Ðòn bẩy cho sự phát triển

Tại buổi làm việc với lãnh đạo 8 tỉnh, thành phố vùng kinh tế trọng điểm phía Nam vào cuối tháng 5 vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh đến việc đầu tư, kết nối giao thông tạo xương sống cho sự phát triển tương xứng với tiềm năng và thế mạnh của vùng.

Trong những năm qua, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam luôn được đánh giá là khu vực năng động, đầu tàu trong phát triển kinh tế, xã hội và đóng góp tới 42% tổng thu ngân sách cả nước. Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, sự phát triển của vùng đang có dấu hiệu chậm lại. Nhiều ngành kinh tế mũi nhọn giảm mạnh, dẫn đến kim ngạch và giá trị xuất khẩu cũng suy giảm so với những năm trước. Đặc biệt, tình trạng quá tải về cơ sở hạ tầng, sự liên kết giao thông của vùng còn yếu, chưa đồng bộ,... đang là “rào cản” đối với sự phát triển của các tỉnh, thành trong toàn vùng. Cũng vì hạ tầng giao thông chưa hoàn thiện nên nhiều tỉnh, thành trong vùng đã vuột mất cơ hội đón các nhà đầu tư, các tập đoàn lớn, doanh nghiệp hàng đầu thế giới đến hợp tác làm ăn.

Đặc biệt, do sự liên kết về giao thông còn lỏng lẻo nên nhiều tỉnh chưa phát huy tiềm năng, thế mạnh của mình để vươn lên trong phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao đời sống nhân dân. Ví như Bình Phước, là tỉnh có rất nhiều thế mạnh về sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, chăn nuôi đại gia súc, gia cầm, công nghiệp chế biến nông sản, sản xuất vật liệu xây dựng, chế tạo máy... và du lịch. Tuy nhiên, do đặc thù của tỉnh vùng sâu, xa, vùng biên giới có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống; cơ sở hạ tầng yếu kém, xa sân bay, bến cảng... nên sự phát triển về kinh tế, xã hội của Bình Phước chưa đạt được kết quả như kỳ vọng. Chính những hạn chế này đã làm cho không ít nhà đầu tư, doanh nghiệp e ngại khi đến tìm hiểu cơ hội hợp tác ở tỉnh ta. Để tạo động lực, thúc đẩy sự phát triển, những năm qua Bình Phước đã tranh thủ phát huy nội lực kết hợp với sự hỗ trợ từ các bộ, ngành, tỉnh, thành trong cả nước đầu tư xây dựng hệ thống giao thông. Nhờ đó, hệ thống giao thông ở Bình Phước hiện ngày một hoàn thiện, tỷ lệ đường bê tông xi măng, đường nhựa ngày một tăng; 100% xã trong toàn tỉnh đã có đường nhựa về tận trung tâm. Tuy vậy, sự liên kết giao thông giữa Bình Phước với các địa phương trong vùng còn nhiều hạn chế nên hoạt động thu hút đầu tư, phát triển của tỉnh còn nhiều khó khăn. Trong khi đó, Bình Phước ở vị trí chiến lược nối liền Tây Nguyên với vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, có Cửa khẩu quốc tế Hoa Lư, có đường bộ xuyên 3 nước Đông Dương, có vựa nguyên liệu phong phú...

Vì vậy, ngoài việc Chính phủ sớm ban hành những cơ chế, chính sách đặc thù để phát triển các vùng kinh tế trọng điểm thì vấn đề đầu tư hạ tầng và kết nối giao thông phải được ưu tiên hàng đầu. Đặc biệt, đối với vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, đầu tư hạ tầng và kết nối giao thông chính là xương sống cho sự phát triển, là yếu tố cốt lõi để tiếp tục giữ vững vị trí đầu tàu của cả nước. Bởi vùng kinh tế trọng điểm phía Nam không chỉ tứ giác phát triển TP. Hồ Chí Minh - Bình Dương - Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu, mà còn các tỉnh đầy tiềm năng như Bình Phước, Tây Ninh, Long An và Tiền Giang. Nếu được đầu tư, hình thành sự kết nối về giao thông, các tỉnh này sẽ có thêm nhiều cơ hội “cất cánh” bắt kịp nhịp độ phát triển của cả nước trong thời kỳ hội nhập.

Tấn Phong

Nguồn Bình Phước: http://baobinhphuoc.com.vn/content/don-bay-cho-su-phat-trien-36159