sử, tính đến hết tháng 8/2018, số ca tử vong của người dân đang sinh sống tại làng nghề tái chế nhựa Phan Bôi là 11 trong tổng số 47 ca tử vong toàn xã. Đáng chú ý hơn, trong 11 ca tử vong thì có đến 10 người chết vì ung thư.

Nguyên liệu dùng để tái chế chất đống tại đường làng, ngõ xóm

Ông Lê Văn Đẫng bị ung thư phổi. Vợ ông Đẫng mắt dưng dưng: "Ông ấy sinh năm 1940, tuy đã có tuổi nhưng sức khỏe vẫn tốt, không bao giờ ốm vặt. Ông ấy thương vợ con lắm, ngày nào cũng giúp tôi đẩy xe nước ra đầu đường bán. Nhưng vì ung thư phổi mà sức khỏe ông giảm sút nhanh chóng. Khi bệnh tới giai đoạn cuối, còn một tuần nữa là ông ấy mất do yếu quá ông mới chịu nằm nhà.

Nguyên nhân không biết do đâu, ông nhà tôi từ trước giờ không lao động trong môi trường độc hại bao giờ. Cùng đó, gia đình không hề xay nhựa, nhặt nhựa hay đốt nhựa tạo hạt như các hộ khác. Tuy nhiên, hàng ngày khói và mùi từ xung quanh bay sang khiến ngày nào nhà tôi cũng phải đóng cửa kín mít, trừ khi có việc mới dám ra ngoài".

Tình trạng chết trẻ do ung thư chiếm tỉ lệ khá cao. Vợ ông Đẫng kể: “Trường hợp anh Kiên con ông Kiệu mất ngày 1/4 âm lịch vừa rồi do ung thư vòm họng mới 50 tuổi. Thằng Thạch nhà gần đây cũng ung thư vòm họng chết khi 46 tuổi. Còn thằng Đỗ con ông Tải chết vì ung thư khi 40 tuổi. Chị Đắp vợ anh Chuyên sinh năm 1963 cũng chết do ung thư”.

Là trường hợp có người thân mất trẻ, vợ anh Vũ Huy Đỗ chia sẻ: “Anh Đỗ không ai sướng bằng, sướng từ lúc đẻ ra, không phải làm gì cả. Tuy gia đình có làm tái chế nhựa nhưng anh Đỗ không phải nhặt hay xay nhựa. Vậy không hiểu sao mắc phải căn bệnh ung thư thực quản. Mới đầu thấy anh nói khàn khàn, về sau bệnh tình nặng hơn anh Đỗ câu nói được nói không”.

Giải pháp duy nhất mà ông Nguyễn Đức Thắng, Phó Chủ tịch UBND xã Dị Sử đưa ra, là kiến nghị các cơ quan môi trường kiểm tra, xử lý để có chế tài đưa các hộ tái chế nhựa phế thải di dời ra khu vực khác để giữ môi trường sinh sống của các gia đình trong sạch.

HƯNG GIANG

Nguồn Nông Nghiệp: https://nongnghiep.vn/o-nhiem-lang-nghe-can-benh-nan-y-o-phan-boi-post230212.html