Ôm laptop 6 tiếng ở quán cà phê TP.HCM để tiết kiệm tiền điện

Để trốn nắng nóng gay gắt ở TP.HCM, nhiều freelancer chọn quán cà phê, co-working space để làm việc. Một số cho rằng biện pháp này giúp tiết kiệm tiền điện.

Freelancer đồng loạt "đổ bộ" quán cà phê, workingspace khi nhiệt độ tại TP.HCM tăng cao. Ảnh minh họa: Phương Lâm.

Đúng 10h, Ngọc Uyên (26 tuổi, quận 7, TP.HCM) nhanh chóng rời khỏi căn phòng trọ 20 m2. Cô mặc áo chống nắng, đeo khẩu trang kín mít, dừng xe máy trước cửa quán cà phê gần nhà.

Từ khi thời tiết tại TP.HCM trở nên nắng nóng, freelancer 25 tuổi trở thành khách quen của quán nước này. Cô thường “cắm chốt” ở đây 6 tiếng/ngày, tiêu thụ trung bình 1-2 ly cà phê, tốn khoảng 80.000 đồng/ngày.

Giá điện ở căn hộ studio của Uyên tương đối cao, ở mức 4.000 đồng/kWh. Máy lạnh trong phòng cô thuộc loại cũ, có khả năng ngốn điện lớn. Nếu làm việc tại nhà, bật điều hòa 24/7, Ngọc Uyên phải trả đến 1,5 triệu đồng tiền điện/tháng, chưa kể chi phí dành cho thức uống giải khát gọi về.

“80.000 đồng/ngày ở quán cà phê bao gồm tiền nước uống, điều hòa, wifi. Đây là mức phí bằng 1/2 số tiền tôi phải bỏ ra nếu ôm laptop tại phòng trọ”, Uyên nói.

Quán cà phê trở thành điểm đến tránh nóng được nhiều freelancer tại TP.HCM lựa chọn. Ảnh minh họa: Phương Lâm.

Những ngày qua, TP.HCM và khu vực Nam Bộ liên tục nắng nóng gay gắt. Nhiệt độ cao nhất lên đến 38-39 độ C vào giữa trưa.

Là những người có không gian, thời gian làm việc linh hoạt, các nhân sự tự do loay hoay tìm kiếm địa điểm làm việc lý tưởng để vừa tránh nóng, vừa tiết kiệm tiền điện tại nhà. Quán cà phê hay khu co-working space đón nhiều khách hàng làm công việc freelance trong những ngày oi bức này.

Loay hoay tìm chỗ ‘ôm laptop’

Không đến quán cà phê giống Ngọc Uyên, Trí Dũng (27 tuổi, quận 4, TP.HCM) lựa chọn một co-working space (không gian làm việc chung cho thuê) gần nhà để tránh nóng. Freelancer lĩnh vực thiết kế này chung tiền với một số bạn bè làm công việc tự do khác để thuê một căn phòng với mức giá 100.000 đồng/giờ.

Trí Dũng thuê văn phòng làm việc cùng một số bạn bè làm công việc tự do.

Là nhân sự tự do, Trí Dũng xây dựng hệ thống máy tính, trang bị đầy đủ bàn phím, loa để làm việc tại nhà. Tuy nhiên, khi nhiệt độ TP.HCM lên đến mức 39 độ C, anh không thể thoải mái ngồi trước dàn máy móc trong căn phòng hướng Tây.

“Sau 12h, phòng trọ của tôi nóng như thiêu như đốt. Điều hòa chạy hết công suất cũng không ăn thua”, Dũng giải thích.

Hơn nữa, freelancer này cũng lo ngại việc sử dụng máy lạnh hết công suất với mục đích làm mát căn phòng dễ gây hư hại cho máy móc. Khi đó, chi phí sửa chữa có thể ngốn một khoản lớn, làm hao hụt ngân sách chi tiêu hàng tháng của anh.

Giải thích cho việc không “cắm rễ” ở cà phê như nhiều nhân sự tự do khác, Dũng cho biết ái ngại nếu chỉ gọi một cốc nước, nhưng không có đủ khả năng tài chính để trang trải 2-3 ly nước giải khát mỗi ngày.

Ngoài ra, Trí Dũng cũng lo không gian quán cà phê ồn ào, ảnh hưởng ít nhiều đến công việc của anh. Dù từng chọn quán cà phê dành riêng cho người làm việc, Dũng vẫn nhiều lần bị tiếng ồn đến từ các bàn xung quanh làm xao nhãng, song không tiện lên tiếng góp ý.

Không gian chuyên nghiệp của co-working space cũng giúp freelancer lĩnh vực thiết kế tự tin hơn khi thực hiện các cuộc họp online với đối tác, khách hàng, không cần dùng filter (lớp lọc tách nền) mỗi lần bật camera.

Trong khi đó, Đàm Dung (23 tuổi, quận Phú Nhuận, TP.HCM), nhân sự tự do hoạt động trong ngành công nghệ, lại đến nhà một người bạn thân để dùng ké điều hòa vào những ngày nắng nóng.

Dung cho biết bạn cô cũng là một freelancer, làm việc tại nhà cả ngày. Vì thế, cả 2 quyết định sử dụng chung một căn hộ vào ban ngày để chia sẻ hóa đơn tiền điện, cắt giảm khoản chi này.

Khi đặt đồ ăn, gọi đồ uống về nhà, Dung cũng có thể chia phí giao hàng với bạn, áp dụng mã giảm giá cho các đơn có giá trị lớn. Đây là điều mà cô không thể thực hiện nếu ở nhà một mình.

“Tôi và bạn dự định tiếp tục duy trì không gian làm việc chung này trong thời gian dài, nhận thấy nhiều lợi ích từ việc ‘góp gạo thổi cơm chung’”, Đàm Dung chia sẻ với Tri thức - ZNews.

Một số freelancer sử dụng chung nguồn điện để cắt giảm chi phí máy lạnh trong giai đoạn nóng cao điểm. Ảnh minh họa: Phương Lâm.

Khách tăng, doanh thu vẫn thế

Đoàn Hằng (30 tuổi), quản lý một khu co-working space tại TP Thủ Đức (TP.HCM), cho biết số lượng khách hàng của cô tăng khoảng 20% trong những ngày nắng nóng. Cơ sở của cô cung cấp 2 gói dịch vụ, bao gồm văn phòng trọn gói (cho 4-20 người) và ghế ngồi cá nhân.

Khi thời tiết trở nên oi bức, ghế ngồi cá nhân dành cho freelancer thường hết sớm. Vì vậy, Hằng khuyên các nhân sự tự do đặt trước ít nhất 2 ngày để đảm bảo có chỗ ngồi làm việc.

Dù có thể kê thêm một số ghế ngồi linh hoạt, cơ sở của Đoàn Hằng vẫn quyết định giữ nguyên số lượng chỗ ngồi, đảm bảo không gian thoải mái, thoáng đãng cho khách hàng làm việc.

“Nếu thêm ghế, thêm người, nhiệt độ trong các phòng có thể gia tăng. Như vậy, khách hàng sẽ không chọn co-working space của tôi làm điểm đến tránh nóng”, Hằng nói.

Trong những ngày nóng cao điểm, quản lý này cũng bổ sung quạt hơi nước, quạt mini để bàn, đồ uống giải khát. Trong khi quạt được cung cấp miễn phí, nước lạnh lại được bán ở máy bán hàng tự động đặt giữa sảnh.

Workingspace đón số lượng lớn nhân sự tự do trong những ngày nhiệt độ tăng cao. Ảnh minh họa: Phương Lâm.

Tương tự, Quỳnh Giang (29 tuổi), quản lý một quán cà phê tại quận 1 (TP.HCM), cũng chứng kiến số lượng khách hàng làm công việc freelance tăng trong giai đoạn nóng cao điểm. Họ thường chọn bàn rộng, cao, chỗ ngồi gần ổ điện khi đến quán.

Khi thời tiết mát mẻ, dễ chịu, thời gian lưu lại quán của nhóm khách này chỉ dao động trong khoảng 3-4 tiếng. Tuy nhiên, trong những ngày oi bức, họ dành đến 5-6 tiếng tại quán vì ngại di chuyển.

“Thay vì về nhà từ 18h, khách làm việc thường đứng lên sau 20h trong những ngày nắng gắt để tránh tắc đường, không muốn ‘chôn chân’ trên phố khi nhiệt độ chưa kịp giảm vào buổi tối”, Giang cho biết.

Tuy số lượng khách hàng tăng trong dịp này, doanh thu của quán cà phê do Quỳnh Giang quản lý không thay đổi nhiều. Thời gian ngồi tại quán của các nhân sự tự do kéo dài, trở thành lý do chính cho hiện trạng trên.

Song, Giang không bức xúc hay khó chịu với tình huống này. Cô cho rằng nhóm đối tượng này có khả năng cao trở thành người tiêu dùng trung thành, đến quán đều đặn vì thích không gian, dịch vụ hoặc đồ uống. Họ góp phần đem đến nguồn thu ổn định, đều đặn cho cơ sở kinh doanh này.

Linh Vũ

Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/om-laptop-6-tieng-o-quan-ca-phe-de-tron-nang-nong-tphcm-post1469848.html