Ở yên trong nhà...

Đang căng như một sợi dây đàn, mọi thứ trở nên dịu lại, nhẹ dần, yên ả như bãi biển vắng kia, như con đường thênh thang lặng lẽ cùng gió và hoa… Đó là thời khắc đầu tiên của cung đường 15 ngày quyết định: 'Ai ngồi đâu ngồi yên ở đó' – Cơ hội vàng để thoát đại dịch như nhận định của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam.

Những con đường tĩnh lặng giữa trung tâm thành phố.

Những con đường tĩnh lặng giữa trung tâm thành phố.

Buổi sáng, Vũng Tàu thiếu vắng những bước chân sải dài của người yêu môn chạy bộ trên cung đường Núi Lớn, Núi Nhỏ. Không những vòng xe đạp quay tròn Bãi Trước, Bãi Sau, Sao Mai, Bến Đá, Bến Đình. Cũng vắng lặng, không những tiếng cười đùa, giỡn sóng Bãi Trước, Bãi Sau.

Buổi sáng, những con phố chính qua trung tâm thành phố không nhộn nhịp tiếng muỗng khuấy lanh canh quán cóc vỉa hè. Không nhạc sôi động phát ra từ những quán cà phê biển, cà phê máy lạnh, cà phê sách hàng trăm lượt khách ra vào mỗi sáng. Tất cả đều yên ắng. Cửa khép hờ. Biển treo: “Chỉ phục vụ quý khách mang về hoặc ship tận nhà” – có GrabBike chuyên nghiệp, thông thạo từng ngóc ngách. Đứng ở ngã ba đường Quang Trung – Thống Nhất, từ phía biển nhìn về Nhà thờ Vũng Tàu, chỉ thấy mái vòm cong cong và tháp chuông lặng yên dưới cây thập tự giá. Những tín đồ Thiên chúa giáo đã thực thi nghiêm túc yêu cầu của Giám mục Giáo phận Bà Rịa Emmanuel Nguyễn Hồng Sơn trong thư khẩn trao đến tận tay: Từ 28/3, tạm ngưng cử hành mọi thánh lễ và các sinh hoạt tôn giáo trong toàn giáo phận.

Những bãi biển vắng vẻ, không người giỡn sóng. Tất cả đang chờ một sự hồi sinh...

“Ở yên khi có thể, để đất nước bình yên”

Người dân BR-VT nhẹ nhàng đổi lịch đi bộ lên núi mỗi sáng bằng bài tập vận động trong sân nhà. Thay vì đến phòng gym thì cùng nhau kết nối online qua Zoom Cloud Meeting tập tại nhà. Những người phụ nữ ra chợ từ rất sớm. Những người đàn ông nhẹ nhàng tưới cây, sửa lại cánh cổng, cái ổ khóa cửa có lẽ từ khá lâu rồi không tra cho nó chút dầu. Mọi thứ đều khe khẽ, chậm rãi, nhưng nóng lòng, lo âu…

Trong nỗi lo chung có niềm ưu tư riêng. Nhiều khu nhà trọ, khách sạn, các khu vui chơi, khu nghỉ dưỡng, khu tham quan danh lam thắng cảnh đều tự nguyện đóng cửa phòng dịch. Nhiều cửa hàng quần áo, giày dép nán thêm một buổi chiều 1/4 trả hàng cho khách rồi cũng đóng cửa. Hệ thống các nhà hàng hải sản lớn như Gành Hào, Vạn Chài, Lâm Đường… có từ vài trăm đến cả ngàn lượt khách mỗi ngày cũng đã cho nhân viên nghỉ, đóng bếp, khép cửa từ 27 - 28/3.

“Không doanh thu, nhưng lương cơ bản, chế độ bảo hiểm cho nhân viên chúng tôi vẫn lo đủ. Đóng cửa, ngừng kinh doanh, không nhận khách là để giảm tối đa điều kiện tiếp xúc gần, để tránh lây lan dịch. Chúng tôi hết sức tán đồng kịch bản giãn cách xã hội của chính phủ. Lợi nhuận có đáng là bao so với tính mạng con người của cả nước và thế giới”, chủ một nhà hàng chia sẻ.

Ở yên trong nhà có làm bạn bứt rứt?

Cũng thuộc típ hẹn nhau ăn sáng, cà phê, đọc báo, chuyện trò gần hết cả buổi sáng cuối tuần. Nhưng người dân BR-VT một khi quay về nhà tự bảo vệ và phòng dịch, chỉ cần mở cửa sổ cho thoáng, chế nước sôi vào tô mì gói là xong câu chuyện điểm tâm. Người lớn vào máy tính, sử dụng công nghệ số giải quyết việc kinh doanh, công sở. Con trẻ học trực tuyến. Ngay cả học sinh lớp 9, lớp 12 học phụ đạo buổi chiều cũng đúng giờ răng rắc - vì mỗi ngày, đều đặn, cô chủ nhiệm gửi tin nhắn đến điện thoại, “phụ huynh xem thời khóa biểu, nhắc các con giữ sức khỏe và vào học đúng giờ, nghiêm túc”. Các đơn vị viễn thông khá nhanh nhạy với tình hình, cũng đã có chiến lược tăng băng tần, đẩy tốc độ truyền data để các cơ quan nhà nước, ngành y tế, DN và các sinh hoạt của người dân, sinh viên, học sinh không bị thiếu dung lượng, nghẽn mạng khi làm việc, học trực tuyến.

Dường như khoảng cách xã hội, vào lúc này lại trở nên gần gũi, dễ kết nối.

Người dân BR-VT cũng không quá căng thẳng chuyện mua sắm, chợ búa. Vì “ra đầu xóm đã có cửa hàng, tiệm tạp hóa”. Mối gạo ngon các chợ huyện; thịt rau ở chợ đầu mối; cá tươi, cá một nắng dưới ghe vừa lên, cứ alo là có ngay shipper mang tới. Siêu thị, cửa hàng tiện lợi đầy ắp hàng, không hề có cảnh chen lấn và lại cũng quá rộng cho giãn cách các bên yêu cầu 2 mét. Thời gian chờ đợi là thời gian rà thông tin trên điện thoại cầm tay: Hôm nay Thủ tướng quyết gì, Phó Thủ tướng dặn gì; đã có thêm ca nhiễm nào mạnh khỏe để được xuất viện; nhạc cổ vũ cho chống dịch COVID-19 có bài nào hay và dễ thương hơn bài của Bố con Sâu – Chúng ta tin bác Vũ Đức Đam?

Những quán ăn, quán cà phê tấp nập khách - nay khép hờ cửa, chỉ nhận bán mang về hoặc đóng cửa nghỉ hẳn.

Người giao hàng là dễ bắt gặp nhất, ở bất cứ đâu, trên đường với giỏ hàng to và đáp lại trước cổng nhà, giao hàng vội vã.

Thay đổi một thói quen không dễ, ai cũng nói vậy. Nhưng tôi lại tin hơn bao giờ hết khi thấy sự thay đổi nhanh chóng – nói đúng hơn là một sự thích nghi, một khả năng kiềm chế mạnh mẽ các nhu cầu cá nhân vì một cộng đồng bình an, mạnh khỏe. Điều đó đến từ đâu? Từ sự cẩn trọng và tích cực của cả hệ thống chính trị trong quá trình xây dựng kịch bản ứng phó, chuẩn bị mọi điều kiện tốt nhất về tinh thần lẫn vật chất cho một cuộc đối đầu quyết liệt trong cuộc chiến chống dịch cúm COVID-19. Là sự chuẩn bị về tâm lý, về kiến thức cho mọi người dân về phòng dịch và cùng cả nước thực hiện kịch bản đối mặt với dịch, loại trừ dịch trong 15 ngày đỉnh điểm có tính chất quyết định.

Hãy ở yên trong nhà, chỉ ra ngoài khi thực sự cần thiết. Không chỉ vì tôi, vì bạn, mà chính là vì mối an nguy của hơn 96 triệu người trên mảnh đất hình chữ S và hơn 7,7 tỷ người trên toàn thế giới hôm nay.

NGỌC MINH

Nguồn Bà Rịa - Vũng Tàu: http://www.baobariavungtau.com.vn/xa-hoi/202004/o-yen-trong-nha-895994/