Ô nhiễm môi trường từ phân hủy rơm rạ sau thu hoạch

Gần 350.000 ha trồng lúa, sản lượng lúa trung bình hàng năm của Sóc Trăng đạt khoảng 2 triệu tấn, thải bỏ ra môi trường gần 1,5 triệu tấn rơm rạ.

Trước ảnh hưởng của mưa bão vừa qua, nhiều diện tích lúa đang trong giai đoạn trổ chín sắp thu hoạch ở các địa phương của Sóc Trăng như Ngã Năm, Châu Thành, Mỹ Tú… đã bị đổ ngã, làm thiệt hại lớn đối với nông dân. Hơn nữa, nhiều diện tích lúa không thu hoạch được, bị phân hủy ngay trên đồng, nay nguồn nước ô nhiễm này đổ xuống các con kênh nội đồng, gây ô nhiễm và ảnh hưởng đến đời sống, sản xuất của người dân trong vùng.

Gần 350.000 ha trồng lúa, sản lượng lúa trung bình hàng năm của Sóc Trăng đạt khoảng 2 triệu tấn, thải bỏ ra môi trường gần 1,5 triệu tấn rơm rạ... Đây là nguồn nguyên liệu quan trọng mà nông dân trên địa bàn tỉnh có thể tận dụng để phát triển kinh tế, giúp tăng thu nhập từ các phụ phẩm của nông nghiệp.

Việc đốt rơm rạ làm ảnh hưởng đến môi trường và sức khỏe con người

Tuy nhiên, cái khó nhất của nông dân tỉnh Sóc Trăng nói riêng và nông dân ĐB SCL nói chung chính là chịu ảnh hưởng thường xuyên của các yếu tố thời tiết cực đoan, khiến cho kế hoạch sản xuất bị xáo trộn, nguồn thu nhập bị ảnh hưởng.

Tại thị xã Ngã Năm, mưa lớn không chỉ gây ngập đồng, vừa khiến nông dân khó khăn trong quá trình thu hoạch mà nguồn rơm rạ sau khi thu hoạch bị phân hủy trên đồng, nước chảy ra kênh rạch, gây ô nhiễm nặng. Nguồn nước ô nhiễm, ảnh hưởng đến nhiều hộ đang nuôi cá vèo (mùng lưới); nhiều hộ phải di chuyển vèo cá lên ao mương nhằm tránh thiệt hại.

Trước ảnh hưởng của nguồn nước bị ô nhiễm, hơn 10% trong tổng đàn vịt gần 300 con của gia đình anh Đoàn Thanh Sơn ở ấp Tân Trung, xã Long Bình, thị xã Ngã Năm đã bị thiệt hại. Giờ, gia đình phải nhốt vịt trên bờ và chờ nguồn nước bình thường mới cho vịt ra khỏi chuồng.

Trước thực trạng trên, chính quyền địa phương đã triển khai các giải pháp khắc phục nhằm giảm thiểu tác hại do ô nhiễm gây ra. Theo đó, Ủy ban nhân dân các xã, phường trên địa bàn thị xã đã chỉ đạo Ban quản lí các trạm bơm, tổ hợp tác đê bao kép kín trên địa bàn đóng cóng lại nhằm giảm lượng nước ô nhiễm từ trên đồng ruộng tràn xuống sông.

Đồng thời, Ủy ban nhân dân thị xã phối hợp với ngành chuyên môn huyện Mỹ Tú, mở cống Mỹ Phước và Ban điều tiết nước tỉnh Bạc Liêu để điều tiết nước, sớm khắc phục nguồn nước bị ô nhiễm tại địa bàn.

Nguồn VNEWS: http://vnews.gov.vn/o-nhiem-moi-truong-tu-phan-huy-rom-ra-sau-thu-hoach-20200816172718577.htm