Ðổi mới mạnh mẽ, toàn diện để phục vụ người dân tốt hơn

Năm 2020 - một năm đặc biệt với rất nhiều khó khăn thách thức do dịch bệnh xâm nhập, nhưng cũng đánh dấu nhiều thành tựu nổi bật của y tế nước ta. Việt Nam được cộng đồng quốc tế đánh giá là quốc gia thành công nhất trong phòng chống dịch COVID-19, huy động được toàn bộ hệ thống chính trị, toàn Ðảng, toàn dân, toàn quân tham gia phòng chống dịch với chi phí thấp nhất.

Với quyết tâm đổi mới mạnh mẽ, toàn diện ngành y tế để đáp ứng nhu cầu chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe ngày càng cao của nhân dân; phấn đấu đạt thứ hạng cao về y tế - chăm sóc sức khỏe so với các nước trong khu vực và trên thế giới, ngành y tế đã và đang đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong khám chữa bệnh từ xa và chuyển đổi số mạnh mẽ các hoạt động... Năm 2020, ngành y tế đã thực hiện đạt các chỉ tiêu chủ yếu được Quốc hội, Chính phủ giao năm 2020 về số giường bệnh trên vạn dân, tỷ lệ dân số tham gia BHYT.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các đại biểu thực hiện nghi thức nhấn nút khánh thành kết nối 1.000 cơ sở khám chữa bệnh từ xa. Ảnh: Trần Minh

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các đại biểu thực hiện nghi thức nhấn nút khánh thành kết nối 1.000 cơ sở khám chữa bệnh từ xa. Ảnh: Trần Minh

Cuộc chiến chống COVID-19 - cuộc dấn thân của lực lượng tuyến đầu

Hơn 1 năm qua, Việt Nam đã khống chế và kiểm soát dịch COVID-19 thành công, được bạn bè thế giới ghi nhận và đánh giá cao. “Để có được kết quả này, công tác phòng chống dịch COVID-19 nhận được sự chỉ đạo quyết liệt của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và lời kêu gọi của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước. Tinh thần “Chống dịch như chống giặc” của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ là tư tưởng, chỉ đạo xuyên suốt thời gian phòng chống dịch” - Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết tại Hội nghị Y tế toàn quốc diễn ra đầu năm 2021.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long, trong cuộc chiến phòng chống dịch COVID-19 ở nước ta suốt 1 năm qua, ngành y tế đã tham mưu cho Đảng, Chính phủ triển khai thực hiện chủ động, hiệu quả, linh hoạt, kịp thời các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 ở mức cao hơn và sớm hơn so với khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới, ngay từ giai đoạn đầu, với phương châm “4 tại chỗ”, phù hợp với thực tiễn và thực lực của đất nước. Đồng thời, với chiến lược “ngăn chặn, phát hiện, cách ly, khoanh vùng, dập dịch và điều trị”, Việt Nam trở thành điển hình thành công khống chế dịch COVID-19 trên thế giới.

Theo Bộ trưởng, trong lịch sử ngành y tế chưa bao giờ phòng chống một đại dịch có sự tham gia tích cực của toàn bộ hệ thống, toàn dân như trong thời gian qua. Các lực lượng tiền phương như đội ngũ y bác sĩ, lực lượng quân đội, công an đã không quản ngại nguy hiểm, khó khăn, hy sinh quên mình trên tuyến đầu phòng chống dịch. “Lớp lớp cán bộ y tế ngày đêm dấn thân vào trận chiến đầy cam go, thử thách, có những rủi ro, có thể mắc bệnh”- Bộ trưởng nói.

Nhắc đến sự hỗ trợ hết sức to lớn của lực lượng cắm chốt biên giới, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết, từ Tết Canh Tý đến nay, cả nước duy trì hơn 1.600 điểm chốt ở vùng biên, với gần 10.000 chiến sĩ cắm chốt. Có những chiến sĩ 6 tháng chưa được về nhà. Đây là hình ảnh toàn quân tham gia công tác phòng chống dịch.

Bộ trưởng Bộ Y tế cũng nhấn mạnh trong cuộc chiến chống dịch COVID-19 ở nước ta, lực lượng truyền thông đã tham gia tích cực. Đã có hơn 20 tỷ tin nhắn về phòng chống dịch được gửi đến người dân qua các ứng dụng khác nhau trong một thời gian ngắn.

Cũng trong cuộc chiến phòng chống dịch COVID-19 ở nước ta, Bộ Y tế lần đầu tiên huy động lực lượng cán bộ y tế ở cả 3 miền Bắc, Trung và Nam với gần 300 người, trong đó có nhiều chuyên gia đầu ngành vào “mặt trận” Đà Nẵng kiểm soát dịch trong 1 tháng.

Đồng thời, Việt Nam cũng đã điều trị thành công nhiều ca bệnh COVID-19 nặng, lằn ranh sự sống và cái chết chỉ như “ngọn đèn trước gió”. Các bác sĩ tuyến đầu chống dịch sẽ không thể quên được 2 bệnh nhân đặc biệt mà họ đã phải cố gắng từng giây từng phút, để “cướp” bệnh nhân khỏi tay tử thần. Đó là bác gái bệnh nhân 17 và nam phi công người Anh.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long thăm và trao quà động viên các lực lượng tại chốt phòng chống COVID-19 trên địa bàn biên giới tỉnh Tây Ninh. Ảnh: Khôi Nguyễn

Việt Nam làm chủ khoa học công nghệ trong chăm sóc sức khỏe nhân dân

Năm 2020, y tế Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu trong khoa học công nghệ. Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết, Việt Nam là 1 trong 4 quốc gia đầu tiên giải trình tự gene SARS-CoV-2; là 1 trong 5 quốc gia sản xuất được sinh phẩm chẩn đoán kháng thể, sản xuất thành công máy thở để hoàn toàn chủ động trong cuộc chiến chống dịch COVID-19 và công tác khám chữa bệnh. Đặc biệt, Việt Nam là một trong ít quốc gia trong ASEAN thử nghiệm vắc-xin COVID-19 trên người.

Ngày 7/2/2020, Viện Vệ sinh dịch tễ TW đã nuôi cấy và phân lập thành công chủng virus Corona trong phòng thí nghiệm. Bộ Y tế nhận định việc nuôi cấy thành công virus Corona đã tạo điều kiện cho việc xét nghiệm nhanh các trường hợp nhiễm và nghi nhiễm COVID-19.

Đầu tháng 3/2020, Việt Nam công bố kết quả nghiên cứu chế tạo bộ sinh phẩm (bộ kit) realtime RT-PCR phát hiện virus SARS-CoV-2, do Học viện Quân y chủ trì phối hợp Công ty cổ phần công nghệ Việt Á thực hiện. Vào thời điểm đó, Việt Nam là một số ít quốc gia thành công trong việc nghiên cứu chế tạo bộ kit chẩn đoán SARS-CoV-2.

Về vắc-xin phòng COVID-19, Việt Nam hiện là một trong rất ít nước của khu vực đã tiến hành thử nghiệm lâm sàng trên người vắc-xin phòng chống COVID-19. Trong đó, NANOGEN đã tiêm thử nghiệm vắc-xin Nanocovax trên người từ ngày 17/12/2020 và đã tiêm tất cả các liều (25mcg, 50mcg và 75 mcg trên người tình nguyện), đồng thời đã tiêm mũi 2 liều 1 với người tình nguyện. Hiện sức khỏe người tình nguyện sau tiêm đều khỏe mạnh và không xuất hiện triệu chứng bất thường. Nhà sản xuất thứ 2 chuẩn bị thử nghiệm lâm sàng vắc-xin COVID-19 trên người là Viện Vắc-xin và Sinh phẩm Y tế (IVAC), dự kiến cuối tháng 1/2021.

Mặc dù là năm đặc biệt vì phải tập trung “trí-lực” cho công cuộc chống dịch COVID-19, nhưng các thầy thuốc Việt Nam vẫn làm chủ và thực hiện thành công nhiều kỹ thuật cao trong khám chữa bệnh. Tiêu biểu là ca mổ tách cặp song sinh Trúc Nhi - Diệu Nhi tại BV Nhi đồng TP. Hồ Chí Minh. Sau hơn 1 năm chung sống trong cùng cơ thể với muôn vàn những điều bất tiện không diễn tả bằng lời, Trúc Nhi - Diệu Nhi đã cùng 100 y bác sĩ “chiến đấu” đầy dũng cảm bước vào cuộc đại phẫu kéo dài suốt 12 giờ trong phòng mổ vào hôm 15/7/2020.

Tất cả đều vỡ òa cảm xúc khi ca mổ thành công tốt đẹp, 2 bé được các bác sĩ đẩy trên 2 chiếc giường riêng biệt về phòng hồi sức ngoại điều trị. Với thành tựu đó, ca mổ Trúc Nhi - Diệu Nhi được xác nhận kỷ lục với tên: “Ca đại phẫu thuật phức tạp với đội ngũ y, bác sĩ tham gia nhiều nhất Việt Nam để mổ tách dính vùng bụng chậu cho cặp song sinh”.

Cùng với đó, các thầy thuốc của Việt Nam đã lần đầu tiên ghép ruột thành công tại BV Quân y 103; Trung tâm Điều phối Quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người phối hợp cùng BV Chợ Rẫy, BV Trung ương Huế, BV Trung ương Quân đội 108 thực hiện cùng lúc ca ghép đa tạng từ một người hiến ở Vũng Tàu cho các bệnh nhân tại Hà Nội, Huế, TP. Hồ Chí Minh; BV Việt Đức trong 10 ngày thực hiện liên tiếp 23 ca ghép tạng. Những thành tựu này khẳng định trình độ y học của Việt Nam...

Sự tận tâm của bác sĩ đã giúp nhiều bệnh nhân COVID-19 khỏi bệnh.

Kích hoạt, vận hành y tế thông minh

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nêu rõ, năm 2020 là năm cải cách mạnh mẽ và có nhiều điểm nhấn của ngành y tế, trên nhiều lĩnh vực từ khám chữa bệnh, dự phòng, dân số, khoa học công nghệ, chuyển đổi số y tế.

Về lĩnh vực khám chữa bệnh, chỉ trong 45 ngày, ngành đã kết nối thành công 1.000 điểm khám chữa bệnh từ xa. Hiện đã có hơn 1.500 điểm cầu kết nối. Với thông điệp “Chất lượng khám bệnh, chữa bệnh vươn cao, vươn xa”, Đề án Khám chữa bệnh từ xa không đơn thuần là ứng dụng công nghệ thông tin để chuyển đổi số ngành y tế mà đề án có tính nhân văn sâu sắc, giúp người dân được tiếp cận dịch vụ y tế có chất lượng ngay tại tuyến cơ sở, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh y tế cơ sở, rút ngắn khoảng cách giữa tuyến trên và tuyến dưới. “Thông qua các hoạt động khám chữa bệnh từ xa được triển khai, năng lực chuyên môn của các BV tuyến cơ sở sẽ được nâng lên, người dân cả nước sẽ được hưởng dịch vụ y tế chất lượng cao hơn ngay tại tuyến cơ sở, hạn chế việc chuyển tuyến, quá tải, tập trung đông bệnh nhân tại tuyến trên”- GS.TS. Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh.

Để người dân được biết và giám sát các dịch vụ mà ngành y tế cung cấp, Bộ Y tế đã khai trương Cổng Công khai Y tế với dữ liệu trong các lĩnh vực dược phẩm, trang thiết bị - vật tư y tế, kết quả đấu thầu và hơn 1.400 cơ sở y tế công khai giá dịch vụ; Mạng Y tế Việt Nam - mạng nội bộ kết nối 100% cán bộ y tế toàn quốc; Mạng Y tế cơ sở - V20 (nền tảng kết nối, chia sẻ dữ liệu y tế cơ sở, dùng chung cho 10.600 trạm y tế xã); 98 triệu hồ sơ sức khỏe được Bộ Y tế và Bảo hiểm Xã hội thành lập trong 5 tháng để chuẩn bị cho việc khám chữa bệnh không dùng giấy. Tất cả những kết quả này của năm 2020 đã tạo nên những tiền đề quan trọng để vận hành nền y tế thông minh trong những năm tiếp theo.

Đồng thời cũng trong năm qua, ngành y tế đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý y tế, khám chữa bệnh, giám định thanh toán BHYT, hồ sơ sức khỏe điện tử, kết nối các cơ sở cung ứng thuốc. Nhiều bệnh viện đã ứng dụng bệnh án điện tử, 8 bệnh viện đã công bố sử dụng bệnh án điện tử thay bệnh án giấy, 20 bệnh viện sử dụng hệ thống lưu trữ và truyền tải hình ảnh y tế (PACS) không in phim. Bộ Y tế được xếp hạng thứ 4 về chỉ số tổng thể mức độ ứng dụng công nghệ thông tin của Bộ, cơ quan ngang Bộ...

Hướng đến nền y tế nhân văn, đáp ứng nhu cầu chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe nhân dân

Năm 2020 đã khép lại, cùng với cả nước, ngành y tế bước vào năm mới 2021 với tâm thế quyết tâm đổi mới mạnh mẽ, toàn diện để đáp ứng nhu cầu chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe ngày càng cao của nhân dân.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long, chặng đường trước mắt hết sức cam go với mục tiêu là bảo vệ cho nhân dân trước mắt là đón Tết an lành. Làm sao sớm đưa cuộc sống trở lại bình thường là điều mong mỏi của ngành y tế. Vì thế, Bộ trưởng kêu gọi ngành y tế coi công tác phòng chống dịch COVID-19 là nhiệm vụ trọng tâm trước mắt và lâu dài. “Tất cả chúng ta không được lơ là, mất cảnh giác mà tập trung tối đa cho công tác phòng chống dịch. Trong năm 2021, chúng ta xác định phòng chống dịch vẫn là nhiệm vụ trọng tâm và ưu tiên đầu tiên”- Bộ trưởng nhấn mạnh.

Trong tiến trình đổi mới mạnh mẽ, toàn diện để phục vụ người dân tốt hơn của ngành y tế, một trong những nội dung mà ngành mong muốn triển khai là đổi mới căn bản, toàn diện về giáo dục đào tạo nhân lực y tế. Trong đó, ngành lựa chọn lĩnh vực đổi mới mạnh mẽ nhất, có thể tác động tới toàn bộ hệ thống y tế là thi cấp chứng chỉ hành nghề phù hợp với thông lệ quốc tế. Đồng thời, đẩy mạnh hoạt động của Hội đồng Y khoa quốc gia. Xây dựng ngân hàng dữ liệu đề thi chuẩn bị cho việc thi cấp chứng chỉ hành nghề khi Luật Khám, chữa bệnh có hiệu lực.

Ngành y tế sẽ thúc đẩy nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ, nghiên cứu sản xuất vắc-xin, thuốc chữa bệnh và trang thiết bị y tế. Cùng đó, xây dựng và triển khai Đề án đào tạo nhân lực y tế vùng khó khăn (cho 28 tỉnh, thành phố), Đề án tổng thể tăng cường năng lực cán bộ y tế cơ sở, mục tiêu năm 2025 đảm bảo cơ bản nhân lực cho vùng sâu, vùng xa và đến năm 2030 đảm bảo đủ nhân lực.

Đồng thời, ngành cũng tiếp tục đẩy mạnh triển khai Đề án Khám chữa bệnh từ xa; triển khai quyết liệt chuyển đổi số với các chương trình như hệ thống chăm sóc sức khỏe và phòng bệnh thông minh, hệ thống khám bệnh, chữa bệnh thông minh (trực tuyến, bệnh án điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt, ứng dụng trí tuệ nhân tạo...), hệ thống quản trị y tế thông minh...

Ngành y tế cũng dự kiến trình sửa đổi hai bộ luật quan trọng là Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi và Luật Khám chữa bệnh, lập quy hoạch tổng thể (tất cả hoạt động của ngành, đào tạo nguồn nhân lực...), tiếp tục cắt giảm mạnh mẽ thủ tục hành chính các lĩnh vực của ngành...

Ngành y tế được đánh giá là một điểm sáng của Chính phủ trong thực hiện chuyển đổi số y tế. Bộ Y tế là 1 trong 2 bộ đưa 100% dịch vụ công cấp 4 lên môi trường mạng kết nối với cổng dịch vụ và cổng quốc gia; ứng dụng trí tuệ nhân tạo sử dụng hình ảnh Xquang phổi trong hỗ trợ chẩn đoán COVID-19; Việt Nam đi đầu trong ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác phòng, chống dịch COVID-19, như tờ khai y tế điện tử, ứng dụng truy vết Bluezone, bản đồ an toàn COVID-19, chẩn đoán điều trị COVID-19 từ xa...

Thái bình

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/oi-moi-manh-me-toan-dien-de-phuc-vu-nguoi-dan-tot-hon-n185669.html