Ồn ào vì Mr. Đàm ký tên vào tranh: Bài học về cách hành xử với nghệ thuật

Theo Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam, việc ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng và Lệ Quyên 'hồn nhiên' ký tên lên tác phẩm hội họa và bị ném 'gạch đá' từ dư luận là bài học sâu sắc về cách ứng xử đối với nghệ thuật.

Hình ảnh Lệ Quyên ký tên lên bức tranh.

Hồn nhiên quá thành ... vô duyên

Đêm quyên góp từ thiện vừa mới diễn ra ở một phòng trà nổi tiếng tại Thành phố Hồ Chí Minh của Lệ Quyên Đàm Vĩnh Hưng, lẽ ra đã truyền đi được bức thông điệp ấm áp về tình nghệ sĩ.

Tuy nhiên, sự việc hai ca sỹ này cùng ký tên vào một bức tranh nổi tiếng đã khiến một sự kiện đáng quý rơi vào những tranh cãi không đáng.

Bức tranh bị Đàm Vĩnh Hưng, Lệ Quyên ký tên do họa sĩ Hứa Thanh Bình sáng tác với tên gọi là Advancement. Người mua lại và đề nghị hai ca sỹ ký tên lên tác phẩm hội họa trong đêm quyên góp từ thiện là doanh nhân Nguyễn Mạnh Hà, chủ tịch HĐQT công ty BĐS Lộc Sơn Hà và Think Big Group.

Mới đây, ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng đã lên tiếng xin lỗi công chúng về sự việc. Anh cho hay, đã ký tên theo yêu cầu của doanh nhân Nguyễn Mạnh Hà lên bức tranh. Dù vậy, lời xin lỗi của anh vẫn chưa đủ xoa dịu những bình luận gay gắt từ mạng xã hội.

Họa sĩ Trần Khánh Chương - Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam cho rằng, chữ ký của bất kỳ ai ngoài tác giả đều làm bức tranh bị hỏng.

“Ca sĩ dù có nổi tiếng đến mấy cũng không được phép ký tên vào bề mặt tác phẩm nghệ thuật bởi làm như thế là phá hỏng bố cục tác phẩm, không tôn trọng tác giả. Đối với một tác phẩm hội họa, xưa nay chỉ có tác giả mới có quyền được ký.

Chữ ký phải phù hợp với bức tranh. Một tác phẩm hội họa đều có thể đẹp lên hay xấu đi vì chữ ký của tác giả. Bởi chữ ký đó không chỉ khẳng định "nguồn gốc" mà còn là một phần bố cục không thể tách rời. Còn việc ai đó tùy tiện ký tên mình đều là hành vi phi nghệ thuật", ông nhấn mạnh.

Họa sĩ Trần Khánh Chương.

Họa sĩ Trần Khánh Chương nhấn mạnh, lỗi của các nghệ sĩ là hồn nhiên quá thành vô duyên và thiếu kiến thức lẫn nhận thức về hội họa.

Theo ông, nếu có ký thì cũng chỉ nên ký ở mặt sau của bức tranh thay vì ký ở mặt trước. Một tác phẩm hội họa không có gì hơn ngoài việc tôn vinh hội họa chứ không phải là sức ảnh hưởng, sự thể hiện của một cá nhân nào đó, dù có là nghệ sĩ nổi tiếng đến cỡ nào.

Ông cũng cho hay, đây là bài học cho cả những người chơi tranh và các nghệ sĩ: "Trong sự việc này, người mua lại bức tranh cũng rất đáng bị lên án. Kể cả khi đã mua tác phẩm hội họa đó thì người sở hữu chỉ có quyền về mặt tài sản chứ không được can thiệp về mặt nội dung nghệ thuật. Việc ký tên một người không liên quan đến tác phẩm sẽ dẫn đến những hệ lụy về sau như việc nhầm lẫn tác giả của bức tranh", họa sĩ Khánh Chương nói.

Chuyện cũ về lời từ chối của danh họa Bùi Xuân Phái

Về câu chuyện gây tranh cãi này, họa sĩ Bùi Thanh Phương, con trai cố họa sĩ Bùi Xuân Phái bày tỏ sự ngạc nhiên vì chưa từng gặp trường hợp nào tương tự và viện dẫn câu chuyện về cha mình:

"Một hôm, có ông khách nhà giàu muốn đặt cho mình một bức chân dung bèn đem đến xưởng vẽ của Bùi Xuân Phái một bức tranh. Bức tranh này có thể đã làm ông khách không còn thích nữa và muốn tiết kiệm tiền mua toan mới nên muốn dùng nó vẽ đè lên. Nhưng Bùi Xuân Phái lắc đầu từ chối, không nhận lời đặt hàng của khách.

Ông nói: "Đây là đứa con tinh thần của một họa sĩ nào đó, nếu bức tranh không còn làm ông thích nữa thì ông nên tặng lại cho người khác hoặc cất đi. Tự ý vẽ đè lên tác phẩm của người khác là không nên và không một ai ngoài chính tác giả của nó có cái quyền đó".

Theo họa sĩ Bùi Thanh Phương, có thể các nghệ sĩ như Đàm Vĩnh Hưng, Lệ Quyên chưa ý thức được việc ký tên trên một tác phẩm hội họa sẽ làm thay đổi giá trị và ý nghĩa của bức tranh.“Chỉ nên ký tên tác giả và đó là chữ ký duy nhất chỉ nên có đối với một tác phẩm hội họa”, ông Phương chia sẻ.

Đào Bích

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/van-hoa/on-ao-vi-mr-dam-ky-ten-vao-tranh-bai-hoc-ve-cach-hanh-xu-voi-nghe-thuat-636181.ldo