OCOP Đồng Tháp - Phát triển sản phẩm tiềm năng địa phương

Đồng Tháp vừa xếp hạng sao 70 sản phẩm thuộc Chương trình mỗi xã một sản phẩm (gọi tắt là OCOP), với 23 sản phẩm hạng 4 sao và 47 sản phẩm hạng 3 sao của 04 ngành: Thực phẩm, đồ uống, thảo dược, thủ công mỹ nghệ và trang trí.

Đặc biệt, hầu hết sản phẩm này đều có nguồn nguyên liệu từ tài nguyên bản địa của địa phương, góp phần nâng giá trị nông sản theo hướng đổi mới, sáng tạo.

Đoàn Ngọc Minh Thùy giới thiệu sản phẩm tinh dầu cho khách hàng

Sản phẩm OCOP - Phát huy tài nguyên bản địa Đồng Tháp

70 sản phẩm được vinh danh thuộc sở hữu của 30 chủ thể tham gia chương trình. Trong đó, ngành thực phẩm chiếm số lượng nhiều nhất, với 54/70 sản phẩm và có đến 07 bộ sản phẩm khác nhau trong nhóm ngành này gồm: Rau, củ, quả, hạt tươi; đồ ăn nhanh; chế biến từ gạo, ngũ cốc; chế biến từ rau, củ, quả, hạt; chế biến từ thủy sản, hải sản; tương, nước mắm, gia vị dạng lỏng; các sản phẩm từ trà.

Bên cạnh các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, hợp tác xã đã khẳng định uy tín trên thị trường với các sản phẩm quen thuộc như: Bột, hủ tiếu, khô cá, nem, bánh phồng tôm, xoài, quýt hồng v.v., còn có nhiều doanh nghiệp trẻ, mặc dù khởi nghiệp chỉ trong vài năm trở lại đây nhưng đã có nhiều sản phẩm chất lượng, ý tưởng độc đáo.

Điển hình như các sản phẩm từ mãng cầu xiêm của Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển thực phẩm Thuận Thiên Thành (huyện Lai Vung), với 3/5 sản phẩm đạt 4 sao: Sona - Mãng cầu tươi sấy dẻo vị truyền thống, Sona - Mãng cầu tươi sấy dẻo vị muối ớt đỏ, Soga - Trà trái cây mãng cầu xiêm. Các sản phẩm này đã xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc, Singapore v.v..

Ông Đặng Quý Ngọc - Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển thực phẩm Thuận Thiên Thành cho biết, ông rất vui khi các sản phẩm của Công ty vượt qua được những tiêu chí khắt khe của Chương trình, chứng nhận OCOP sẽ là “giấy thông hành” quan trọng để các sản phẩm tiếp tục vươn xa hơn nữa.

Hay như nhóm ngành thảo dược, có 04 sản phẩm được xếp hạng 4 sao thuộc về các loại tinh dầu được chiết xuất từ: Bưởi Cao Lãnh, Bạc hà Sa Đéc, Quýt Lai Vung, Sả Chanh Sa Đéc, Tràm gió Tràm Chim của Đoàn Ngọc Minh Thùy -Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thương mại và Sản xuất tinh dầu Hương Đồng Tháp (thị xã Hồng Ngự). Đây là những dòng sản phẩm tận dụng phần còn lại của ngành nông nghiệp tại địa phương để “biến” thành sản phẩm có nhiều công dụng tốt cho sức khỏe con người.

Đồng Tháp có sản lượng cá tra lớn nhất cả nước. Ngoài chính phẩm là thịt cá (phile) được xuất khẩu, phần da cá còn lại được một số doanh nghiệp chiết xuất colagen, gelatin. Đối với Trương Lê Huy Hoàng - Cơ sở Quang Hiển (huyện Châu Thành), thì da cá tra được “biến tấu” thành món ăn nhanh được nhiều người ưa thích, đó là Cracky da cá sấy vị trứng muối và vị mắm nhĩ. Không chỉ vậy, thanh niên khởi nghiệp này còn có tổng cộng đến 06 sản phẩm OCOP được xếp hạng 3 sao.

Với thương hiệu “Thủ phủ Đất Sen hồng”, nhiều đơn vị tại Đồng Tháp đã khai thác tối đa lợi thế từ sen, với đa dạng các sản phẩm từ loài hoa này. Có thể kể đến: Bánh phồng tôm chay cao cấp hạt sen, Hạt sen sấy, Trà tim sen, Trà lá sen, Trà hoa sen, Hồng sen tửu, Bột sữa hạt sen, rồi đến Hoa sen sấy, Nón lá sen v.v.. Tất cả tạo nên bộ sưu tập thú vị về Sen Đồng Tháp.

Lợi thế cho sản phẩm khi tham gia thị trường

OCOP là chương trình phát triển nội lực và gia tăng giá trị, với trọng tâm là phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế ở mỗi địa phương theo chuỗi giá trị, do các thành phần kinh tế tư nhân và kinh tế tập thể thực hiện. Đây còn là chương trình chung của cả nước và gắn kết với sự phát triển của xây dựng nông thôn mới.

Bí thư Tỉnh ủy Lê Minh Hoan từng nhấn mạnh: Chúng ta đã có bột, có gột lên bánh hay không là do chính chúng ta,… Mỗi huyện chọn ra năm, bảy sản phẩm, đừng quá cầu toàn, đừng quá máy móc, tập trung phát triển nhng sản phẩm tiềm năng đã”.

Để có sản phẩm OCOP, Hội đồng đánh giá sản phẩm cấp huyện, cấp tỉnh phải trải qua nhiều bước thực hiện, trong đó có việc chấm điểm, xếp hạng sao sản phẩm dựa trên bộ tiêu chí do Trung ương ban hành. Việc gắn sao cho sản phẩm OCOP sẽ tạo lợi thế cho sản phẩm khi tham gia thị trường, dễ được các hệ thống phân phối bán lẻ và người tiêu dùng tin tưởng.

Theo Tiến sĩ Ngô Thị Thu Trang - Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, bộ tiêu chí đánh giá OCOP hết sức khắt khe và rất nhiều minh chứng. Điều này sẽ hạn chế chủ thể tham gia nhưng khi vượt qua được thì rất thuận lợi trong quá trình kết nối tiêu thụ, bởi sản phẩm đã được chuẩn hóa và ngày càng chuẩn hóa hơn nữa.

Tiến sĩ Ngô Thị Thu Trang chia sẻ, tiêu chí cao điểm nhất trong bộ tiêu chí, đó là chất lượng sản phẩm. Vì vậy, uy tín và chất lượng sản phẩm OCOP được đặt lên hàng đầu nên các nhà phân phối, bán lẻ lớn sẽ ưu tiên lựa chọn.

Đồng Tháp đang dẫn đầu Đồng bằng sông Cửu Long về số lượng sản phẩm OCOP, do đó cần kết nối sản phẩm OCOP với chuỗi giá trị, đăng ký nhãn hiệu, truy xuất nguồn gốc để gia tăng giá trị. Tiến sĩ Trang cũng lưu ý, sản phẩm OCOP không chỉ là bán ra thị trường được hay không mà đó còn là uy tín và bộ mặt của tỉnh.

Các sản phẩm OCOP từ nguyên liệu sen luôn được đón nhận.

Phát triển sản phẩm OCOP phải gắn với thị trường tiêu thụ, ông Phạm Thiện Nghĩa - Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh cho biết, đây là vấn đề Đồng Tháp đặc biệt quan tâm, nhất là gắn kết sản phẩm với các hệ thống bán lẻ lớn trên toàn quốc.

Sản phẩm của tỉnh được các hệ thống bán lẻ đánh giá rất cao, vì vậy tỉnh rất tự tin khi đưa sản phẩm vào hệ thống này. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều sản phẩm chưa đáp ứng đủ sản lượng cho hệ thống bán lẻ nên đây là động lực để các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất tiếp tục gia tăng sản lượng và nâng chất lượng sản phẩm.

Theo Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Phạm Thiện Nghĩa, sắp tới, tỉnh sẽ tập trung phát huy nhiều hơn những sản phẩm OCOP, khuyến khích khởi nghiệp, khôi phục và phát triển các làng nghề để tạo ra thêm nhiều sản phẩm đạt tiêu chí theo quy định của OCOP. Qua chương trình này sẽ giúp nâng cao giá trị sản phẩm, phát huy được tài nguyên bản địa của địa phương, từ đó giúp người dân nông thôn tăng thêm thu nhập, đời sống sẽ sung túc hơn.

Các sản phẩm đạt các hạng sao của Chương trình OCOP được Ủy ban nhân dân tỉnh cấp Giấy chứng nhận; được sử dụng nhãn hiệu OCOP và thứ hạng sao đạt được in, dán trên bao bì sản phẩm theo đúng quy định hiện hành. Kết quả chứng nhận xếp hạng sao sản phẩm có giá trị trong 03 năm.

Thể hiện sự đồng hành trong hỗ trợ, phát triển sản phẩm OCOP, bên cạnh kết nối các sản phẩm với hệ thống phân phối, bán lẻ lớn trên cả nước, Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp còn đưa các sản phẩm này vào Giỏ quà tặng mừng năm mới 2020 của tỉnh.

Nguyệt Ánh

Nguồn KTNT: https://kinhtenongthon.vn/ocop-dong-thap-phat-trien-san-pham-tiem-nang-dia-phuong-post32655.html