Ðôi bàn tay nhào nặn những kỳ vĩ

Nói tới điêu khắc gia Thụy Lam là nhắc tới đôi bàn tay tạo nên các tượng Phật lớn nhất Việt Nam, trong đó có cả tượng nắm giữ kỷ lục châu Á.

Tượng Phật cao 48m ở Thiên Ðức Vĩnh Hằng Viên, Phú Thọ của điêu khắc gia Thụy Lam mới hoàn thành.

Tượng Phật cao 48m ở Thiên Ðức Vĩnh Hằng Viên, Phú Thọ của điêu khắc gia Thụy Lam mới hoàn thành.

Hậu duệ hoàng gia

Gặp điêu khắc gia Thụy Lam trong ngày đầu đông của tiết trời Hà Nội se lạnh, dáng người cao gầy như lọt thỏm trong chiếc áo khoác chấm đầu gối. Những bước đi đã chậm chạp, lom khom ở cái tuổi 72. Dù vậy, trông ông vẫn rất phiêu, thường trực trên đầu là chiếc mũ nồi cổ điển, tay “tỉa” thuốc liên tục. Nhìn con người ấy chẳng ai nghĩ cả đời ông đã và vẫn từng ngày nhào nặn nên những tác phẩm kỳ vĩ để đời.

Nói về gốc gác của mình, ông kể mình là hậu duệ vua Gia Long, vì bà cố bên mẹ ông là em vua Gia Long - vợ của tướng Võ Tánh (mẹ của Thụy Lam gọi vua Gia Long là ông cậu). Do cuộc chiến với nhà Tây Sơn, tướng Võ Tánh phiêu bạt vào vùng Đồng Tháp, An Giang định cư. Sau khi bố mẹ ông cưới nhau, bố ông đưa cả gia đình sang Campuchia sinh sống và Thụy Lam ra đời ở đó. “Học hết cấp 3 tôi được gửi vào trường dòng học tiếp. Khi đó, ở Campuchia trường dòng tương đương đại học ngày nay và chỉ dành cho con em quý tộc, gia đình giàu có theo học. Khi đó, bố mẹ tôi đều mong tôi thành thầy giáo hoặc thầy thuốc”, ông kể.

Năm 1970, gia đình Thụy Lam bán hết gia sản ở Campuchia và về Sài Gòn sinh sống. Ban đầu ông đi day học, nhưng có máu nghệ sỹ trong người nên giao lưu với không ít văn nghệ sỹ thời đó, như các nhạc sĩ Thanh Tùng, Trịnh Công Sơn, kiến trúc sư Lữ Trúc Phương... Không chịu được gò bó, nề nếp, thích tang bồng nên ông bỏ nghề giáo. Sau năm 1975, chàng thanh niên Thụy Lam xin mẹ 2 cây vàng nói lấy vốn đi buôn ve chai, nhưng thật ra để lấy tiền đi nhậu với giới văn nghệ sĩ Sài Gòn. “Giai đoạn đất nước thống nhất còn nghèo lắm, giới văn nghệ sĩ càng đói hơn. Khi đó 2 cây vàng là cả gia tài, nói đi buôn nhưng chủ yếu để có tiền la cà cùng anh em nghệ sĩ cho sướng”, điêu khắc gia hồi tưởng quá khứ, rồi cười khà khà. Tiêu hết tiền, Thụy Lam xin đi theo các thầy giáo Trường Mỹ thuật Gia Định làm trang trí sân khấu, phòng trà, khách sạn… sống qua ngày.

Tôi hỏi ông lấy tiền làm ăn đi nhậu mẹ ông biết sẽ thế nào? Thụy Lam nói tỉnh như không “bả có để ý gì đâu, bả giàu quá mà!”.

Khoảng năm 1976-1977, Thụy Lam may mắn gặp và quen nhà thơ Trụ Vũ (Trần Đại Bính). Biết Thụy Lam có năng khiếu vẽ vời, nhà thơ Trụ Vũ giới thiệu ông tới Pháp viện Minh Đăng Quang (Q.2, TPHCM) để trang trí chùa, như sơn mái đao, vẽ cây bồ đề… “Làm ở Pháp viện, thấy cuộc sống thanh đạm, nhẹ nhàng, không lừa lọc, bon chen với đời nên tôi ở lại luôn, vừa làm vừa nghiên cứu đạo Phật. Thích ở chùa, thích vẽ tranh Phật, thích đàm đạo với các sư, những triết lý Phật giáo tự nhiên huân tập vào trong tôi”, ông nói. Thời gian này ông quen và được các bậc thầy về mỹ thuật Phật giáo như: Trương Đình Ý, Lê Văn Chánh, Minh Dung hướng dẫn thêm. Đặc biệt ông được nhà điêu khắc về Phật giáo nổi tiếng vùng Phú Lâm (TPHCM) - Bảy Chánh tận tình chỉ dạy, nên từ chỗ chỉ chuyên về hội họa, Thụy Lam chuyển dần sang làm tượng Phật. Các thầy mỹ thuật thấy Thụy Lam làm được nên cứ nhận công trình rồi giao cho ông làm, riết rồi thành nghề.

Ðiêu khắc gia Thụy Lam.

Bàn tay nắm giữ các kỷ lục

Nói tới điêu khắc gia Thụy Lam là nói tới các tác phẩm tượng Phật kỳ vĩ, to cao nhất Việt Nam, thậm chí cả châu Á. Như tượng Phật Thích Ca Mâu Ni cao 25m tọa tại Thiền viện Vạn Hạnh, Đà Lạt; tượng Phật Di Lặc cao 33,6m (tương đương nhà 10 tầng, được Tổ chức kỷ lục châu Á ghi nhận là tượng Phật Di Lặc lớn nhất châu Á) tọa tại núi Thất Sơn, An Giang; tượng Quan Thế Âm Bồ Tát cao 70m nhìn ra biển tọa ở bán đảo Sơn Trà, Đà Nẵng. Mới nhất là tượng Phật A Di Đà cao 48m (tương đương tòa nhà 13 tầng, lớn nhất miền Bắc) tọa ở Thiên Đức Vĩnh Hằng Viên, Phú Thọ…

“Làm tượng Phật phải ra Phật, dù thế nào cũng phải có đủ Bi - Trí - Dũng, muốn thế phải tự mình cảm”.

Ðiêu khắc gia Thụy Lam

Để có được những tác phẩm điêu khắc để đời đó, Thụy Lam đều tự mày mò học hỏi và đúc rút kinh nghiệm. Ông dẫn chứng, theo sách giáo khoa điêu khắc, khi tạc tượng nét tai phải ngang mý mắt, nhưng với tượng to, người đứng dưới nhìn lên thì không thể theo chuẩn đó. “Nhiều người thắc mắc, sao tôi làm không đúng chuẩn sao đẹp, sao có hồn. Những cái đó mình phải tự học, tượng to mình phải tính để người đứng từ xa nhìn vào, từ dưới nhìn lên vẫn thấy cân đối, hài hòa”, Thụy Lam nói. Như răng của Phật Di Lặc ở Núi Cấm to 4 m; còn miệng cười của Bồ tát Quan Âm ở bán đảo Sơn Trà rộng tới 1,4m, mắt rộng 1,2m…

Nhờ khả năng “thổi hồn” vào tượng, nên nhiều tượng Phật của người khác làm ra thiếu hồn, Thụy Lam lại được mời tới “thổi hồn”. Ông biến những khối bê tông khô cứng, vô hồn do người khác “bỏ của chạy” thành có thần thái, như tượng Phật Thích Ca Mâu Ni ở Đà Lạt, tượng Bồ Tát Quan Âm ở Đà Nẵng…

Để tạo nên những tác phẩm có thần thái, khi tới những khâu quan trọng, Thụy Lam cũng ăn chay và sống tách biệt trong những am giã chiến đặt tại công trình. Ông sống trong những nơi tự gọi là “tuyệt tình am” từ vài tuần tới vài tháng. “Làm tượng Phật phải ra Phật, dù thế nào cũng phải có đủ Bi - Trí - Dũng, muốn thế phải tự mình cảm”, ông đúc kết.

Hỏi ông về điểm gì khó nhất khi tạc những tác phẩm tượng Phật lớn như vậy, ông trầm ngâm chốc lát, tủm tỉm cười, rồi nói: “Tiền, phải có tiền, mỗi pho tượng như vậy tốn rất nhiều tiền”. Vì với ông, làm những pho tượng lớn từ đôi bàn tay ông có thể làm được, nhưng chi phí cho nó thì ông không thể gánh.

Nói về truyền nghề, Thụy Lam lộ vẻ tiếc nuối khi các con mình không ai nối nghiệp bố. Ông khen người con út có tố chất, nhưng vợ ông không đồng ý vì “thấy tôi đi miết bả cũng chán”. Ông phần nào yên tâm vì đã tìm được một học trò xuất sắc để truyền nghề. Nhưng với ông, ông chỉ truyền được các kỹ thuật, kinh nghiệm, còn để làm nên những bức tượng có hồn, có thần thái học trò phải tự cảm thụ, vì điều đó xuất phát từ tâm mỗi người.

Thụy Lam tên thật là Phạm Dân Chủ, ông sinh năm 1945. Cha của Thụy Lam là nhà trang trí nội thất tài hoa, với các tác phẩm trang trí bên trong Tòa thánh thất Tây Ninh. Thụy Lam học nghề điêu khắc từ nhiều thầy, trong đó có họa sĩ Lê Văn Đệ - người sáng lập Trường Mỹ thuật Gia Định.

Phạm Thanh

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/van-nghe/%C3%B0oi-ban-tay-nhao-nan-nhung-ky-vi-1241130.tpo