Ôn cố tri tân: Phong trào Cần Vương và cái nhìn thời đại

Nhà sử học nổi tiếng người Pháp Charles Fourniau, là bạn thân của Chủ tịch Hồ Chí Minh, gần như cả đời nghiên cứu về Cần Vương và các phong trào cách mạng cận đại Việt Nam, đã viết: 'Phong trào Cần Vương là bước khởi đầu của các phong trào giải phóng dân tộc ở Việt Nam thời kỳ cận đại, tạo điểm mốc cho sự tiến triển của lịch sử Việt Nam. Cuộc kháng chiến quyết liệt và có uy tín của phong trào này là khuôn thước quan trọng để từ đó đào luyện nên những lớp người kế tục cuộc chiến đấu sau này'. Đây là một cái nhìn thật sâu sắc và toàn diện của một nhà sử học nước ngoài.

Phong trào Cần Vương nổ ra vào cuối thế kỷ XIX. Tháng 7/1885, Vua Hàm Nghi làm cuộc binh biến, bị thất bại, đã rút ra sơn phòng Quảng Trị, hạ chiếu Cần Vương kêu gọi cả nước đứng lên chống Pháp. Cần Vương, nghĩa là phò vua, hết lòng vì vua. Từ đó phong trào này đã nổi lên khắp nơi trong cả nước.

Cần Vương có hai giai đoạn: “Tiền Cần Vương” và “Hậu Cần Vương”. Cuộc kháng chiến của nhân dân ta mấy năm liền trên bán đảo Sơn Trà, Đà Nẵng, từ 1858, đã khiến cho liên quân Pháp - Tây Ban Nha thất bại, phải chuyển sang kế hoạch “gặm nhấm” Nam kỳ và Bắc kỳ theo kiểu “tằm ăn lá dâu”. Những cuộc kháng chiến của Trương Định, Nguyễn Trung Trực, Thủ Khoa Huân ở Nam bộ, của Trần Văn Dư, Nguyễn Duy Hiệu ở Quảng Nam, Đà Nẵng, của Nguyễn Tri Phương, Hoàng Diệu, Nguyễn Quang Bích, Nguyễn Thiện Thuật, Nguyễn Văn Giáp ở Bắc kỳ, diễn ra trước ngày kinh đô Huế thất thủ, đều là những hoạt động Tiền Cần Vương. Khi các phong trào này thất bại, những người tiếp nối như Phan Bội Châu, Lương Văn Can, Lương Ngọc Quyến, Đội Cấn… đến Nguyễn Thái Học, Phó Đức Chính, Xứ Nhu, Ngô Quang Đoan… chính là nối tiếp, mà ta có thể gọi Hậu Cần Vương.

Ngót 100 năm thực dân Pháp xâm lược và đô hộ nước ta, nhưng chưa có khi nào chúng được ăn ngon ngủ yên. Toàn quyền Merlin có lần suýt chết vì tạc đạn của Phạm Hồng Thái… Tính ra đã có hàng trăm cuộc khởi nghĩa lớn nhỏ trên khắp các miền Bắc, Trung, Nam.

Charles Fourniau viết: “Dù những vấn đề này thuộc về dĩ vãng, truyền thống của dân tộc Việt Nam vẫn tồn tại và kế tục, thể hiện qua các cuộc đấu tranh. Nhà sử học ở thời đại ngày nay kinh ngạc bởi sự giống nhau trên nhiều phương diện giữa cuộc kháng chiến của Việt Nam thời kỳ các văn thân và thời kỳ hiện đại mà dân tộc Việt Nam tiến hành thắng lợi… Và có lẽ, cũng là một bài học đơn giản, sự giống nhau nếu so sánh cuộc chiến đấu cuối thế kỷ XIX với cuộc Kháng chiến ngày nay của Chủ tịch Hồ Chí Minh” (Trích báo cáo ở Đại hội những nhà Đông Dương học, Paris, tháng 7/1973).

Nhà văn, nhà triết học nổi tiếng người Mỹ, Giáo sư James C. Wilhelm, đã từng nghiên cứu lịch sử Việt Nam và viết về Nguyễn Quang Bích, một lãnh tụ của phong trào Cần Vương như sau: “Ngài là một vị tướng nổi tiếng và là tầm một anh hùng thế giới, bởi ngài tiêu biểu cho ý chí chống chủ nghĩa thực dân xâm lược. Ngài cũng là một đại trí thức, vị tiến sĩ Đình Nguyên, đã từng là tế tửu Quốc Tử Giám, đại học đầu tiên của Việt Nam.

Trong sự khiêm cung, tôi xin trích đoạn thư của ngài trả lời dụ hàng của người Pháp, mà tôi cho rằng đó là áng văn chương tiêu biểu của ngài: “Nếu mà thắng mà sống thì là nghĩa sĩ của triều đình, chẳng may mà thua mà chết cũng làm quỷ thiêng giết giặc! Thà chịu tội với quý quốc, quyết không chịu tội với vua nhà; thà chịu tội với nhất thời, quyết không mắc tội với vạn thế”. Vị giáo sư người Mỹ kết luận: Trong lịch sử chống xâm lăng từ các nước phương Tây với các nước châu Á, châu Phi, đã xuất hiện ở Việt Nam một câu nói đầy khí phách, hùng tráng và có tầm văn hóa cao đến thế!”.

Nhà sử học Việt Nam, cố giáo sư Đinh Xuân Lâm, viết: “Lịch sử đấu tranh hào hùng của dân tộc đã chứng minh rằng, những người văn thân, sĩ phu cuối thế kỷ XIX, trên cơ sở một tinh thần yêu nước chân thành và nồng nhiệt, đã mạnh dạn và hăng hái phấn đấu cho sự nghiệp cứu nước. Có thể khẳng định rằng trong sự nghiệp phát triển liên tục và mạnh mẽ của những phong trào yêu nước cách mạng của nước ta dẫn tới sự thành lập chính đảng vô sản đầu năm 1930, mở ra một thời kỳ mới của cách mạng Việt Nam, đã có sự đóng góp tích cực không thể thiếu được của thế hệ sĩ phu, văn thân yêu nước chống Pháp cuối thế kỷ XIX, trong đó Ngô Quang Bích là một trong những người tiêu biểu nhất, là một trong những khuôn mặt đẹp đẽ nhất”.

Trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, viện sĩ Trần Huy Liệu và giáo sư Trần Văn Giàu đã để nhiều tâm huyết nghiên cứu phong trào Cần Vương và để lại những công trình đáng suy ngẫm. Nhưng do hoàn cảnh chiến tranh ác liệt lúc đó, các công trình cũng mới để yên để đấy... Ngày nay, rất ít người nghiên cứu về giai đoạn này. Nghĩa Lộ và Yên Bái xưa là một trong những trung tâm của phong trào Cần Vương, một địa bàn đã chuẩn bị cho việc đón vua Hàm Nghi ra Bắc để chỉ đạo phong trào toàn quốc chống Pháp với những nhân vật lịch sử như Nguyễn Quang Bích, Nguyễn Văn Giáp, Sa Văn Nội, Cầm Bun Hoan, Vương Văn Doãn, Giàng Nủ Klau, Đổng Phúc Thịnh, Đặng Văn Thành, Lãnh Năm, Lãnh Tế, Nông Văn Quang... Nay hỏi đến, chẳng còn mấy ai nhớ đến nữa…

Trong hội thảo về phong trào Cần Vương năm 2011 tại Việt Trì, Phú Thọ, có học giả nêu rằng: “Giả dụ thời đó không có phong trào Cần Vương, quân xâm lược đi đến đâu ta đầu hàng đến đó thì chắc chắn đất nước này không có Chiến thắng Điện Biên Phủ, không có chiến thắng Mùa xuân 1975 lịch sử!”.

Về khoa học lịch sử, chưa có công trình nghiên cứu ở tầm quốc gia một cách toàn diện và khoa học. Cũng chưa có những hội thảo lớn để đánh giá toàn diện về phong trào Cần Vương. Chỉ mới có mấy hội thảo nhỏ về một số nhân vật lịch sử, chủ yếu do nội tộc, dòng họ phối hợp với các cơ quan nghiên cứu tổ chức mà thôi. Việc đặt tên phố các nhân vật trong phong trào Cần Vương chưa được quan tâm đúng mức, chưa có tên, hoặc có nhưng phố quá nhỏ bé, ví dụ như phố Nguyễn Quang Bích hay phố Nguyễn Thiện Thuật, Nguyễn Cao, Vũ Hữu Lợi… Về sách, cũng chưa có một cuốn sách nào xứng tầm lịch sử…

Chúng ta tự hào về phong trào Cần Vương oai hùng với những con người dám đứng lên chống giặc thuộc phái “chủ chiến” mà tiêu biểu là Tôn Thất Thuyết, Nguyễn Quang Bích, Tống Duy Tân, Phan Đình Phùng, Nguyễn Tri Phương, Hoàng Diệu, Phạm Văn Nghị, Nguyễn Thiện Thuật, Nguyễn Cao, Vũ Hữu Lợi… Đối lập với những con người này là một dạng “phản Cần Vương”. Đó là phái “chủ hòa” trong triều đình với những quan lại như Nguyễn Hữu Độ, Hoàng Cao Khải, Lê Hoan, Trần Bá Lộc…

Khi liên quân Pháp - Tây Ban Nha đánh vào Đà Nẵng, Tổng đốc Trần Hoằng đã lệnh cho quân sĩ không được nổ súng nên bị thất bại, vua Tự Đức liền cách chức và ngay lập tức cử Lê Đình Lý và Nguyễn Tri Phương ra thọ địch. Họ đã đánh bại nhiều đợt quân giặc tiến sâu vào Đã Nẵng, khiến giặc chết hơn ngàn tên cùng một đại tá bỏ mạng, phải bỏ kế hoạch đánh kinh thành Huế… Đến sau này, khi để mất thành Hà Nội và Sơn Tây, vua Tự Đức đã đàn hặc tướng Hoàng Kế Viêm, lệnh cho “trảm giam hậu”.

Sau khi Tự Đức mất, nhà Nguyễn đầu hàng, ký hiệp ước Giáp Thân (Patenôtre), chính do phái “chủ hòa” quá đông trong triều đình. Hiệp ước này do đám quan lại ươn hèn thảo ra chứ vua Kiến Phúc lúc đó 14 tuối, là đứa trẻ mới dựng lên được vài tháng sau cái chết của Tự Đức thì biết gì. Từ đó dẫn đến cái họa mất nước và ngót trăm năm nô lệ!

Thời đại ngày nay, chúng ta nhớ đến phong trào Cần Vương, có lẽ một bài học lớn nhất được nêu lên cho mọi thời đại là: “Hãy tin vào dân, hãy đi với dân, dựa vào dân và đừng hèn với giặc. Hèn với giặc là để mất nước!”.

Hà Nội, tháng 11/2019

Ngô Quang Nam

Nguồn Vietnam Finance: https://vietnamfinance.vn/on-co-tri-tan-phong-trao-can-vuong-va-cai-nhin-thoi-dai-20180504224233880.htm