Ðổi mới hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật vùng Tây Nam Bộ

Việc thực hiện Ðề án 'Tăng cường phổ biến, giáo dục pháp luật cho cán bộ, nhân dân vùng biên giới, hải đảo, giai đoạn 2017-2021' trong hai năm qua đã góp phần quan trọng ổn định tình hình an ninh, trật tự ở các xã, phường biên giới, hải đảo các tỉnh Tây Nam Bộ. Hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép thuốc lá điếu, đường cát, thuốc tân dược, pháo nổ, bia rượu, xăng dầu trên biển giảm dần theo từng năm.

Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật đã được gắn với các nội dung của phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư". Các đồn biên phòng đã phối hợp với các xã, phường và đơn vị quân đội đứng chân ở khu vực biên giới, hải đảo, thành lập 113 tổ tuyên truyền pháp luật, định kỳ hằng tháng xuống các thôn, bản, trực tiếp tuyên truyền, tư vấn pháp luật cho cán bộ và nhân dân theo từng nhóm đối tượng. Từ năm 2017 đến nay, các tổ tuyên truyền đã tổ chức 8.512 buổi phổ biến tới hơn 100 nghìn lượt người nghe về các văn bản pháp luật mới, hoặc những văn bản liên quan đến tình hình an ninh, trật tự đang nổi lên ở địa bàn.

Các đơn vị quân đội đã duy trì thực hiện nghiêm túc chế độ "Ngày pháp luật" tại đơn vị và tiếp tục nhân rộng nhiều mô hình hay, có sức lan tỏa sâu rộng trong phong trào bảo vệ an ninh biên giới, hạn chế tối đa hình thành điểm nóng về an ninh trật tự. Bộ đội Biên phòng tỉnh An Giang có những mô hình: "Phòng đọc biên giới", "Tổ tư vấn tâm lý, pháp lý quân nhân", "Câu lạc bộ pháp luật chiến sĩ ", "Câu lạc bộ chống bạo lực gia đình"; Bộ đội Biên phòng tỉnh Long An có "Thư viện cộng đồng", "Câu lạc bộ nông dân với pháp luật"… Bên cạnh đó còn có những mô hình tổ tàu thuyền, bến, bãi an toàn của một số tỉnh ven biển, góp phần nâng cao nhận thức pháp luật và ý thức chấp hành kỷ luật của người dân.

* Nghệ An tìm hướng đi cho du lịch canh nông

Du lịch canh nông - gắn du lịch với quảng bá sản vật nông nghiệp địa phương đang là hướng đi được tỉnh Nghệ An quan tâm tìm giải pháp phát triển. Việc khai thác tài nguyên nông nghiệp sẵn có để tạo ra những sản phẩm mới phục vụ du lịch sẽ là giải pháp giúp các trang trại, nhà vườn tăng thu nhập, đa dạng hóa sản phẩm, tạo sức hút cho du lịch và quảng bá sản phẩm nông nghiệp của tỉnh.

Tại huyện Con Cuông, Trung tâm giới thiệu và quảng bá các sản phẩm nông nghiệp Con Cuông có hoạt động gắn liền với các tua du lịch đang được cấp ủy, chính quyền rất quan tâm. Làm sao để mỗi lần du khách đến không chỉ lưu trú, nghỉ dưỡng tại các bản du lịch cộng đồng mà còn được thưởng thức và mua các sản phẩm đặc sắc của địa phương để làm quà tặng. Một số mô hình du lịch canh nông đã thu hút nhiều khách du lịch như: Trang trại rau sạch và cánh đồng hoa hướng dương, cánh đồng tam giác mạch tại huyện Nghĩa Ðàn, đảo chè huyện Thanh Chương…

Tuy nhiên, việc phát triển loại hình du lịch này ở Nghệ An vẫn còn nhiều khó khăn do hạ tầng giao thông ở nhiều địa phương còn bất cập. Nguồn lao động nông nghiệp qua đào tạo ít, chưa đáp ứng được yêu cầu về phát triển nông nghiệp công nghệ cao và nhu cầu của khách du lịch… Theo Sở Du lịch tỉnh Nghệ An, Nhà nước hỗ trợ các địa phương, đơn vị xây dựng mô hình và hướng dẫn cách bố trí tham quan, đón tiếp, đưa khách đi trải nghiệm thực tế. Trên cơ sở đánh giá hiệu quả, đơn vị sẽ tập trung xây dựng chương trình phát triển du lịch canh nông; mời các chuyên gia tư vấn, tập huấn nâng cao kỹ năng cho địa phương và hộ nông dân làm du lịch.

PV và TTXVN

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/phapluat/thoi-su-phap-luat/item/37799802-%C3%B0oi-moi-hoat-dong-pho-bien-giao-duc-phap-luat-vung-tay-nam-bo.html