Ở quán cà phê triết học của tuổi trẻ

Tôi luôn cố gắng có mặt ở những nơi mà thầy được mời đến để trò chuyện. Cố gắng đến thật sớm để giành chỗ ngồi gần thầy nhất và luôn ở lại sau cùng để cùng những người trẻ khác níu giữ thầy trong muôn vàn thắc mắc và bỡ ngỡ. Với tôi, đó là lúc tuổi trẻ của mình được sống trọn vẹn nhất.

1. Tôi không nhớ rõ lần đầu gặp thầy Bùi Văn Nam Sơn là khi nào. Có thể là trong buổi nói chuyện ở Cà phê Thứ Bảy của nhạc sĩ Dương Thụ, hay hôm giới thiệu dịch phẩm Jean Jacques Rousseau của vợ chồng triết gia Will Durant tại hầm sách NXB Đại học Quốc gia TP.HCM. Hay những quyển sách dày cộp bìa cứng màu vàng chất chồng trong góc kẹt của Trung tâm sách Sài Gòn trên đường Nguyễn Thị Minh Khai với cái tên loằng ngoằng Các nguyên lý của triết học pháp quyền mà tôi tò mò nhấc lên rồi đặt ngay xuống vì hai chữ “triết học” và độ dày gần ngàn trang của nó. Cũng có khi là trong câu chuyện của Đức - cậu bạn học Y Dược lọ mọ đạp xe mỗi tối đến trường Nhân Văn dự học lớp triết của thầy.

Do học Y nên Đức trọ trong khu trung tâm Sài Gòn, cách Nhân Văn tầm nửa giờ đi xe đạp. Đức hay ghé Thư quán Văn Khoa bên dãy C của trường, tìm xem sách Tri Thức đã có cuốn mới nào chưa. Chúng tôi bắt đầu biết nhau từ những lần như vậy, trò chuyện với nhau về những cuốn sách khó nhằn, những chỗ dẫu dốc sức nghiền ngẫm vẫn không sao hiểu được. Để rồi một ngày Đức nhắc đến thầy với lớp học buổi tối chật kín người tại giảng đường Nhân Văn.

Trong câu chuyện của Đức, tôi nhớ mãi chi tiết ông thầy nghiêm nghị hỏi học trò của mình: “Các anh chị đã có ai đọc hết quyển Phê phán lý tính thuần túy chưa?”. Cả lớp im lặng khiến thầy phải nhíu mày: “Thế thì làm sao mà học triết được”. Phê phán lý tính thuần túy, rồi Kant, Hegel - những cái tên lạ hoắc lướt qua trong tôi đầy kinh ngạc.

Tác giả với thầy Bùi Văn Nam Sơn tại buổi giới thiệu dịch phẩm Ý niệm hiện tượng học của Edmund Husserl. Ảnh: CTV

Mãi sau này tôi mới hiểu được tại sao phải bắt đầu từ Kant với Phê phán lý tính thuần túy và càng hiểu được lý do Đức dốc cạn tiền sinh hoạt trong tháng để mua hết thảy bộ ba phê phán của Kant và những cuốn sách mang tính sát thương cao về mặt nghĩa đen của Hegel, những quyển sách mà nơi chúng có mặt đều là những góc kẹt tại các hiệu sách của Sài Gòn. Đức nói mua vì quá yêu quý thầy chứ đọc thì không nổi!

2. Năm 1968, thầy sang Đức du học tại khoa triết Đại học J. W. Goethe, Frankfurt khi vừa 21 tuổi. Gần 40 năm sau trở về, Sài Gòn đón thầy bằng những lần trò chuyện tại các quán cà phê, rồi những bài báo, những cuộc phỏng vấn sau khi trước tác của các triết gia cổ điển Đức được thầy trình làng qua các bản dịch công phu. Thầy không thuộc về một giảng đường đại học nào. Nếu có chăng, chỉ là một diễn giả với vài buổi trò chuyện cùng sinh viên do thầy cô của họ mời đến - những người từng say sưa trong các cuộc trò chuyện với thầy tại Cà phê Thứ Bảy.

Ngồi lại cùng sinh viên trong đoạn thời gian ngắn ngủi ấy, thầy sẽ bắt đầu bằng nụ cười thật hiền với câu nói dí dỏm: “Anh chị đừng lo, triết học không đáng sợ đến thế đâu. Nếu chúng ta biết dọn lòng, bình tâm ngồi lại lắng nghe tiếng nói của những khối óc vĩ đại ấy, anh chị sẽ tìm thấy đâu đó những mùa hoa trái ngọt ngào của sự suy tư”.

Trong câu chuyện của thầy, triết gia Socrates là một cụ già hay bị vợ quát tháo vì không phụ giúp được gì cho gia đình, suốt ngày lang thang trên đường phố của Athens trò chuyện với người trẻ. Cái chết của Socrates là một dấu ấn bằng máu đầu tiên đặt lên toàn bộ nền văn m inh phương Tây. Socrates chấp nhận chén thuốc độc - kết quả phán xử của chính quyền Athens để khơi dậy tinh thần dấn thân vì tư tưởng, khai mở một nền giáo dục vô vị lợi với việc trao truyền kiến thức bằng sự khai phóng cho mỗi người. Đó còn là Platon với kiệt tác Cộng hòa cùng khát vọng xây dựng một xã hội không bạc đãi những con người biết thức tỉnh.

Tôi luôn cố gắng có mặt ở những nơi mà thầy được mời đến để trò chuyện. Cố gắng đến thật sớm để giành chỗ ngồi gần thầy nhất và luôn ở lại sau cùng để cùng những người trẻ khác níu giữ thầy trong muôn vàn thắc mắc và bỡ ngỡ. Với tôi, đó là lúc tuổi trẻ của mình được sống trọn vẹn nhất.

Ở mọi buổi cà phê, thầy luôn dành thời gian để đám trẻ chúng tôi thắc mắc và tranh luận. Khi có ai đó hỏi, thầy sẽ trả lời bằng cách nói: “Thật khó để có câu trả lời cuối cùng”, “Dường như trong lịch sử triết học, bất cứ lúc nào lời khẳng định được đưa ra chẳng mấy chốc nó sẽ bị tra vấn và bác bỏ. Đó là lẽ thường tình. Bởi triết học là những cuộc đối thoại liên tục, là những câu hỏi đầy sự ngạc nhiên về thế giới này. Nếu cố gắng tìm một câu trả lời tối hậu cho mọi vấn đề, cuộc sống này hẳn sẽ không còn ý nghĩa nào nữa”... Nhưng không phải lúc nào thầy cũng đủ thời gian để ngồi lại cùng chúng tôi. Vì thầy còn đó những bản dịch ngổn ngang, còn đó những triết gia thời danh mà thầy muốn mang đến cho chúng tôi.

3. Cuối cùng điều tôi mong ước cũng đến. Đó là một ngày cuối tháng 3.2018, lớp học “Giới thiệu 10 khái niệm cơ bản của triết học” do thầy hướng dẫn được tổ chức tại Salon Văn hóa Cà phê Thứ Bảy ở 38 Võ Văn Tần vào chiều thứ Năm mỗi tuần.

Lớp bắt đầu từ 6 giờ rưỡi tối nhưng từ 5 giờ thầy đã đến ngồi đợi chúng tôi. Biết được thầy luôn đến sớm, những buổi học sau, khi vừa tan sở, tôi đều chạy thẳng từ Thủ Đức lên, tranh thủ khoảng thời gian trước khi vào lớp để được trò chuyện cùng thầy nhiều hơn. Những buổi đi học sớm như vậy, từ thầy tôi biết được khi còn là học viên cao học ban triết của Đại học Văn Khoa Sài Gòn dưới sự hướng dẫn của thầy Lê Tôn Nghiêm, Trần Công Tiến đã dịch được Hữu thể và thời gian - tác phẩm kinh điển của Martin Heidegger, mà với thế hệ sinh viên học triết hôm nay đã trở thành điều không tưởng. Từ những buổi học sớm đó, tôi biết được sau mỗi lần đọc sách, thầy sẽ tóm tắt những chủ đề chính của quyển sách đó trong một hai trang giấy. Và thầy dành hẳn một cuốn sổ tay để chép lại những đoạn văn đắc địa, những ý tưởng độc đáo của các tác giả để mỗi lần trích dẫn, thầy chỉ cần mở quyển sổ ấy ra.

Từ những buổi học sớm đó, thầy luôn khuyên tôi cố gắng trau dồi ngoại ngữ thật nhiều, học từ Hán Việt trong những bài thơ Chinh phụ ngâm, Cung oán ngâm khúc… hay những bản dịch Tứ thư, Ngũ kinh của dịch giả Đoàn Trung Còn, học lại tiếng Việt từ những áng thơ của Quốc âm thi tập, Truyện Kiều... đến học tiếng Anh vì đó là ngôn ngữ phổ dụng nhất, được sử dụng để dịch nhiều trước tác của nhân loại. Phải học tiếng Pháp, tiếng Đức vì khả năng biểu đạt các khái niệm trừu tượng của triết học và tư duy một cách tốt nhất. Và cũng từ những buổi học sớm đó, tôi vinh dự trở thành một phần trong câu chuyện của thầy khi bắt đầu bài giảng: “Chiều nay, tôi có ngồi nói chuyện với một anh bạn trẻ...”.

4. Buổi học đầu tiên của chúng tôi bắt đầu từ khái niệm “triết học”. Triết học với thầy là hành trình của sự đau đớn, những đổ vỡ và khủng hoảng về tinh thần, đảo lộn mọi trật tự quen thuộc để giải phóng con người khỏi những thói quen, tiên kiến. Từ trong triết học, con người được tái sinh. Và quan trọng hơn, triết học là sự cân đối các đối diện, là tinh thần đối thoại không ngừng bởi như thầy tâm niệm, càng nhiều con đường rộng mở, chúng ta càng đến gần với chân lý hơn. Tinh thần đối thoại của thầy trong các bài giảng đã mở ra cho chúng tôi cách nhìn đầy mới mẻ về những điều tưởng chừng đã khuôn định trong tri kiến của mình.

Tinh thần đối thoại của thầy còn thể hiện trong loạt bài đăng báo mà thầy hay nói vui với chúng tôi là “feuilleton triết học” trên các báo Doanh Nhân Sài Gòn, Sài Gòn Tiếp Thị, Người Đô Thị, Thế Giới Tiếp Thị... hay loạt tác phẩm triết học cho bạn trẻ: “Chat” với John Locke, “Chat” với Hannah Arendt, “Chat” với René Descartes. Thầy đã mang triết học đến với thế hệ trẻ của chúng tôi như thế.

Trong những trang sách ấy, chúng tôi tìm thấy những cuộc đối thoại xuyên không khi thầy trở thành một anh bạn trẻ đầy lòng hiếu tri và dí dỏm để cùng đối thoại (“chat”) với các tiền nhân. Như Hannah Arendt, với đám trẻ chúng tôi là một cái tên xa lạ. Nhưng từ cuộc đối thoại của thầy, chúng tôi biết được những đóng góp to lớn của bà vào dòng chảy tư tưởng của phương Tây khi bà dụng công khảo sát hai cuộc đại cách mạng của Pháp và Mỹ - những cuộc cách mạng đã khai sinh các giá trị thiêng liêng của con người.

Từ cuộc “đối thoại” giữa thầy và Hannah Adrent, chúng tôi hiểu được rằng bất kỳ cuộc cách mạng nào khởi xuất từ những mệnh lệnh của cơm áo, gạo tiền như cách mạng Pháp đều đưa đến kết cục là sự lên ngôi của bạo lực, hủy diệt những lý tưởng ban đầu mà nó đề ra. Chỉ những cuộc cách mạng khởi đi từ sự khát khao các giá trị nhân văn và dân chủ như cách mạng Mỹ, cuộc cách mạng đó mới thiết định những nền tảng phát triển vì con người.

5. Hôm gặp lại Đức, tôi hỏi, dạo này còn hay đến nghe thầy Sơn nói chuyện không? Đức im lặng thở dài, năm cuối rồi, lịch học dày đặc, chắc đành gặp thầy qua những cuốn sách thôi rồi không quên dặn, ông nhớ ghi âm về cho tui nghe ké với. Đức khoe mới mua được cuốn Từ điển Jurgen Habermas mà từ hồi tám hoánh thầy có nhắc qua tới nay mới được xuất bản. Sách do học trò của thầy dịch và chính thầy hiệu đính.

Một lớp học mới cùng thầy sắp bắt đầu. Mong rằng trong đám trẻ lố nhố chúng tôi ngồi chật quán cà phê sẽ có Đức cùng góp mặt. Lần này, tôi sẽ rủ Đức tới thật sớm để được ngồi với thầy lâu hơn...

Phiên An

Nguồn Người Đô Thị: http://nguoidothi.net.vn/o-quan-ca-phe-triet-hoc-cua-tuoi-tre-16378.html