Ở Việt Nam, một người dân đóng thuế 'nuôi' 100 công chức?

Hiện chi phí quản trị quốc gia rất lớn. Nếu ở Mỹ 1 người dân “nuôi” 10 người hưởng lương ngân sách thì ở Việt Nam tỷ lệ này có thể lên đến 1/100. Nên cần tinh giản biên chế để hạn chế các khoản chi thường xuyên, tăng nguồn cho đầu tư phát triển.

Hội thảo công bố Báo cáo Thường niên Kinh tế Việt Nam 2017, có chủ đề “Đẩy nhanh cải cách vì một Nhà nước kiến tạo”

Sáng nay (16/6), Trường Đại học Kinh tế (Đại học Quốc gia Hà Nội) cùng Viện nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) phối hợp tổ chức Hội thảo công bố Báo cáo Thường niên Kinh tế Việt Nam 2017, có chủ đề “Đẩy nhanh cải cách vì một Nhà nước kiến tạo”

Cải cách để xóa bỏ độc quyền và chủ nghĩa “thân quen”

TS.Nguyễn Đức Thành - Viện trưởng VEPR cho rằng, tăng trưởng của nền kinh tế nước ta phụ thuộc phần lớn vào yếu tố vốn. Như giai đoạn 2011-2015, vốn chiếm 52% trong cơ cấu đóng góp của các thành phần vào tăng trưởng GDP. Còn lại là lao động chiếm 22,3% và năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) chiếm 25,8% .

Lo ngại với cách thức tăng trưởng hiện nay vì nguồn lực đầu tư giảm nhưng số tăng trưởng lại tăng, chuyên gia Huỳnh Ngọc Sơn cho rằng, dựa vào ODA, FDI để tăng trưởng là tạo thị trường “làm giàu” cho nhà đầu tư nước ngoài và khiến nhà đầu tư Việt Nam (DN Việt Nam) “yếu đi”, tăng thất nghiệp, tiêu dùng suy giảm…

Năng suất lao động giảm dần, thuộc nhóm thấp nhất trên thế giới

Còn ông Nguyễn Sỹ Dũng – nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội chỉ ra rằng, hiện chi phí quản trị quốc gia rất lớn. Nếu ở Mỹ 1 người dân “nuôi” 10 người hưởng lương ngân sách thì ở Việt Nam tỷ lệ này có thể lên đến 1/100.

Cùng với đó, Báo cáo còn chỉ ra một số tồn tại từ chính hệ thống quản trị nhà nước và xã hội với bộ máy hành chính nhà nước chưa được chuyên nghiệp hóa và kĩ trị hóa, can thiệp thiếu nguyên tắc và thiếu nhất quán vào các hoạt động của thị trường (vừa thừa vừa thiếu).

Bộ máy tư pháp còn thiếu độc lập, dẫn đến không thể kiểm soát được việc lạm dụng quyền lực của các cơ quan Nhà nước. Còn thiếu nhiều cơ chế giải trình chéo giữa các nhánh quyền lực nhà nước.

Do vậy, đẩy mạnh cải cách là cần thiết để có Nhà nước kiến tạo nhằm nâng cao hiệu quả nền chính trị, tăng sức cạnh tranh của nền kinh tế và bảo vệ được các quyền căn bản, gốc rễ của công dân, tổ chức, doanh nghiệp và lợi ích chung của xã hội.

Đẩy mạnh cải cách thông qua tinh giản biên chế

Đánh giá tổng quan về nền kinh tế, cả Báo cáo và các chuyên gia đều nhấn mạnh đến hiệu quả của chủ trương “tinh giản biên chế” đối với công tác cải cách vì một Nhà nước kiến tạo.

Báo cáo cho rằng, “kiểm soát chi ngân sách thông qua tinh giản biên chế nghiêm khắc, cắt giảm chi thường xuyên, đồng thời cắt giảm những khoản hỗ trợ cho hoạt động nhằm vào NSNN của khu vực đoàn thể. Cương quyết thoái vốn khỏi các DNNN lớn tạo nguồn chi đầu tư phát triển” là những giải pháp quan trọng mà Nhà nước kiến tạo cần thực thi để đảm bảo sự phát triển bền vững.

Trong ngắn hạn, “Chính phủ cần phải thực hiện nghiêm túc chính sách tinh giản biên chế"

Tán thành, ông Nguyễn Sỹ Dũng còn nhấn mạnh, để cải cách thì quan trọng là tránh cho người dân và doanh nghiệp (DN) những rủi ro từ chính sách vì nếu rủi ro lớn như hiện nay thì DN khó có thể “lớn”.

Theo ông Dũng, muốn cải cách từ cắt giảm chi phí xã hội thì cần một bộ máy khác, trong đó những vấn đề “bán nhà nước” trả về cho xã hội.

Nhà nước chỉ cung cấp dịch vụ công chất lượng, giá rẻ và hiệu quả thông qua cải cách từ quy trình, thu tục, thu hút được người tài vào khu vực công.

Cho rằng cải cách nên bắt đầu từ cắt giảm chi phí tuân thủ pháp luật hiện đang ở mức “khổng lồ” ngay từ xây dựng chính sách, pháp luật để cắt giảm thủ tục, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng QH gợi ý, “không nên xây dựng những luật “khủng” với các quy định làm tăng chi phí tuân thủ khiến nhiều khoản chi không thể giải ngân vì chi phí tuân thủ quá lớn”.

Các chuyên gia kinh tế cũng thấy rằng, thúc đẩy cải cách phải nhằm vào xóa bỏ độc quyền. Hiện thể chế, cơ chế kiểm soát độc quyền rất yếu. Đồng thời, chống chủ nghĩa “thân quen” để tăng được sức cạnh tranh.

Với dự báo về những rủi ro của nền kinh tế năm 2017, Báo cáo khuyến nghị trong ngắn hạn, “Chính phủ cần phải thực hiện nghiêm túc chính sách tinh giản biên chế, cắt giảm chi thường xuyên, tiếp tục cải cách DN Nhà nước theo hướng tinh giản, đồng thời cắt bỏ những khoản hỗ trợ dành cho hoạt động nhờ vào ngân sách nhà nước như khu vực hội, đoàn thể”.

Còn về trong trung-dài hạn, Nhà nước cần cải cách thể chế để xây dựng nhà nước kiến tạo, đặt nền tảng cho những nguyên tắc căn bản của xã hội, người dân. Giải quyết các mối quan hệ lớn thông qua xây dựng hoặc sửa đổi luật pháp.

Báo cáo thường niên kinh tế Việt Nam được công bố lần đầu tiên năm 2009, là chuỗi báo cáo được xuất bẩn hàng năm nhằm tổng kết các vấn đề kinh tế lớn 1 năm qua, đồng thời thảo luận về vieenc cảnh kinh tế năm tới và đề xuất các chính sách liên quan.

Huy Anh

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/kinh-te/o-viet-nam-mot-nguoi-dan-dong-thue-nuoi-100-cong-chuc-340026.html