Ở vị trí nào, Chủ tịch Tôn Đức Thắng vẫn luôn là người công nhân đích thực

'Trong cuộc đời mình, đồng chí Tôn Đức Thắng đã kinh qua nhiều cương vị, từ người công nhân bị áp bức bóc lột, người cán bộ công đoàn bí mật, người cán bộ đảng ở địa phương đến cán bộ cấp cao của hệ thống chính trị cấp trung ương và trở thành nguyên thủ quốc gia, nhưng thủy chung, về tư tưởng, tâm hồn, phong cách, ông vẫn luôn luôn là người công nhân đích thực'.

Chủ tịch Tôn Đức Thắng với các đại biểu tham dự Đại hội Ba sẵn sàng toàn miền Bắc. Ảnh: T.L

GS.TS Phùng Hữu Phú – Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương đã chia sẻ như vậy về Chủ tịch Nước Tôn Đức Thắng tại hội thảo “Chủ tịch Nước Tôn Đức Thắng với giai cấp công nhân và công đoàn Việt Nam”, do Tổng LĐLĐ Việt Nam phối hợp với Hội đồng Lý luận Trung ương tổ chức vào ngày 18.8 tại TPHCM nhân dịp kỷ niệm 130 năm Ngày sinh đồng chí Tôn Đức Thắng (20.8.1888 – 20.8.2018).

Từ trái qua: Nguyên Chủ tịch LĐLĐ TPHCM Trần Kim Yến; GS.TS Phùng Hữu Phú - Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương; đồng chí Bùi Văn Cường- Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng LĐLĐVN, Phó Bí thư Thành ủy TPHCM Võ Thị Dung, đồng chí Trần Thanh Hải - Phó Chủ tịch Thường trực Tổng LĐLĐVN. Ảnh: L.T

Chủ trì hội thảo là các đồng chí: Ủy viên TƯ Đảng, Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Bùi Văn Cường, GS.TS Phùng Hữu Phú - Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ VN Trần Văn Thuật, Phó Bí thư Thành ủy TPHCM Võ Thị Dung. Cùng tham dự có Phó Chủ tịch Thường trực Tổng LĐLĐVN Trần Thanh Hải, lãnh đạo các Ban của Tổng LĐLĐVN, đại diện gia đình Chủ tịch Tôn Đức Thắng, lãnh đạo LĐLĐ TPHCM, An Giang, TCty Ba Son, Trường ĐH Tôn Đức Thắng, các chuyên gia và đại diện công nhân lao động của TPHCM.

Những bài học giá trị cho hoạt động công đoàn

Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Bùi Văn Cường nhấn mạnh, hơn 60 năm hoạt động cách mạng đầy gian nan, thử thách, đồng chí Tôn Đức Thắng đã để lại cho chúng ta nhiều bài học sâu sắc, có giá trị về lý luận và thực tiễn. Đây là dịp để chúng ta bày tỏ lòng tri ân đến đồng chí Tôn Đức Thắng - một hình mẫu của người công nhân Việt Nam về sự uyên thâm nghề nghiệp, tinh thần yêu nước nồng nàn, ý chí tiên phong cùng những cống hiến to lớn, quan trọng đối với giai cấp công nhân và tổ chức Công đoàn Việt Nam.

Hội thảo là dịp để thế hệ hôm nay bày tỏ lòng tri ân đến đồng chí Tôn Đức Thắng.

Nói về những cống hiến to lớn của công hội bí mật do đồng chí Tôn Đức Thắng sáng lập, Phó Chủ tịch thường trực Tổng LĐLĐ VN Trần Thanh Hải cho rằng, Công hội bí mật ở Sài Gòn do người thợ máy Tôn Đức Thắng thành lập chỉ hiện hữu trong giai đoạn ngắn (từ năm 1921-1925), ở một địa phương (Sài Gòn lúc bấy giờ), với số lượng hội viên chưa nhiều, nhưng có tầm vóc và ý nghĩa riêng, là sự khác biệt, vượt lên trên so với tất cả các hình thức tổ chức của công nhân trước và cùng thời ở Việt Nam.

Công hội bí mật là tổ chức biểu hiện tính chính trị đầu tiên của công nhân Việt Nam. Công hội bí mật không chỉ là một bộ phận tất yếu cấu thành lịch sử và bản chất của Công đoàn Việt Nam mà còn có những giá trị cần được trân trọng giữ gìn, phát triển trong giai đoạn hiện nay. Đó là những cống hiến xuất sắc của người thợ máy Tôn Đức Thắng đối với phong trào công nhân và hoạt động Công đoàn Việt Nam.

Một nhân cách lớn, một tấm gương sáng ngời về đạo đức thực hành

Chủ tịch Tổng LĐLĐ VN Bùi Văn Cường nhấn mạnh, đồng chí Tôn Đức Thắng, người chiến sĩ cộng sản tiên phong của giai cấp công nhân Việt Nam, đã vượt qua mọi thử thách nghiệt ngã trong lao tù đế quốc, sự khốc liệt của chiến tranh, luôn gắn bó với đồng chí, đồng bào, cống hiến trọn đời cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Dù ở cương vị nào, đồng chí vẫn luôn là tấm gương mẫu mực về lòng yêu nước, tinh thần can trường, đức tính giản dị, liêm khiết để các thế hệ noi theo.

Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng LĐLĐ VN Bùi Văn Cường phát biểu tại hội thảo.

GS.TS Hoàng Chí Bảo, Chuyên gia cao cấp, nguyên Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương cho rằng: “Bác Tôn là người đã lãnh đạo phong trào công nhân Ba Son; Bác Tôn cũng là người cộng sản đã đấu tranh kiên quyết trong nhà tù ở Côn Đảo; Bác Tôn cũng là người cộng sản đã thực hiện tốt nhất những lời chỉ dẫn của Đảng, của Bác Hồ về việc thực hiện kỷ luật, thực hiện nguyên tắc tập trung – dân chủ trong Đảng… Những điều đó có thể kể không bao giờ hết”.

Các đại biểu trao đổi bên lề hội thảo.

Đúc kết lại cuộc đời, sự nghiệp của bác Tôn đối với giai cấp công nhân và công đoàn, GS.TS Phùng Hữu Phú cho rằng: “Có thể rút ra nhiều bài học sâu sắc, thiết thực từ cuộc đời, sự nghiệp của Chủ tịch Tôn Đức Thắng, trong đó có những bài học sát hợp với công nhân, công đoàn. Đó là bài học kiên định và kiên trì phấn đấu thực hiện mục tiêu độc lập dân tộc, chủ nghĩa xã hội trong bất cứ hoàn cảnh nào. Bài học giữ gìn, bồi đắp bản chất giai cấp công nhân, giữ vững lập trường giai cấp công nhân, phát huy vai trò tiên phong của giai cấp công nhân, giải quyết hài hòa quan hệ giai cấp – dân tộc phù hợp với từng thời kỳ, giai đoạn cách mạng.

Bài học về sự gắn bó máu thịt giữa tổ chức công đoàn với công nhân, chú trọng tổ chức, vận động, giáo dục công nhân, lấy việc bảo vệ quyền lợi chính đáng của công nhân làm mục tiêu hành động, làm nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên. Bài học phát hiện, tham gia đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ công nhân ưu tú, tạo nguồn phát triển đảng viên, bổ sung vào đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp. Bài học giáo dục, rèn luyện đội ngũ cán bộ công đoàn toàn diện về chính trị, tư tưởng, đạo đức, kỹ năng vận động, tổ chức hoạt động thực tiễn để hoàn thành xuất sắc trọng trách trước giai cấp công nhân”.

LÊ TUYẾT

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/cong-doan/o-vi-tri-nao-chu-tich-ton-duc-thang-van-luon-la-nguoi-cong-nhan-dich-thuc-625983.ldo