Ở Việt Nam luật quy định như thế nào về trường quốc tế?

Sau sự việc một học sinh lớp 1 tại trường quốc tế Gateway được phát hiện khi đã tử vong trên xe đưa đón của nhà trường, khiến nhiều người đặt ra câu hỏi 'Thế nào là trường quốc tế?', 'Trong trường quốc tế có những tiêu chuẩn nào?'.

 Trường Gateway tự gắn mác "trường quốc tế".

Trường Gateway tự gắn mác "trường quốc tế".

Đã có rất nhiều ngôi trường mới thành lập gắn mác "trường quốc tế", được giới thiệu là một môi trường học tập tiên tiến, hiện đại với mức học phí cao ngất, nhưng trong các văn bản pháp luật hiện nay, không hề có quy định nào về trường quốc tế.

Theo Điều 48 của Luật Giáo dục hiện hành, các loại hình nhà trường trong hệ thống giáo dục quốc dân chỉ bao gồm:

Trường công lập: Do Nhà nước thành lập, đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, bảo đảm kinh phí cho các nhiệm vụ chi thường xuyên;

Trường dân lập: Do cộng đồng dân cư ở cơ sở thành lập, đầu tư xây dựng cơ sở vật chất và bảo đảm kinh phí hoạt động;

Trường tư thục: Do các tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức kinh tế hoặc cá nhân thành lập, đầu tư xây dựng cơ sở vật chất và bảo đảm kinh phí bằng vốn ngoài ngân sách.

Trong Luật Giáo dục 2019 (có hiệu lực từ 01/7/2020) cũng quy định 03 loại hình nhà trường tương tự như trên.

Hiện nay, các trường quốc tế hầu như được hoạt động dưới mô hình là các trường tư thục. Những trường này được gắn thêm tên “quốc tế” do có yếu tố nước ngoài; thường là có vốn đầu tư nước ngoài, hoặc liên kết đào tạo với nước ngoài, hoặc cả hai.

Hiện nay, Chính phủ đã ban hành Nghị định 86/2018/NĐ-CP quy định về hợp tác, đầu tư của nước ngoài vào lĩnh vực giáo dục, trong đó có quy định, tên các trường có vốn đầu tư nước ngoài bao gồm các yếu tố cấu thành được sắp xếp theo trật tự: “Trường”, “Cấp học hoặc trình độ đào tạo” và tên riêng.

Tại các trường có vốn đầu tư nước ngoài, số lượng học sinh ở mỗi lớp không quá 30 học sinh; số lượng giáo viên ít nhất phải 1,5 giáo viên/lớp đối với trường tiểu học…

Các trường phải đảm bảo tiêu chuẩn về cơ sở vật chất như: Tập trung tại một địa điểm, có môi trường tốt; Diện tích mặt bằng bình quân ít nhất 06m2/học sinh; Có sân chơi, bãi tập, khu để xe với diện tích ít nhất bằng 30% tổng diện tích mặt bằng của trường…

Tại buổi họp báo trưa 7/8 thông tin về sự việc học sinh trường quốc tế Gateway tử vong trên xe bus, ông Phạm Ngọc Anh, Trưởng phòng GD-ĐT quận Cầu Giấy (Hà Nội) khẳng định "trong quy định không có trường nào là trường quốc tế. Chữ quốc tế là do một số trường ngoài công lập tự quảng cáo để thu hút học sinh. Trong địa bàn quận chỉ có những trường có yếu tố nước ngoài và chúng tôi cũng đã báo cáo những điều này lên cấp trên".

Như vậy, Trường phổ thông liên cấp Gateway cũng như nhiều trường tự gắn mác "trường quốc tế" khác trên cả nước không hề được pháp luật công nhận là trường quốc tế. Từ “quốc tế” chỉ được gắn vào tên trường như một tên riêng, nhằm thu hút tuyển sinh và khẳng định đẳng cấp của trường.

TS Lê Viết Khuyến, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học cho rằng, hiện nay có rất nhiều trường tự xưng “quốc tế” hoặc được cấp phép hoạt động nhưng bản chất không phải như vậy. Bởi vì, các trường quốc tế phải đáp ứng được một số tiêu chí như: Trường phải có cơ sở ở nhiều quốc gia khác nhau để học sinh có thể chuyển tiếp ra nước ngoài học hoặc thi lên trình độ cao hơn; Chương trình phải được nhiều quốc gia công nhận; Quy định về ngôn ngữ dạy học bằng ngôn ngữ thông dụng như tiếng Anh hoặc tiếng Pháp…

Còn thực tế đang có những trường gắn nhãn quốc tế hoạt động tràn lan, không bị “tuýt còi” khiến người dân hiểu sai bản chất. Một số phụ huynh nghĩ rằng, trường “quốc tế” chất lượng tốt hơn “trường nội” nên không ngần ngại chi tiền đầu tư cho con học. Trên thực tế, nếu các trường này dạy học không đúng như quảng cáo, người dân phải chi trả mức học phí rất cao, không đáng và tất nhiên không có được chất lượng như mong đợi.

Theo Hoàng Thanh/Infonet

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: http://kienthuc.net.vn/kinh-doanh/o-viet-nam-luat-quy-dinh-nhu-the-nao-ve-truong-quoc-te-1262564.html