Ở nơi 'Cột mốc thiên đường'

Leo bộ theo dãy bậc đá khá dài lên đỉnh một quả đồi cao, chúng tôi đặt chân đến mốc 1327 ở bản Phạt Chỉ, xã Đồng Văn, huyện Bình Liêu, Quảng Ninh. Cái tên 'Cột mốc thiên đường' ra đời ở chính nơi này, bởi con đường lên mốc là những bậc thang dẫn lên đỉnh núi mù sương, nơi cắm cột mốc hoa cương hút vào sương lạnh, giống như 'bậc thang lên thiên đường'. Nhưng, lập tức đập vào mắt tôi là rác thải ngập tràn. 'Thiên đường' nhiều rác quá!

Bà con người Dao trong Hội Hoa sở Bình Liêu, Quảng Ninh. Ảnh: TTH

Trung úy Ngô Ngọc Tuấn, cán bộ Đồn Biên phòng cửa khẩu Hoành Mô, BĐBP Quảng Ninh, đơn vị quản lý địa bàn nhanh tay nhặt những chai, lọ, ni lông, giấy gói, thức ăn thừa vứt lại, dấu vết của những cuộc bày ra ăn uống của dân đi “du lịch bụi” bỏ lại. Anh gom lại một chỗ rồi mang xuống núi. Lần nào tổ tuần tra đi mốc cũng đều phải gom rác, nhắc nhở các nhóm khách du lịch không xả rác ra khu vực đường biên, cột mốc. Đây không chỉ là khu vực phải bảo vệ cảnh quan sạch đẹp mà hơn nữa là địa điểm đơn vị bảo vệ biên giới của hai quốc gia thường xuyên lui tới, kiểm tra, thực hiện công vụ định kỳ và đột xuất. Phong trào đi phượt lên các địa danh có cột mốc ngày càng phát triển, vô hình chung làm các cán bộ, chiến sĩ BĐBP trở thành nhân viên vệ sinh thường xuyên, làm không hết việc!

BĐBP Quảng Ninh mới đây chỉ đạo các đồn Biên phòng chú ý tuần tra kiểm soát tại các cột mốc đang dần trở thành điểm đến nổi tiếng trong giới “du lịch bụi”. Mục đích để chống xâm hại đến cột mốc, phòng ngừa rủi ro, tai nạn trong khu vực biên giới. Trong số các mốc quốc giới trên địa bàn huyện Bình Liêu do Đồn Biên phòng cửa khẩu Hoành Mô quản lý, mốc số 1305 được biết đến nhiều hơn cả. Đây là cột mốc nằm trên đỉnh một quả đồi cao. Đường lên mốc nằm trên sống núi, dân phượt thích thú gọi là “sống lưng khủng long”. Quãng đường qua sống núi nhỏ hẹp và trơn trượt, hai bên là vực sâu. Hiện tại, con đường này đang được đơn vị thi công gia cố một số đoạn nguy hiểm dễ xảy ra tai nạn, nên có đặt ra quy định hạn chế các phượt thủ lên mốc 1305.

Thượng tá Bùi Đức Hạnh, Chính trị viên Đồn Biên phòng cửa khẩu Hoành Mô cho hay, con đường trên sống núi này bình thường anh em cán bộ, chiến sĩ Biên phòng còn phải thận trọng khi tuần tra, đối với người dân chưa có kinh nghiệm leo núi cao rất dễ bất cẩn xảy ra những rủi ro. Thượng tá Hạnh xác nhận, gần đây, số lượng người dân đi du lịch bằng xe máy đến địa bàn biên giới huyện Bình Liêu, Quảng Ninh tăng nhanh. Tổng số 68 cột mốc (từ cột mốc số 1300/3 đến 1327) do đơn vị quản lý thuộc địa bàn các xã Tình Húc, Lục Hồn, Vô Ngại, Đồng Tâm, Đồng Văn, Hoành Mô có rất nhiều điểm đến hấp dẫn đối với những người trẻ thích “du lịch bụi”.

Một số thời điểm trong năm, dải biên cương đẹp hơn nhờ mùa nở rộ hoa sở, hoa trẩu, hoa cỏ lau. Chưa kể đến một số lễ hội đặc biệt hấp dẫn như Hội Hoa sở, Hội Kiêng gió, Hội Xuân của đồng bào dân tộc Sán Chỉ, Dao... sở tại. Tỉnh Quảng Ninh cũng là tỉnh tiếp tục là “địa chỉ đỏ” của dân du lịch bình dân sau Hà Giang, Cao Bằng, Sơn La, Điện Biên trên tuyến biên giới phía Bắc. Không thể phủ nhận, phong trào du lịch phát triển ở đâu sẽ thúc đẩy sự phát triển kinh tế-xã hội, văn hóa ở vùng đó. Đây là một tín hiệu tốt cho vùng biên giới Quảng Ninh, song nhiệm vụ của lực lượng BĐBP trên địa bàn càng thêm phức tạp.

Các địa danh cột mốc có đường dẫn tới càng hiểm trở, khó đi và hoang vu thì càng thu hút dân “du lịch bụi”. Hiện, Bình Liêu còn là cái tên mới, “nóng” và bí ẩn đối với các nhóm phượt. Ngoài núi cao, vực sâu, nơi này còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ khác không thể biết trước vì đường biên giới khá nhiều cửa khẩu, đường mòn, lối mở và giáp với các khu dân cư đông đúc của nước bạn.

Việc thiếu hiểu biết và nghịch phá cột mốc, đường biên, xả rác, chụp ảnh khoe trên mạng xã hội mà vẽ bậy vào số hiệu cột mốc đã từng xảy ra gần đây. Ngoài quân số các đồn căng ra làm nhiệm vụ thì địa phương cần có trách nhiệm không nhỏ trong việc kiểm soát địa bàn, tuyên truyền giáo dục về ý thức bảo vệ cảnh quan, công trình đối với người dân nơi khác vào khu vực biên giới, thưởng ngoạn cảnh đẹp...

Thụy Văn

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/o-noi-cot-moc-thien-duong/