Ở quốc đảo xinh đẹp chỉ cần 2 triệu tấn gạo cho 10 triệu dân, sao mà khó thế?

Mỗi khi người ta nói về lúa gạo đi đông - đi tây, TS Phạm Văn Ro lại nhớ về một cuộc hành trình và những bữa ăn ở đảo quốc Cuba. Ở một đất nước chỉ cần 2 triệu tấn gạo cho 10 triệu dân, nhưng sao khó quá!?

Ông đã đi nửa vòng trái đất để cùng bạn bè tính toán cho những bữa ăn no lòng. Ông đã từng nhìn thấy những ruộng lúa gặt hái chừng 2 tấn/ha trên quốc đảo.

TS Phạm Văn Ro (đứng ngoài cùng bên phải) cùng đoàn chuyên gia nông nghiệp Mexico tham quan trồng lúa

Ở quê ông, có thời cũng như vậy nhưng hình ảnh đó nhanh chóng bị đẩy lùi vào quá khứ. Từ những giống lúa của Viện Lúa ĐBSCL, nông dân nào có năng suất 6 - 7 tấn/ha là loại thấp. Năng suất 10 tấn/ha/vụ mới được xem là bằng chị, bằng em.

Chuyến trải nghiệm Cuba

Từ năm 1985 về trước, Cuba quen trồng giống lúa IR8 từ Viện nghiên cứu lúa quốc tế của IRRI (Thần nông 8). Có vẻ như chính sách bao cấp nên nông nghiệp Cuba chưa năng động. Bài học đó, ông đã từng nhìn thấy ở miền Tây.

TS Ro nhớ lại thời điểm chính thức sang Cuba công tác trước khi có chương trình hợp tác nông nghiệp Việt Nam - Cuba năm 1985, đúng vào lúc Việt Nam bắt đầu đổi mới. Với chuyên môn chọn tạo giống lúa, ông làm việc tại Viện Lúa Cuba, giảng dạy lý thuyết về di truyền. Tuy thời gian gói gọn trong một tháng, nhưng đó là trải nghiệm khó quên.

Quốc đảo Cuba xinh đẹp, nhiều sông ngòi và thời tiết khá tương đồng Việt Nam. Với 10 triệu dân vào thời điểm đó, chỉ cần 2 triệu tấn lương thực là đủ dùng. Thời đó Liên Xô giúp đỡ Cuba rất nhiều. Họ có đủ loại máy móc, thiết bị sản xuất từ Liên Xô, canh tác quảng canh hiện đại. Đời sống người dân Cuba khá cao.

Tuy nhiên, trong khi chăn nuôi gà, heo, sữa bò dồi dào, giá rẻ thì ruộng lúa chỉ 2 tấn/ha. Khoảng 10 năm sau, các chuyên gia đồng nghiệp ở Viện Lúa Cuba sang Viện Lúa ĐBSCL thăm và tiếp nhận kỹ thuật canh tác mới, cho ông biết: "Cuba đã dần tự chủ lương thực, năng suất lúa đã đạt 4 tấn/ha".

“Tôi nghe mà lòng mừng, không phải vì những con số mà vì lý thuyết di truyền nền tảng ban đầu mình mong muốn, bây giờ bạn bè Cuba đã ứng dụng thành công”, TS Phạm Văn Ro nói.

Sau khi tốt nghiệp trường Đại học nông nghiệp 1 Hà Nội, sinh viên mới ra trường Phạm Văn Ro về làm việc tại Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm do Viện sĩ Lương Định Của làm Viện trưởng. Năm 1973, Viện sĩ Lương Định Của giới thiệu với Trung ương và Phạm Văn Ro là người duy nhất được cử sang Nhật Bản học thực hành 6 tháng chuyên về chọn tạo giống lúa.

Viện sĩ Lương Định Của là nhà nghiên cứu di truyền chọn giống nổi tiếng ở Nhật Bản nên khi nghe ông cử học trò sang Nhật, bạn bè trong giới khoa học xứ Phù Tang giúp đỡ chí tình. Con đường theo ngành di truyền tiếp tục mở ra khi ông được cử sang Ấn Độ, nhận bằng thạc sĩ trở về phụ trách Bộ môn chọn tạo giống lúa của Viện Lúa.

Ở Ấn Độ, các nhà khoa học ứng dụng nền tảng kiến thức chuyên về di truyền Mendel - Morgan. Từ những năm 1948, học thuyết Mendel - Morgan bị xem là di sản của phương Tây nên bị đả phá và loại bỏ khỏi hệ thống đào tạo, nghiên cứu khoa học của Liên Xô, thay vào đó là học thuyết di truyền học Mitsurin… Mãi đến khi học thuyết Mitsurin sụp đổ, các nhà khoa học Liên Xô phải thừa nhận tầm nhìn của Viện sĩ Lương Định Của về Mendel - Morgan và sự kiên nhẫn, thậm chí chịu đựng của ông đã giúp cho các nhà khoa học nhận ra giá trị của học thuyết này.

“Tôi còn nhớ, hồi đó có lần Viện sĩ Lương Định Của góp ý với các chuyên gia Cuba về phương pháp lai tạo chọn giống lúa: Chọn giống bố, mẹ và phương pháp giao phấn. Các kỹ sư nông nghiệp Cuba ham học hỏi, tiếp nhận thủ thuật lai tạo. Hạt lúa nhỏ phải cắt ra, lấy nhụy đực ra rồi chờ hoa lúa nở gắp bao phấn cho thụ phấn. Kiến thức này từ Nhật. Sau đó khử đực bằng nước nóng, dùng bình định ôn Cuba sẵn có nên dễ làm ra hạt lúa lai", TS Phạm Văn Ro nhớ lại.

Mexico, Iraq trồng giống lúa Việt

TS Phạm Văn Ro bảo vệ luận án sau 4 năm nghiên cứu tại Ấn Độ. Vào năm 2000, Bộ NN-PTNT cử TS Phạm Văn Ro cùng ông Nguyễn Văn Phục, Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm sang vùng núi hẻo lánh, nghèo nhất Mexico. Ông mang theo 15 giống lúa cùng với tấm lòng muốn giúp bạn có đủ lương thực cho hơn 110 triệu người. Linh cảm về một chặng đường rất khó khăn.

TS Phạm Văn Ro (bên phải) cùng các bạn Mexico trồng lúa

Mexico trồng ngô, lúa mì làm lương thực nhiều hơn trồng lúa. Có thể do địa hình Mexico nằm trên vùng cao, đồi núi và luôn thiếu nước tưới.

“Tôi dự cảm chuyến đi khó khăn, quả là thực tế càng khó khăn hơn. Các bạn Mexico đưa chúng tôi đến tham quan một số vùng muốn trồng lúa. Có nơi đất rất tốt giống như đất trồng lúa quanh Viện Lúa ở Ô Môn (Cần Thơ), tiếc rằng chỉ thấy có hồ nước xa xa còn đồng đất thiếu nước. Làm sao có thể trồng lúa? Tôi lại băng đồng dò tìm từng cọng cỏ, may thay phát hiện ra cây lúa hoang trổ bông như ở Đồng Tháp. Lại phải tìm nước, các bạn Mexico nói có thể đào giếng lấy nước. Lạ thay tuy ở vùng đồi núi nhưng chỉ cần đào xuống 3m đã có nước. Thế là tôi cho phát cỏ bắt tay gieo sạ làm vụ lúa đầu tiên trên vùng đất khô cằn”, TS Ro nhớ lại.

Ba điểm chọn trồng lúa, mỗi nơi 1ha. TS Ro nói giống như trong mơ, lúa trồng xanh mượt, không sâu bệnh. Kết quả quá bất ngờ, giống lúa OM370 của tác giả TS Phạm Thị Mùi sang Mexico đạt năng suất “đội trần” 13 tấn/ha/vụ, theo sau là giống THĐB (Tép hành đột biến) 11 - 12 tấn/ha và giống TNĐB (Tài nguyên đột biến) 10 tấn/ha.

Có điều kỳ diệu trong vụ lúa thứ 2, kết quả mỹ mãn như vụ đầu. Lúc đó Đại sứ Việt Nam tại Mexico Nguyễn Văn Sảnh cùng đại diện Bộ Nông nghiệp nước bạn xuống thăm đồng lúa, báo chí Mexico đưa tin hai chuyên gia Việt Nam sang giúp nông dân trồng lúa đạt năng suất trên 10 tấn/vụ.

"Sang Mexico không chỉ trồng lúa. Mang theo lúa giống, đến kỳ thu hoạch phải gọi về Việt Nam gởi sang 30 lưỡi liềm gặt lúa, máy tuốt lúa và thêm máy xay xát… để đến công đoạn sau cùng làm ra hạt gạo trắng ngon lành", ông Ro nói.

Năm 2002, TS Phạm Văn Ro lại một lần nữa lên đường sang Iraq trồng lúa thơm ST trên vùng đất muối. Vượt qua những khắc nghiệt do thiếu nước, khắc nghiệt - đầu này bơm nước thì đầu kia nước rút, không giữ nước được. Cuối cùng TS Ro cũng tìm ra cách đạt năng suất 6 - 7 tấn/ha, một cách minh chứng thần kỳ. Một sự huyền diệu quá bất ngờ, nông dân bản xứ hả hê nói Iraq đã trồng được lúa thơm rồi.

TS Phạm Văn Ro, nguyên Trưởng phòng Di truyền giống, Viện Lúa ĐBSCL làm việc suốt 38 năm, cùng với các cộng sự chọn tạo 10 giống lúa được gieo trồng khắp ba miền Bắc - Trung - Nam.

HỮU ĐỨC

Nguồn Nông Nghiệp: https://nongnghiep.vn/o-quoc-dao-xinh-dep-chi-can-2-trieu-tan-gao-cho-10-trieu-dan-sao-ma-kho-the-post221781.html