Ổn định đời sống cho người dân trong vùng mỏ sắt Thạch Khê

Trong khi số phận của dự án khai thác và tuyển quặng mỏ Thạch Khê (dự án mỏ sắt Thạch Khê) vẫn chưa được định đoạt là nên dừng hay tiếp tục sau hơn 12 năm đắp chiếu, thì tỉnh Hà Tĩnh đang cùng lúc phải đối mặt với thách thức lớn khi vừa phải chăm lo, ổn định đời sống cho người dân các xã bị ảnh hưởng, vừa xử lý kiến nghị của doanh nghiệp khi yêu cầu địa phương phải bồi thường thiệt hại.

Liên quan đến dự án mỏ sắt Thạch Khê, trước việc tỉnh Hà Tĩnh liên tục có các kiến nghị, đề xuất Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương chấm dứt dự án, gần đây các nhà đầu tư đã có động thái yêu cầu địa phương xem xét, bồi thường kinh phí liên quan đến quá trình đã đầu tư trong trường hợp dự án chấm dứt hoạt động.

Cụ thể, ngày 5/12/2023, Công ty CP Đầu tư thương mại và Khai thác khoáng sản Thăng Long, trụ sở tại TP Hà Nội đã có văn bản gửi UBND tỉnh Hà Tĩnh để kiến nghị, yêu cầu bồi hoàn các khoản chi phí cho công ty trong trường hợp Bộ Chính trị và Chính phủ chấm dứt hoạt động dự án mỏ sắt Thạch Khê. Vấn đề này, theo Tỉnh ủy Hà Tĩnh, hiện nay phương án xử lý đối với dự án đang được Thường trực Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các bộ, ban, ngành Trung ương hoàn thiện hồ sơ dự án để báo cáo Ban Cán sự Đảng Chính phủ xem xét, trình Bộ Chính trị về chủ trương dự án. Sau khi có chủ trương từ Bộ Chính trị về việc dừng hay tiếp tục dự án, tỉnh Hà Tĩnh sẽ phối hợp với các nhà đầu tư để xử lý các nội dung liên quan.

Hiện trạng moong mỏ sắt Thạch Khê sau hơn 12 năm bị dừng khai thác.

Trước đó, Công ty CP Sắt Thạch Khê (TIC) cũng đã có văn bản gửi UBND tỉnh Hà Tĩnh, đề nghị xử lý những tồn tại, vướng mắc trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng (GPMB), giao đất đối với khu đất đã được tỉnh Hà Tĩnh cho Công ty thuê từ năm 2016 nhưng đến nay vẫn chưa xử lý xong các vướng mắc liên quan. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Nguyễn Hồng Lĩnh cho rằng, đây là việc quan trọng, cần phải thống nhất và có phương án xử lý cụ thể đối với các nội dung liên quan theo đúng quy định, tránh hệ lụy về sau. Do vậy, hiện nay UBND tỉnh Hà Tĩnh đang giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, thống nhất với các sở, ngành, đơn vị, địa phương và các đơn vị liên quan, nghiên cứu, làm rõ cơ sở pháp lý, tổng hợp, tham mưu, đề xuất phương án xử lý theo đúng quy định của pháp luật và đúng quy chế làm việc, đảm bảo không làm ảnh hưởng đến lợi ích của Nhà nước, doanh nghiệp và người dân, không để ảnh hưởng, hệ lụy và xảy ra khiếu kiện hành chính. Trong một diễn biến khác, từ tháng 3/2023, Hà Tĩnh cũng đã hoàn tất việc chuyển giao Đảng bộ Công ty CP Sắt Thạch Khê thuộc Đảng bộ Khối CQ&DN tỉnh Hà Tĩnh về trực thuộc Đảng bộ Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin).

Dự án mỏ Thạch Khê do Công ty CP Sắt Thạch Khê, thuộc Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam làm chủ đầu tư. Dự án nằm trên địa phận 5 xã vùng bãi ngang thuộc huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh với tổng diện tích 4.821ha, bao gồm 3.898ha trong đất liền và 923ha lấn biển. Với trữ lượng khoảng 544 triệu tấn, dự án được đánh giá là mỏ sắt lớn nhất Đông Nam Á. Tổng mức đầu tư sau điều chỉnh là 14.517,2 tỷ đồng. Tính đến tháng 7/2011, dự án đã đào hơn 12,7 triệu m3, với diện tích khoảng 80ha đến độ sâu -34m so với mực nước biển. Công ty đã thu hồi 3.000 tấn quặng, tổng chi phí đầu tư vào dự án đến nay ước tính khoảng 2.000 tỷ đồng.

Quá trình triển khai đã xảy ra nhiều bất cập, tồn tại nên ngày 11/7/2011, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành thông báo yêu cầu chủ đầu tư đã dừng bóc đất tầng phủ mỏ sắt Thạch Khê. Từ đó đến nay, dự án vẫn chưa khởi động trở lại. Từ năm 2016 đến nay, qua nghiên cứu hồ sơ dự án và thực tiễn trong thi công bóc đất tầng phủ, nhận thấy còn có nhiều bất cập, tiềm ẩn nhiều nguy cơ, hệ lụy nên tỉnh Hà Tĩnh đã có nhiều văn bản báo cáo gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sớm xem xét chấm dứt dự án vì những lo ngại, tiềm ẩn rủi ro, hệ lụy lớn có thể xảy ra.

Sau hơn 12 năm tạm dừng, dự án khai thác và tuyển quặng mỏ Thạch Khê đã để lại nhiều hệ lụy, khó khăn về kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh cho các xã vùng ảnh hưởng trực tiếp. Trong đó, diện tích sản xuất nông nghiệp bị bỏ hoang vì thiếu nước do ảnh hưởng của dự án là 74,9ha. Quá trình thăm dò khai thác mỏ sắt, một số diện tích trên đất hoa màu đã bị hoang mạc hóa không thể sản xuất được, nguồn nước tưới cho nhiều vùng không đảm bảo, đặc biệt là các vùng trong khu vực khai thác. Riêng 8 thôn thuộc xã Thạch Khê và một vùng của xã Đỉnh Bàn có trên 150ha bị hoang hóa vì cát vùi, khô hạn do không chủ động được nguồn nước tưới. Một số vùng khác vào mùa mưa lũ gây ngập úng do nguồn nước vùng moong mỏ đổ về.

Từ năm 2011 đến nay, hàng trăm hộ dân trong vùng quy hoạch của dự án không được phép xây dựng mới nhà ở, người dân cũng không được cấp đất ở để tách hộ. Nhiều gia đình bị thu hồi hết đất sản xuất, trong khi chưa có phương án tái định cư, chưa chuyển đổi được nghề nghiệp. Tính đến nay, nhu cầu cấp đất ở, tách hộ của người dân các xã vùng dự án là 892 hộ với hơn 3.000 nhân khẩu, có gia đình con cái đã trưởng thành nhưng không thể tách hộ vì không được cấp đất. Nhiều hộ 3 - 4 thế hệ trong một nhà. Bên cạnh đó, nhiều công trình phục vụ công tác di dân, tái định cư, giải phóng mặt bằng còn dang dở; một số hạ tầng các khu tái định cư xây dựng xong, các hộ dân đã vào ở nhưng không có nước sạch sinh hoạt. Đến nay, nhiều khu vực đất đai, tài sản, mồ mả mặc dù đã được kiểm đếm nhưng người dân vẫn chưa được bồi thường, hỗ trợ.

Từ tháng 6/2011, để giảm bớt khó khăn cho người dân, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã có văn bản đề xuất và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển bền vững kinh tế - xã hội các xã chịu ảnh hưởng dự án khai thác mỏ sắt Thạch Khê (Đề án 946) tại Quyết định số 946/QĐ-TTg ngày 21/6/2011, với tổng mức đầu tư khoảng 1.677 tỷ đồng. Theo báo cáo của UBND tỉnh Hà Tĩnh, đến nay tổng nguồn vốn đã bố trí thực hiện Đề án đạt trên 495 tỷ đồng. Ngoài ra, trong thời gian qua tỉnh Hà Tĩnh cũng đã cho phép huyện Thạch Hà phối hợp với các sở, ngành nghiên cứu, đề xuất đầu tư xây dựng một số cơ sở hạ tầng thiết yếu như hạ tầng tái định cư và cải tạo trụ sở các xã đã xuống cấp, đồng thời có chính sách hỗ trợ các xã nằm trong vùng quy hoạch dự án.

Đến nay, Hà Tĩnh đã triển khai đầu tư và đưa vào sử dụng các công trình mạng lưới cấp nước xã Thạch Khê; nâng cấp hệ thống cấp nước sạch xã Đỉnh Bàn và xây dựng công trình cấp nước cho 60 hộ dân có nguồn nước bị nhiễm mặn tại thôn Đại Tiến, xã Thạch Trị. Mặc dù vậy, trong khi chưa có quyết định về việc tiếp tục hay dừng dự án nên chưa thể có các giải pháp đồng bộ và hiệu quả để khắc phục khó khăn, giải quyết được rốt ráo nhu cầu chính đáng của người dân.

Theo đại diện lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh, địa phương này vẫn giữ nguyên quan điểm đề xuất cấp trên xem xét chấm dứt dự án. Việc không tiếp tục khai thác dự án sẽ đảm bảo được vấn đề môi trường, nhất là môi trường dọc dải ven biển miền Trung; sẽ không đặt ra các vấn đề rủi ro, hệ lụy về môi trường, thảm họa thiên tai có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của nhân dân, môi trường đầu tư, môi trường biển, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Nếu dự án không tiếp tục triển khai, tỉnh Hà Tĩnh sẽ có có điều kiện sử dụng, phát huy hiệu quả thế mạnh về phát triển kinh tế biển, du lịch biển; đồng thời, có phương án bảo vệ nguồn tài nguyên quý giá của đất nước đến khi đủ điều kiện về khoa học, công nghệ, nguồn lực để khai thác một cách an toàn và đảm bảo hiệu quả kinh tế - xã hội - môi trường, thực hiện đúng chủ trương phát triển bền vững.

Thiên Thảo

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/dieu-tra-theo-don-ban-doc/on-dinh-doi-song-cho-nguoi-dan-trong-vung-mo-sat-thach-khe-i725497/