Oe Kenzaburo và tiếng thét không câm lặng

Tiếng thét câm lặng là tiểu thuyết quan trọng trong sự nghiệp của Oe Kenzaburo. Khi thông báo trao giải Nobel Văn chương năm 1994 cho vị đại văn hào này, Viện Hàn lâm Thụy Điển đã nhắc đến Tiếng thét câm lặng như một trong những tác phẩm minh chứng cho tài năng của ông.

Tiểu thuyết theo chân dịch giả Anh ngữ Mitsusaburo cùng gia đình đầy rẫy vấn đề của mình trở về ngôi làng quê hương. Gia đình của Mitsusaburo từng là một trong những cự tộc địa phương. Tại đây, Mitsusaburo hội ngộ em trai tên Takashi từ Mỹ trở về. Từ đó, quá khứ gia đình mở ra, soi chiếu dưới nhãn quan của hậu nhân. Một quá khứ phức tạp cũng như lịch sử của nước Nhật hiện đại kể từ thời mở cửa các hải cảng đón nhận những cánh buồm lộng gió Tây phương, ngọn gió làm lung lay những giềng mối, đảo lộn cái khái niệm cộng đồng, các giá trị cố kết từng cá nhân trong một dân tộc băn khoăn giữa quá khứ và tương lai.

Oe Kenzaburo cũng nói đến điều này trong diễn từ nhận giải Nobel mà ông đặt tên là “Nước Nhật Bản, sự nhập nhằng, và tôi”. Còn nhớ gần ba thập niên trước đó, cũng trên bục nhận giải thưởng danh giá này, Kawabata Yasunari đọc diễn từ Nobel Văn chương – “Nước Nhật, cái đẹp, và tôi”. Ta có thể thấy, ở đây Oe và Kawabata là đại diện cho hai nước Nhật khác nhau.

Kawabata đạt giải Nobel năm 1968, đúng kỷ niệm một trăm năm cuộc duy tân Minh Trị (1868). Văn chương của Kawabata là cuộc hành hương trên “đường lên miền Oku” (Áo chi tế đạo, tên một tác phẩm của Basho), với trà đạo, tiếng đàn tam huyền, với những nàng du nữ ở lữ quán suối nước nóng… Đó là nước Nhật của ngàn xưa, một Phù Tang đi ra từ Truyện kể Genji hay thơ haiku. Nước Nhật đó là cái đẹp, dẫu là cái đẹp nhuốm màu bi cảm vô thường, một cái đẹp mong manh của tuyết, cái đẹp sóng đôi với nỗi buồn (Đẹp và buồn, tên tiểu thuyết của Kawabata).

Xứ Phù Tang đó còn lưu ảnh lên tiểu thuyết của Oe Kenzaburo, cụ thể là Tiếng thét câm lặng, nhưng đang trong trạng thái “nhập nhằng”, nơi quá khứ và hiện tại vừa đồng hiện, vừa phân tranh với nhau.

Hai anh em Mitsusaburo và Takashi khác nhau về ngoại hình lẫn tính cách. Mitsusaburo không thể bước vào suy nghĩ của Takashi – một kẻ vừa nổi loạn vừa bảo thủ, vừa chính vừa tà, vừa thiện vừa ác, “người bề ngoài thì giống như luôn đặt mình vào tình trạng nguy hiểm, song lại luôn chuẩn bị trước một lối thoát cho bản thân vào giây phút cuối cùng” (trang 442).

Takashi là nhân vật hấp dẫn nhất trong Tiếng thét câm lặng và là một trong những nhân vật hấp dẫn nhất của văn học Nhật Bản. Y là kẻ ái kỷ yêu cái bóng của chính mình, nhưng đồng thời lại là kẻ tự hủy ghê gớm. Y tham gia những cuộc biểu tình sinh viên hồi những năm 1960 ở Nhật, sau đó sang Mỹ, cuối cùng trở về ngôi làng thời thơ ấu và làm cách mạng. Một cuộc cách mạng ngay từ đầu đã biết chẳng đi đến đâu nhưng cuồng nhiệt và cuối cùng như một trò đùa.

Ngòi bút bậc thầy của Oe thể hiện ở cách ông xây dựng nhân vật Takashi, cách đưa người đọc qua các trạng thái biến hóa trong suy nghĩ và hành động của nhân vật. Sự “nhập nhằng” trong tư tưởng của Takashi quyết định sự “nhập nhằng” trong cuộc đời y, một cuộc đời mà rốt cuộc độc giả không thể nhận định rằng nó là sự hy sinh cao thượng hay chỉ là chuỗi thất bại thảm hại của một kẻ cuồng loạn.

Sự “nhập nhằng” của Takashi cũng chính là sự “nhập nhằng” của nước Nhật vào những năm 1960, thời kỳ bùng nổ kinh tế. Nước Nhật với Thiên hoàng là đấng thần linh đã xa, sau khi bại trận trong Đệ nhị Thế chiến. Nước Nhật hiện đại là một xã hội được kinh tế quyết định. Nhân vật Vua siêu thị có thể coi là đại diện cho tầng lớp tư bản hải ngoại xâm nhập và chi phối đời sống sản xuất của người dân trong thung lũng.

Takashi lôi kéo thanh niên làng nổi loạn. Mặt khác, Takashi lại bắt tay với Vua siêu thị để bán căn nhà kho của gia đình. Cuộc nổi loạn của Takashi tái hiện lại cuộc nổi loạn của em trai cụ cố y gần một trăm năm trước, năm Vạn Diên thứ nhất (1860). Tên gốc của tác phẩm là Trận bóng đá năm Vạn Diên thứ nhất (Man’en gan’nen no futtoboru). Oe đã liên kết hai sự kiện cách nhau một thế kỷ hệt như một vòng luân hồi, một lời nguyền treo trên đầu gia tộc.

Trong Tiếng thét câm lặng, quá khứ không có nghĩa là kết thúc. Nó trở lại chi phối hiện tại, chồng lấn lên hiện tại. Trong Takashi đã có hình bóng của tổ tiên. Bản chất của cuộc nổi loạn do Takashi phát động không khác chi cuộc nổi loạn năm Vạn Diên thứ nhất. Đó là một vòng luẩn quẩn không thể thoát ra được. Các nhân vật bị hấp lực của một thứ bản năng chết hút lấy. Toàn thể hành động của Takashi chỉ để lao mình đến với cuộc hẹn với tử thần như một nghi thức hiến sinh.

Ngay từ đầu truyện, Oe đã miêu tả một cái chết đáng sợ, kỳ quái. Nhưng lại chốt hạ bằng “Con người rồi ai cũng phải chết. Một trăm năm sau, sẽ chẳng có ai còn bận tâm tìm hiểu xem chúng ta đã chết như thế nào nữa. Thế nên tốt nhất là hãy chết theo cách mình muốn cháu ạ” (trang 15). Và Takashi đã sống và chết như cách y muốn. Y không ngại ngần thực hiện những hành động vô luân. Nhưng ở đây, Oe luôn biết cách soi chiếu câu chuyện của mình dưới một nhãn quan thấu suốt và khôi hài, dẫn độc giả đi qua đầy rẫy những điều nghịch dị, phi lý.

Tình cờ, vào năm Tiếng thét câm lặng ra đời, Gabriel García Márquez cho xuất bản kiệt tác Trăm năm cô đơn. Cũng là vòng hồi quy trăm năm, cũng là ngôi làng kỳ lạ, cũng là số phận một gia tộc phản ánh số phận của một dân tộc.

Oe Kenzaburo vì thế là tiếng nói đại diện cho một thế hệ. Chính ông cũng đã đưa “một nỗi đau riêng” (tên một tác phẩm nổi tiếng của Oe) hòa điệu cùng nỗi đau chung. Trong Tiếng thét câm lặng có chi tiết con trai của Mitsusaburo sinh ra bị thiểu năng. Ngoài đời, con trai của Oe cũng gặp vấn đề này. Tuy vậy, văn chương của Oe không bi quan, theo cách nào đó, nó luôn hướng tới một nỗ lực thấu hiểu cá nhân và cả cộng đồng.

Sự phức tạp của con người, nhưng mâu thuẫn vừa mang tính thời đại, vừa như là căn tính, đã bị dồn nén. Phát biểu của Mitsusaburo về em trai mình Takashi, cũng chính là cái cách con người tự tra vấn chính con người trong thời đại: “Taka luôn bị thôi thúc bởi nhu cầu tự trừng phạt mình bằng cách sống trong địa ngục khủng khiếp nhất, nên chú ấy đã chối từ một địa ngục yên bình, dịu dàng và xoa dịu lòng người – một địa ngục mà chú ấy là tác giả. Tôi nghĩ Taka đã rất cố gắng theo cách riêng của mình duy trì sự khắc nghiệt khủng khiếp của địa ngục của chính chú ấy, để nó không êm dịu và cùn nhụt đi” (trang 487).

Gần cuối truyện, khi căn nhà kho của dòng họ bị phá dỡ, chẳng còn gì ngoài mục nát và tro bụi. Như một quá khứ rực rỡ nhưng đã rệu rã. Dù vậy, dưới căn nhà đổ nát đó, hậu nhân tái khám phá những bí mật xa xưa. Vì thế, có thể tiếng thét của con người chỉ là tiếng thét câm lặng, nhưng vẫn không ngừng vang vọng trong một thế gian biến chuyển.

Huỳnh Trọng Khang

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/oe-kenzaburo-va-tieng-thet-khong-cam-lang/