Ở Việt Nam, đại học và trường đại học là 2 khái niệm khác nhau

Ngày 6.11, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn có ý kiến nhau của dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Giáo dục đại học.

ĐB Nguyễn Tuấn Anh (Long An): Nên xem xét lại mô hình đại học trong đại học.

Báo cáo gỉai trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học (GDĐH) của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho hay, nhiều đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đề nghị quy định rõ ràng, mạch lạc mô hình cơ sở GDĐH; phân biệt và giải thích rõ các khái niệm đại học, trường đại học, học viện; làm rõ địa vị pháp lý của các loại hình trường.

Tiếp thu ý kiến đại biểu, Dự thảo Luật quy định rõ hệ thống GDĐH Việt Nam bao gồm: Trường đại học, học viện (gọi chung là trường đại học); đại học (là tổ hợp các trường đại học; trường trực thuộc) và các cơ sở GDĐH khác phù hợp với quy định của pháp luật.

Hạt nhân cơ bản của hệ thống là trường đại học với cơ cấu tổ chức chuẩn mực theo thông lệ quốc tế. Học viện được điều chỉnh chung với trường đại học do đây chỉ là tên gọi của một số cơ sở GDĐH đã hình thành và đang tồn tại trong thực tiễn mà không có sự khác biệt so với trường đại học cả về cơ cấu tổ chức, chức năng, sứ mệnh.

Đại học là nhóm các trường đại học, viện nghiên cứu thành viên; trường và các đơn vị trực thuộc khác, cùng hoạt động trong một khuôn khổ pháp lý nhằm gia tăng giá trị, khả năng cạnh tranh và đóng góp của toàn hệ thống đối với xã hội.

Dự thảo Luật quy định nguyên tắc để các trường đại học và đại học tự chủ quyết định mô hình và cấu trúc của cơ sở GDĐH; theo đó, các trường đại học có thể tự phát triển và thành lập các trường trực thuộc bên trong (theo điều kiện, tiêu chuẩn do Chính phủ quy định) để trở thành đại học; hoặc trên cơ sở tự nguyện hay được Nhà nước quy định, các trường đại học được sáp nhập với nhau để trở thành một đại học. Các đại học quyết định cấu trúc và cơ chế quản lý của mình theo quy định pháp luật.

Thực tế, hiện nay chúng ta có 2 đại học là Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh. 3 đại học vùng là Đại học Thái Nguyên, Đại học Huế và Đại học Đà Nẵng.

Trước những ý kiến băn khoăn về mô hình tổ chức của đại học quốc gia, đại học vùng, trong đó có quan điểm nên bỏ loại hình "đại học trong đại học" này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho rằng, việc thành lập các đại học quốc gia (ĐHQG), đại học vùng được thực hiện theo tinh thần Nghị quyết của Đảng. Trên thế giới, mô hình này không phải là mới và cũng đang là xu hướng phát triển nhằm hình thành các hệ thống đại học liên ngành, tạo sức mạnh tổng hợp để giải quyết những nhiệm vụ, yêu cầu mới về phát triển khoa học và công nghệ và cạnh tranh thế giới.

Sau hơn 20 năm xây dựng và phát triển, mô hình hai ĐHQG đã ổn định và mang lại kết quả nhất định cả về chuyên môn, khoa học lẫn quản lý, đi đầu trong hệ thống giáo dục đào tạo với việc có mặt trong danh sách 1.000 trường đại học hàng đầu thế giới.

Những vấn đề tồn tại của các đại học vùng hiện nay có nguyên nhân chủ yếu là do chính sách và cơ chế quản lý chưa phù hợp, dự thảo Luật quy định hành lang pháp lý thuận lợi cho các cơ sở này tự chủ, tự quyết định cơ chế quản lý, phát huy thế mạnh của tổ hợp các trường đại học mạnh.

Hùng - Trung - Nguyên

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/thoi-su/o-viet-nam-dai-hoc-va-truong-dai-hoc-la-2-khai-niem-khac-nhau-640082.ldo