Ổn định kinh tế vĩ mô và bảo đảm an sinh xã hội

LTS- Tại diễn đàn QH, những vấn đề kinh tế - xã hội luôn thu hút sự quan tâm thảo luận của nhiều đại biểu QH. Trong phiên họp hôm qua (27-5), các đại biểu QH thảo luận tại Hội trường về báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước năm 2009; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước trong những tháng đầu năm 2010. Trong giờ giải lao, tại hành lang Hội trường, phóng viên Báo Nhân Dân đã phỏng vấn nhanh một số đại biểu QH về những vấn đề này. Dưới đây, là nội dung các cuộc phỏng vấn đó.

Đại biểu Trần Ngọc Vinh,TP Hải Phòng: Phát triển kinh tế gắn với bảo đảm an sinh xã hội PV: Theo dõi báo cáo của Chính phủ do Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng trình bày tại phiên khai mạc kỳ họp này, đồng chí có nhận xét gì? Đại biểu Trần Ngọc Vinh: Trước hết, tôi đồng tình và nhất trí cao với những nội dung báo cáo của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện nhiệm vụ kinh tế-xã hội và ngân sách Nhà nước năm 2009, tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách Nhà nước năm 2010. Năm 2009, trong bối cảnh suy giảm kinh tế toàn cầu, nhiều khó khăn thách thức, nhưng nhìn chung kết quả thực hiện nhiệm vụ kinh tế-xã hội đạt khá, đạt được mục tiêu ngăn chặn suy giảm kinh tế và đạt tốc độ tăng trưởng hợp lý, 17/25 chỉ tiêu đạt và vượt, trong đó có các chỉ tiêu quan trọng nhất về kinh tế. Kết quả đó là nhờ những giải pháp của Chính phủ thực hiện từ cuối năm 2009 đã đem lại ổn định hơn cho nền kinh tế nước ta, tăng trưởng 5,32%, thâm hụt ngân sách giảm, việc thực hiện các gói kích cầu đã tác động tích cực đến nền kinh tế và an sinh xã hội. Tuy nhiên, cũng còn những hạn chế, cụ thể là trong tám chỉ tiêu không đạt thì phần lớn rơi vào các vấn đề xã hội và liên quan trực tiếp đến chất lượng cuộc sống của người dân, ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển của xã hội. Thí dụ các chỉ tiêu: giải quyết việc làm, đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài có thời hạn, tỷ lệ hộ nghèo, chỉ tiêu người dân được sử dụng nước sạch, môi trường... Điều đó cho thấy, giữa phát triển kinh tế và việc bảo đảm an sinh xã hội còn chưa hài hòa. PV: Để đạt được một số chỉ tiêu chủ yếu Quốc hội đề ra cho năm 2010 như: tăng trưởng GDP 6,5%, chỉ số giá tiêu dùng tăng không quá 7%, tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội bằng 41% GDP, tạo việc làm mới cho khoảng 1,6 triệu lao động, giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống dưới 10%, theo đồng chí phải có những giải pháp như thế nào? Đại biểu Trần Ngọc Vinh: Để đạt được các chỉ tiêu đề ra cho năm 2010, cần tìm ra nguyên nhân yếu kém của nền kinh tế. Theo tôi, nguyên nhân sâu xa của khủng hoảng là do cơ cấu kinh tế. Đây là một trong những nguyên nhân khá căn bản, nhưng những giải pháp về vấn đề này chưa thật sự rõ nét. Do đó, đề nghị Chính phủ nhanh chóng điều chỉnh, tái cơ cấu lại nền kinh tế. Một vấn đề khác cũng cần được quan tâm đúng mức là nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Ở khu vực này người dân còn phàn nàn về nạn hàng giả như phân bón, thuốc trừ sâu, chất lượng giống cây, con vật nuôi. Bên cạnh đó, giá vật tư nông nghiệp tăng cao, người nông dân gặp nhiều khó khăn trong vay vốn ngân hàng, mất điện thường xuyên ảnh hưởng đến sản xuất, thu nhập của người nông dân giảm sút. Đề nghị Chính phủ có những giải pháp đồng bộ và nghiên cứu thí điểm xây dựng tập đoàn kinh tế trong lĩnh vực nông nghiệp. Tập đoàn này sẽ giúp nông dân từ khâu sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm, góp phần bình ổn giá, bảo đảm chất lượng vật tư nông nghiệp. Về lĩnh vực xã hội, tôi cho rằng, khoảng cách giàu nghèo là vấn đề cần quan tâm, rút ngắn khoảng cách giàu nghèo tạo sự phát triển bền vững của đất nước. Tôi đề nghị Chính phủ quan tâm hơn nữa và có những giải pháp đồng bộ, hữu hiệu để rút ngắn khoảng cách giàu nghèo giữa thành thị và nông thôn. PV: Xin cảm ơn đồng chí. Vũ Hoàng Long Đại biểu Lê Như Tiến, tỉnh Quảng Trị: Cần thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, thất thoát PV: Vấn đề thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, thất thoát đang được cử tri và dư luận đặc biệt quan tâm. Vậy đồng chí đánh giá như thế nào về vấn đề này? Đại biểu Lê Như Tiến: Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đã được Quốc hội khóa XI thông qua tại kỳ họp thứ tám. Luật giải thích: "Lãng phí là việc quản lý, sử dụng tiền, tài sản, lao động, thời gian lao động và tài nguyên thiên nhiên không hiệu quả". Tôi được biết, ngày 14-5 vừa qua, tại Hội thảo: "Tài nguyên khoáng sản và phát triển bền vững ở Việt Nam", Viện tư vấn phát triển (CODE) đã nêu việc sử dụng các nguồn tài nguyên, các nguồn năng lượng của chúng ta còn rất lãng phí, kém hiệu quả. Hoạt động khai thác tài nguyên, khoáng sản đang bộc lộ nhiều bất cập từ khâu cấp phép đến quản lý, khai thác, sử dụng. Trước hết là tình trạng cấp phép tràn lan: từ 427 doanh nghiệp năm 2000 đã lên hơn 1.500 doanh nghiệp tham gia hoạt động khoáng sản hiện nay (tăng gấp hơn ba lần). Đó là chưa kể khai thác tự do, không phép. Hậu quả là nguồn tài nguyên thiên nhiên quý hiếm như vàng, đá quý, ti-tan, đồng, thiếc, than, sa khoáng thất thoát, lãng phí, cạn kiệt, môi trường bị tàn phá, kéo theo những hệ lụy về mặt xã hội như tội phạm và tệ nạn xã hội hoành hành, băng hoại về đạo đức, mất an ninh trật tự, an toàn xã hội. Chúng ta không khỏi giật mình khi cơ quan điều tra về tổn thất, lãng phí trong khai thác tài nguyên khoáng sản công bố: Tổn thất lãng phí trong khai thác than hầm lò là 40 đến 60%; apatit là 26 đến 43%, quặng kim loại từ 15 đến 30%... PV: Theo đồng chí, lĩnh vực nào cần phải quan tâm chống lãng phí, thất thoát? Đại biểu Lê Như Tiến: Gây thất thoát lãng phí lớn đó là lĩnh vực đất đai. Theo báo cáo mới nhất của Bộ Tài nguyên và môi trường thì có đến 3.311 tổ chức sử dụng đất không đúng mục đích, để hoang hóa, lãng phí với diện tích là 25.587,82 ha. Sau một năm với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường và các địa phương thì cũng chỉ thu hồi được 4.731 ha đất đai vi phạm thuộc 18 tỉnh, thành phố. Số diện tích thu hồi được chỉ chiếm 1/5 diện tích đất lãng phí, thất thoát vi phạm pháp luật. Đến cuối năm 2009 trên cả nước có 1.763 trường hợp quy hoạch "treo", dự án "treo" với tổng diện tích là 110.477 ha. Sau một năm xử lý vẫn còn hơn 20 nghìn ha đất dự án "treo", với gần một nghìn ha khu đất vàng, đất ngọc hiện đang còn "treo" lơ lửng. Lãng phí, thất thoát trong quản lý điện năng cũng diễn ra tương tự. Trong khi chúng ta đầu tư nhiều nghìn tỷ đồng cho một số nhà máy nhiệt điện hoặc thủy điện, mỗi nhà máy cũng chỉ góp vào lưới điện quốc gia từ 2% đến 3% tổng công suất điện, song lãng phí thất thoát điện năng trên các đường dây, trạm điện đến các hộ tiêu thụ lên tới 18% đến 20% tổng lượng điện cả nước. "Thiếu điện thì cắt điện" đó là cách giải thích của ngành điện mà chưa hình dung ra tác hại của việc cắt điện đối với tăng trưởng kinh tế, giải quyết các vấn đề xã hội và đời sống của nhân dân. Và còn có một dạng lãng phí vừa hữu hình vừa vô hình đó là hằng năm, cả nước ta có 7.966 lễ hội từ quy mô làng xã đến quy mô quốc gia, trung bình mỗi ngày diễn ra hơn 20 lễ hội; cả nước có hàng chục nghìn hội nghị, hội thảo, tọa đàm, giao lưu, gặp mặt, lễ động thổ, lễ khởi công, lễ khánh thành, lễ kỷ niệm truyền thống, đón nhận các loại danh hiệu, v.v. PV: Vậy theo đồng chí cần có giải pháp gì để ngăn chặn tình trạng lãng phí? Đại biểu Lê Như Tiến: Lãng phí, thất thoát thật sự đáng báo động. Ta phải nhớ tới lời dạy của người xưa về tiết kiệm chống lãng phí: "Buôn tàu bán bè không bằng ăn dè để dụm". Do vậy, tôi đề nghị cần tăng cường kiểm tra việc thực hiện Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí ở tất cả các ngành, địa phương; xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm. Đề nghị QH và Hội đồng nhân dân các cấp có chương trình giám sát việc thực hiện Luật này để bảo đảm Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí có hiệu lực trên thực tế. PV: Xin cảm ơn đồng chí. Thế Lân Đại biểu Nguyễn Đăng Trừng, TP Hồ Chí Minh: Chuẩn bị tốt để đón nhận cơ hội phát triển PV: Năm 2009 và những tháng đầu năm 2010, chúng ta đề ra mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát và duy trì tăng trưởng bền vững. Đồng chí đánh giá việc thực hiện mục tiêu đó như thế nào? Đại biểu Nguyễn Đăng Trừng: Báo cáo của Chính phủ cho thấy, trong năm 2009 và đầu năm 2010, chúng ta đã đạt kết quả tương đối tốt trong việc ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát và duy trì tăng trưởng bền vững. Trong tình hình hiện nay, khi kinh tế thế giới đang dần phục hồi, chúng ta phải tạo được tiền đề và có sự chuẩn bị tốt để đón đầu cơ hội phát triển. Tôi mong muốn báo cáo của Chính phủ cần đề cập rõ hơn sự chuẩn bị các nguồn lực, tranh thủ những thời cơ thuận lợi để hội nhập kinh tế sâu rộng khi kinh tế thế giới phục hồi. PV: Cụ thể là những yếu tố gì, thưa đồng chí? Đại biểu Nguyễn Đăng Trừng: Tôi cho rằng, cần có sự chuẩn bị tổng thể, từ cơ sở pháp lý, hạ tầng kinh tế, đặc biệt là nguồn lao động chất lượng cao, có thể đáp ứng nhu cầu phát triển của thế giới. Thực tế, nguồn lao động trong nước luôn dôi dư do chất lượng không cao, trong khi đó nhu cầu nhân lực chất lượng cao của nhiều ngành kinh tế phải đi thuê nước ngoài. Tại thị trường lao động thế giới, mặc dù nhu cầu luôn tăng cao và sẽ tiếp tục tăng cao do kinh tế thế giới dần hồi phục, nhưng lao động trong nước không đáp ứng được hoặc chỉ đáp ứng được những công việc giản đơn. Tôi cho rằng, đã đến lúc cần tạo bước bứt phá, trước mắt là phát triển nguồn nhân lực, đáp ứng nhu cầu phát triển. PV: Xin cảm ơn đồng chí. Vân Trang

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.com.vn/tinbai/?article=175614&sub=131&top=38