Ogata Taketora: Chính khách bảo vệ ý tưởng thành lập 'CIA Nhật Bản'

Trong những năm gần đây, do tình hình an ninh ở Đông Á và Nhật Bản trở nên căng thẳng, nhu cầu thành lập một cơ quan tình báo đối ngoại tăng lên mạnh mẽ. Chính vì vậy, chính khách Ogata Taketora, người mong muốn thành lập một 'CIA phiên bản Nhật Bản' lại thu hút sự chú ý. Xin trân trọng giới thiệu bài viết của Ezaki Michio, tác giả cuốn sách 'Ogata Taketora và tình báo Nhật Bản', vừa được ấn hành.

Bãi bỏ cơ quan tình báo đối ngoại theo lệnh của quân chiếm đóng

Năm 1945, sau thất bại trong Thế chiến thứ hai, Nhật Bản nằm dưới sự kiểm soát của Bộ Tổng tư lệnh tối cao quân Đồng minh với trụ cột là lực lượng vũ trang Mỹ. Các nước đồng minh đã tiến hành kiểm duyệt nghiêm ngặt và giải giáp Nhật Bản, thủ tiêu quân đội và hải quân, đồng thời bãi bỏ tất cả các cơ quan tình báo đối ngoại.

Nhưng do sự xuất hiện của chính quyền Cộng sản ở Trung Quốc vào tháng 10 năm 1949, cũng như sự bùng nổ của chiến tranh Triều Tiên vào tháng 6 năm sau, Mỹ đã thay đổi chính sách chiếm đóng đối với Nhật Bản, và vào tháng 8 năm 1950 đã cho phép Nhật Bản trang bị vũ khí trở lại. Theo đó, Nhật Bản đã thành lập Lực lượng Cảnh sát dự bị quốc gia (nay là Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản).

Ngay sau khi Nhật Bản giành lại độc lập - bắt đầu từ năm 1952 và tiếp tục đến năm 1953 - có một chính khách Nhật Bản đã tìm cách thành lập “Cục Tình báo Trung ương phiên bản Nhật Bản” để hợp tác với CIA của Mỹ nhằm thu thập thông tin về Liên Xô, Trung Quốc và bán đảo Triều Tiên. Chính khách đó là Ogata Taketora.

Chính khách Ogata Taketora.

Trung thành với chủ nghĩa tự do

Ogata sinh năm 1888. Ông tốt nghiệp Trường Thương mại cao cấp Tokyo (nay là Đại học Hitotsubashi) và Đại học Waseda. Sau đó, ông vào làm việc tại báo “The Asahi Shimbun”, nơi ông chứng tỏ là một nhà báo xuất sắc. Trong thời gian tu nghiệp ở Anh, ông nghiên cứu các vấn đề về quyền hiến pháp cũng như phong trào công nhân. Ông là người chỉ trích gay gắt chủ nghĩa phát xít Ý và ủng hộ nhiệt tình chủ nghĩa tự do.

Sau khi Thế chiến thứ hai kết thúc, năm 1952, Ogata trở thành chính trị gia. Từng lãnh đạo đảng Tự do, năm 1955 ông đã thống nhất các lực lượng bảo thủ, thành lập đảng Dân chủ Tự do ngày nay.

Cuốn sách “Ogata Taketora và tình báo Nhật Bản” được xuất bản gần đây kể về mối quan hệ của ông với các cơ quan tình báo đối ngoại. Trong những năm gần đây, ở Nhật Bản xuất hiện phong trào thành lập cơ quan tình báo đối ngoại, do đó, việc xem xét vấn đề này về phương diện lịch sử có ý nghĩa thiết thực.

Trước chiến tranh, năng lực của tình báo Nhật Bản không hề yếu kém. Vấn đề ở chỗ những thông tin của nó không được sử dụng vào đường lối chính trị của đất nước. Chính Ogata là người trực tiếp phụ trách vấn đề chiến lược quốc gia và công tác tình báo.

Trong chiến tranh, tháng 7/1944, là thành viên Nội các Koiso Kuniaki, Ogata đứng đầu Cục Tình báo, giữ chức vụ lãnh đạo cao nhất trong các cơ quan tình báo Nhật Bản. Trên cương vị này, ông đau đớn nhận ra rằng chính phủ hầu như không nhận được các thông tin “trực tiếp”. Do thiếu thông tin chính xác, Nhật Bản đã phải chịu hết thất bại này đến thất bại khác - trong trận không chiến tại Formosa, trong trận chiến vịnh Leyte.

Nguyên nhân là do hai chính phủ trước đó - Nội các Konoe Fumimaru và Nội các Tojo Hideki không có khả năng chỉ đạo công tác tình báo.

Cựu Thủ tướng Hideki Tojo.

Tác hại của tư duy theo chiều dọc trong các bộ, nghành

Bộ Ngoại giao, Bộ Nội vụ, quân đội và hải quân đều có các cơ quan tình báo, nhưng trên thực tế, giữa chúng không có sự tương tác. Trước tình hình đó, vào tháng 12/1940, Nội các Konoe lần 2 đã nâng cấp Phòng Tình báo thành Cục Tình báo, cơ quan này phụ trách công tác tình báo và tuyên truyền cho nhiều bộ, ngành khác nhau.

Nhưng sự kết hợp thực sự các chức năng và quyền hạn hoàn toàn thiếu. Nguyên nhân là do tư duy quan liêu theo chiều dọc ở các bộ, ngành. Vì vậy, không có sự trao đổi ngay cả những thông tin cơ bản liên quan trực tiếp đến diễn biến cuộc chiến tranh, và người ta đã sử dụng những thông tin không chính xác.

Xin lấy ví dụ ý kiến của Tanabe Tadao, thanh tra viên Ủy ban Kế hoạch của Nội các: Được Nội các thông qua trong khoảng thời gian từ tháng 3 năm1942 đến tháng 5, Kế hoạch mở rộng sản xuất quân sự lần thứ hai, Kế hoạch phát triển miền Nam và các văn bản khác được chuẩn bị cực kỳ sơ sài; ngay cả các thông số cơ bản cũng thiếu cơ sở phù hợp, và kết quả là lời phát biểu của người đứng đầu Ủy ban Kế hoạch trong Nội các rằng “nguồn cung cấp quân sự sẽ tăng lên khi nhận được các nguồn tài nguyên miền Nam kể từ năm 1945” chỉ là những lời rỗng tuếch.

Nói cách khác, theo quan điểm của Tanabe Tadao, người cho rằng “nhiệm vụ chính của Nội các thời chiến là mở rộng sản xuất phục vụ các nhu cầu quân sự”, thì Nội các Tojo nói chung không có khả năng tiến hành một cuộc chiến tranh hiện đại, và chỉ có thể nói rằng việc tiếp tục tình trạng này tất yếu sẽ dẫn đến thất bại trong chiến tranh.

Thiếu xác minh và kiểm soát

Sản xuất phục vụ nhu cầu chiến tranh, cũng như việc bảo đảm nguồn lực là điều cực kỳ cần thiết để tiến hành chiến tranh. Chưa hết, trên thực tế, Nội các đã xây dựng và phê duyệt các kế hoạch không đáng tin cậy, trong đó ngay cả những thông số cơ bản cũng thiếu cơ sở.

Tại sao những thông tin được phân tích kém như vậy vẫn được sử dụng? Tại vì vào thời kỳ đó, ở Nhật Bản không có cơ chế tổng hợp, phân tích và xác minh thông tin được cung cấp riêng cho quân đội, hải quân cũng như chính phủ và Ủy ban Kế hoạch.

Đồng thời, sự giám sát, kiểm soát của chính quyền lập pháp và báo chí không phát huy tác dụng. Nếu các kế hoạch quân sự của lực lượng vũ trang và chính phủ, cũng như số liệu thông tin được kiểm tra kỹ lưỡng thì không thể xuất hiện những kế hoạch tiến hành chiến tranh yếu kém như vậy.

Nhưng từ nửa cuối thập niên 1930, các thủ tướng Konoe Fumimaro và Tojo Hideki không chấp nhận những lời chỉ trích chính phủ, còn các cơ quan tình báo được sử dụng như “các cơ quan vận động dư luận”. Cả quốc hội lẫn báo chí đều không được phép chỉ trích các kế hoạch quân sự của chính phủ và lực lượng vũ trang.

Cựu Thủ tướng Konoe Fumimaro.

Hai nhóm có thái độ khác nhau đối với chủ nghĩa tự do

Trong khi đó, quyền tự do ngôn luận ở Nhật Bản được pháp luật đảm bảo. Có hiệu lực từ năm 1890, dưới thời Minh Trị, Hiến pháp của Đế quốc Nhật Bản chủ trương một nền dân chủ nghị viện và bảo đảm quyền tự do ngôn luận ở trong nước. Sau đó, dù chỉ trong thời gian ngắn, hệ thống hiến pháp với hai đảng lớn, được gọi là “Nền dân chủ Taisho” đã được hình thành ở Nhật Bản.

Tuy nhiên, dưới tác động của cuộc cách mạng năm 1917 ở Nga, sự hình thành Liên Xô, và lo ngại về hoạt động của những người cộng sản quốc tế, ở Nhật Bản trước chiến tranh, đã xuất hiện các lực lượng chính trị hoạt động dưới khẩu hiệu đấu tranh chống chủ nghĩa Cộng sản và tôn vinh triều đại đế quốc. Các lực lượng này được chia thành hai nhóm dựa trên thái độ của họ đối với quyền tự do ngôn luận và chủ nghĩa tự do.

Nhóm thứ nhất là những người ủng hộ chủ nghĩa toàn trị, chủ trương đàn áp tự do ngôn luận vì lợi ích của Nhật Bản. Kể từ sự cố Lưu Cầu Kiều năm 1937, họ coi chủ nghĩa tự do là kẻ thù trực tiếp của mình, họ ủng hộ việc đàn áp tự do ngôn luận và chủ trương xây dựng một nền kinh tế, trong đó hoạt động kinh doanh được kiểm soát bởi bộ máy quan liêu.

Nhóm thứ hai là những người theo chủ nghĩa tự do, họ tìm cách bảo vệ hiến pháp, quyền tự do ngôn luận và chủ nghĩa Tư bản.

Tiếc rằng, Thủ tướng Tojo, với tất cả lòng yêu nước của mình, đại diện cho nhóm thứ nhất. Trong chiến tranh, ông đàn áp tự do ngôn luận, thắt chặt kiểm soát nền kinh tế, bắt bớ và đàn áp các đối thủ chính trị, kể cả Lực lượng hiến binh Nhật Bản.

Dưới sự lãnh đạo của Thủ tướng Tojo, Cục Tình báo, cơ quan chịu trách nhiệm thu thập và phân tích thông tin nhận được cả trong và ngoài nước, đã xa rời chức năng chính của mình và trở thành công cụ đàn áp tự do ngôn luận.

Mặt khác, cả trước, trong và sau chiến tranh, Ogata Taketora vẫn là một người theo chủ nghĩa tự do và tìm cách bảo vệ tính hợp hiến của chính phủ, tự do ngôn luận và chủ nghĩa tư bản. Chẳng hạn, trong chiến tranh, năm 1944, khi đứng đầu Cục Tình báo của Nội các Koiso Kuniaki, song song với việc chuyển sang chính sách phục hồi quyền tự do ngôn luận, ông đã tiến hành xây dựng cơ chế trao đổi, phân tích thông tin thông qua các cuộc hội nghị của quân đội, hải quân và chính phủ, cũng như tìm kiếm các biện pháp khắc phục sự đối lập của quân đội và thoát khỏi chiến tranh.

l Chưa kịp thực hiện dự định

Ngày 15/8/1945, Nhật Bản bại trận. Phải chăng việc đàn áp quyền tự do ngôn luận, coi thường các nguyên tắc hiến pháp và thông tin tình báo là nguyên nhân đẫn đến thất bại này? Với những kết luận đau đớn đó, ngày 17/8/1945, trên cương vị Trưởng ban thư ký kiêm Cục trưởng Cục Tìnhbáo trong Nội các Higashikuni Naruhiko, Ogata Taketora bắt đầu đấu tranh để quay trở lại chủ nghĩa hợp hiến và tự do ngôn luận.

Sau đó, vào năm 1952, khi giữ chức Chánh văn phòng trong Nội các Yoshida Shigeru, Ogata chỉ ra sự cần thiết thu thập thông tin rộng rãi ở nước ngoài như một phần hoạt động của chính quyền, dựa trên các nguyên tắc tự do và dân chủ, nhằm đối phó với các nguy cơ từ Liên Xô và Trung Quốc, đồng thời thành lập một "CIA phiên bản Nhật Bản" hoạt động phù hợp với chính sách quốc gia.

Ogata thông báo với phía Mỹ rằng, trước hết, ông dự định thành lập một tổ chức để “thu thập” thông tin bằng cách chộp bắt các chương trình phát thanh và truyền thông nước ngoài, còn trong tương lai ông dự định mở rộng hoạt động trong lĩnh vực thông tin, cả công khai và bí mật. Nhưng ngày 28/1/1956, Ogata đột ngột qua đời, chưa kịp thực hiện dự định của mình.

Đã 67 năm đã trôi qua kể từ ngày đó, tình hình quốc tế, trong đó có Nhật Bản, lại trở nên căng thẳng hơn.

Hiện nay, Nhật Bản hiện đang đi đầu trong việc thành lập khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở. Việc thúc đẩy hơn nữa sáng kiến này cũng liên quan đến nhu cầu thành lập một cơ quan tình báo nước ngoài và tăng cường hợp tác trong các hoạt động tình báo với Mỹ và các nước khác trong khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Anh Duy (Theo Nippon.com)

Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/ho-so-mat/ogata-taketora-chinh-khach-bao-ve-y-tuong-thanh-lap-cia-nhat-ban-i715528/