Ðốm lửa nhỏ, nguy cơ lớn

Một điểm nóng mới ở Trung Ðông có nguy cơ bị thổi bùng sau các đợt không kích của Israel những ngày qua vào Syria và Lebanon nhằm các mục tiêu của Iran và lực lượng được Tehran hậu thuẫn. Cả Lebanon và Iran đều phản đối mạnh mẽ các vụ tiến công, cho rằng Israel đã chạm 'giới hạn đỏ' khi các vụ không kích được coi như 'lời tuyên chiến'.

Một điểm nóng mới ở Trung Ðông có nguy cơ bị thổi bùng sau các đợt không kích của Israel những ngày qua vào Syria và Lebanon nhằm các mục tiêu của Iran và lực lượng được Tehran hậu thuẫn. Cả Lebanon và Iran đều phản đối mạnh mẽ các vụ tiến công, cho rằng Israel đã chạm "giới hạn đỏ" khi các vụ không kích được coi như "lời tuyên chiến".

Tình hình khu vực biên giới giữa Syria và Israel "nóng" lên sau khi Chính phủ Syria thông báo đã bắn hạ nhiều tên lửa của Israel được phóng đi từ phía cao nguyên Gô-lan vào khu vực gần thủ đô Ða-mát. Hệ thống phòng không Syria ngay lập tức đáp trả và tiêu diệt phần lớn tên lửa của Israel sau loạt vụ không kích được xuất phát từ vùng lãnh thổ tranh chấp giữa hai bên. Quân đội Israel cũng thừa nhận đã tiến công bằng máy bay không người lái được trang bị chất nổ vào Syria nhằm ngăn chặn hành động của lực lượng Iran tại đây. Một loạt mục tiêu của nhóm Quds và lực lượng dân quân người Hồi giáo dòng Si-ít được Iran hậu thuẫn tại Ác-ra-ba, phía đông - nam Ða-mát, nằm trong tầm ngắm của các lực lượng Israel.

Cả Iran và Israel đều công khai mối quan hệ đối địch. Israel luôn coi Iran là "mối đe dọa an ninh" đối với Nhà nước Do thái, đồng minh chiến lược của Mỹ ở khu vực. Iran luôn cảnh báo đáp trả các động thái leo thang quân sự từ phía Israel. Kể từ khi bùng phát cuộc xung đột tại Syria năm 2011, Israel đã tiến hành hàng trăm vụ không kích vào quốc gia Trung Ðông này, với mục tiêu được công bố là các lực lượng của Iran và Phong trào vũ trang Hezobllah ở Lebanon. Sau loạt vụ không kích vừa qua, Iran tuyên bố mạnh mẽ rằng, đây sẽ là cuộc tiến công cuối cùng của Israel.

Cùng thời điểm xảy ra các vụ tiến công ở Syria, quân đội Lebanon thông báo hai máy bay không người lái của Israel rơi xuống lãnh thổ Lebanon, tại khu vực ngoại ô phía nam thủ đô Beirus, nơi lực lượng Hezobllah kiểm soát. Phong trào này cũng cho biết, một máy bay phát nổ khi rơi xuống gần vị trí trung tâm thông tin của Hezobllah ở ngoại ô Beirus, gây một số thiệt hại. Thủ tướng Lebanon S.Hariri lên án việc Israel điều máy bay không người lái tới phía nam Beirus, coi đây là hành động tiến công "trắng trợn" vào chủ quyền của Lebanon, đe dọa sự ổn định khu vực và cố tình đẩy căng thẳng lên nấc thang mới. Nhà lãnh đạo Lebanon cũng cáo buộc, vụ việc này vi phạm Nghị quyết 1701 của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, vốn đã giúp chấm dứt cuộc chiến giữa Israel và lực lượng Hezobllah năm 2006. Nghị quyết này cấm sử dụng các vũ khí giữa khu vực sông Li-ta-ni ở miền nam Lebanon và vùng biên giới do Liên hợp quốc giám sát giữa Israel và Lebanon.

Mặc dù Israel giữ im lặng và chưa có động thái thừa nhận đứng sau các cuộc tiến công nêu trên vào lãnh thổ của Lebanon, song lực lượng Hezobllah gọi đây là cuộc tiến công đầu tiên của Israel vào bên trong lãnh thổ nước láng giềng kể từ cuộc chiến tranh năm 2006. Phong trào này cảnh báo lực lượng Israel ở biên giới chuẩn bị hứng chịu đòn đáp trả. Thủ lĩnh Hezobllah khẳng định, các cuộc tiến công bằng máy bay không người lái của Israel đã dẫn tới "một giai đoạn mới" trong mối quan hệ đối địch giữa phong trào này và Israel. Tổng thống Lebanon M.Aoun khẳng định, quốc gia này có quyền tự vệ. Văn phòng Tổng thống Lebanon dẫn lời ông cho rằng, các sự việc xảy ra giống như một lời tuyên chiến khiến Lebanon phải dùng tới quyền bảo vệ lãnh thổ. Tổng thống M.Aoun đã thảo luận với Ðiều phối viên đặc biệt của Liên hợp quốc tại Lebanon về cuộc tiến công mới nhất của Israel. Thủ tướng Lebanon S.Hariri cũng triệu tập cuộc họp riêng với các Bộ trưởng Nội vụ và Quốc phòng để thảo luận về các vấn đề an ninh khẩn cấp và bàn biện pháp đối phó.

Hiện Mỹ là nước làm trung gian hòa giải về tranh chấp biên giới giữa Israel và Lebanon. Giữa hai nước láng giềng này tồn tại bất đồng liên quan "ranh giới xanh" - giới tuyến giữa Israel và Lebanon do Liên hợp quốc phân định năm 2000 sau khi Israel rút quân khỏi miền nam Lebanon. Trong bối cảnh các cuộc đàm phán nhằm giải quyết tranh chấp giữa hai bên vẫn chưa có kết quả, hành động quân sự của Israel ở hai quốc gia láng giềng đã khuấy động lên những căng thẳng mới.

Khu vực Trung Ðông vốn đang đứng trước nguy cơ bùng phát xung đột và bất ổn bởi cuộc đối đầu Mỹ-Iran. Bởi thế, căng thẳng ở biên giới giữa Israel với các quốc gia láng giềng có thể cho chỉ là những "đốm lửa nhỏ", song có nguy cơ làm nóng thêm tình hình ở khu vực.

HÀ ANH

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/thegioi/binh-luan-quoc-te/item/41362002-%C3%B0om-lua-nho-nguy-co-lon.html