Ô nhiễm môi trường ở cụm công nghiệp hết sức nan giải

Tiếp tục Chương trình phiên chất vấn kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV vào ngày 30/10, đại biểu Quốc hội đề nghị Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà đưa ra biện pháp cụ thể để khắc phục tình trạng ô nhiễm làng nghề, khu, cụm công nghiệp.

Đặt câu hỏi với Bộ trưởng Trần Hồng Hà, đại biểu Quốc hội Nguyễn Trường Giang (tỉnh Đắk Nông) chất vấn, tình trạng ô nhiễm môi trường ở các làng nghề, nhất là các làng nghề sản xuất công nghiệp tái chế vẫn chưa được kiểm soát, xử lý vi phạm chưa nghiêm. Đề nghị Bộ trưởng cho biết kết quả nguyên nhân không đạt được, các mục tiêu và các giải pháp trong thời gian tới để giải quyết dứt điểm tối đa số làng nghề bị ô nhiễm nghiêm trọng. Đối với các khu, cụm công nghiệp trước khi đi vào hoạt động đã bảo đảm hoàn thành hệ thống xử lý nước thải theo yêu cầu của Nghị quyết 33/2016/QH14 của Quốc hội hay chưa?

Bộ trưởng Trần Hồng Hà trả lời chất vấn của đại biểu

Trả lời chất vấn, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho rằng, vấn đề ô nhiễm làng nghề và ô nhiễm các khu công nghiệp, cụm công nghiệp đang là vấn đề bức xúc. Thực tế hiện nay, chúng ta đã xây dựng, nhận dạng được các loại hình làng nghề gây ô nhiễm môi trường. Đối với khu công nghiệp chúng ta đã đặt ra yêu cầu về lộ trình để xử lý nước thải tập trung, đã có trên 80% khu công nghiệp đầu tư hệ thống hạ tầng, trong đó có trên 10% đã lắp đặt các hệ thống quan trắc tự động.

“Nói như vậy, ở khu công nghiệp có bước tiến đáng kể, riêng cụm công nghiệp hiện nay tình hình hết sức nan giải. Trên thực tế, các cụm công nghiệp là khu vực do địa phương quyết định đầu tư nên nguồn lực, nguồn nhân lực và việc đầu tư ở đây hết sức hạn chế. Tỷ lệ đầu tư hạ tầng, xử lý nước thải tập trung cũng như giám sát môi trường cụm công nghiệp là vấn đề đang đặt ra” - Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho hay.

Theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, trước tình hình đó, Chính phủ đã ban hành 4 Nghị định, trong đó quy định cụ thể về quyền hạn, trách nhiệm, nội dung về kiểm soát đối với các khu công nghiệp, cụm công nghiệp và làng nghề. Đặc biệt chúng ta quan niệm đối với các làng nghề, khu công nghiệp, cụm công nghiệp đều phải chấp hành và tuân thủ các quy định của pháp luật về môi trường. Mỗi đối tượng này đều gắn với trách nhiệm quản lý đầy đủ của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương, nhất là nhấn mạnh vai trò của chính quyền cấp huyện trong quản lý môi trường.

Từ góc độ này, Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhấn mạnh, trong thời gian tới phải tập trung chấn chỉnh công tác quản lý đối với các cụm công nghiệp. Các cụm công nghiệp hiện nay thực tế đã chuyển về đây rất nhiều ngành sản xuất và công nghệ lạc hậu, đặc biệt là các ngành công nghệ tái chế như đại biểu đã nêu. Trên thực tế kiểm tra thì các cơ sở này đều không đáp ứng được năng lực, các công nghệ thì cũ, chưa có được các trang thiết bị và đầu tư cho vấn đề xử lý môi trường.

Bên cạnh đó, người dân sinh sống ở ngay trong cụm công nghiệp nên ảnh hưởng đến chất lượng sức khỏe của người dân. Vì vậy, trong thời gian tới, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ tích cực tiến hành công việc thanh tra, kiểm tra, đồng thời cùng với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong vấn đề xem xét, đánh giá lại chỉ tiêu thứ 17 về việc đáp ứng các yêu cầu môi trường đối với các làng nghề cũng như các cụm công nghiệp.

“Đối với các khu công nghiệp hiện nay, chúng ta sẽ tiến hành việc kiểm tra, thanh tra và đã đưa vào dữ liệu; thực hiện giám sát thường xuyên để đến cuối nhiệm kỳ, đảm bảo rằng bất cứ khu công nghiệp cũ hoặc mới nào đều phải đáp ứng và tuân thủ các quy định môi trường” - Bộ trưởng Trần Hồng Hà nói.

Quỳnh Nga - Lan Anh

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/o-nhiem-moi-truong-o-cum-cong-nghiep-het-suc-nan-giai-111025.html