Ổn định kinh tế vĩ mô và phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp

Chiều 28/5, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức Tọa đàm trực tuyến với chủ đề 'Ổn định kinh tế vĩ mô và phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp'. Tại buổi tọa đàm, các đại biểu khách mời và chuyên gia kinh tế đã thảo luận về các biện pháp tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô và giúp thị trường trái phiếu doanh nghiệp hoạt động đúng khuôn khổ pháp luật, góp sức cho nền kinh tế.

Các khách mời tham dự Tọa đàm (từ trái sang): GS.TS. Hoàng Văn Cường, đại biểu Quốc hội, Phó Hiệu trưởng ĐH Kinh tế Quốc dân; Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi; Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương; TS. Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội - Ảnh: VGP/Quang Thương

Các khách mời tham dự Tọa đàm (từ trái sang): GS.TS. Hoàng Văn Cường, đại biểu Quốc hội, Phó Hiệu trưởng ĐH Kinh tế Quốc dân; Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi; Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương; TS. Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội - Ảnh: VGP/Quang Thương

Báo cáo tại tọa đàm cho thấy, năm 2022 và những tháng đầu năm 2023, các mục tiêu tổng quát đề ra đã đạt được: Giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn, bảo đảm an sinh xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh, an toàn, an dân, tăng cường đối ngoại và hội nhập. Trong điều kiện rất khó khăn, GDP quý I vẫn duy trì đà tăng trưởng. Những kết quả đạt được rất đáng trân trọng trong bối cảnh trong và ngoài nước khó khăn, thách thức chưa từng có trong nhiều năm và khó khăn, thách thức nhiều hơn cơ hội và thuận lợi, nhiều vấn đề chưa từng có tiền lệ.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự đồng hành, giám sát của Quốc hội, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự ủng hộ của người dân và doanh nghiệp, các chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ là xuyên suốt, đồng bộ, quyết liệt, kịp thời, phù hợp, thực chất, kiên định mục tiêu, nguyên tắc nhưng hết sức linh hoạt, bám sát thực tiễn, các diễn biến trong nước và thế giới, tạo những chuyển biến thực chất, cân đong đo đếm được trên các lĩnh vực được dư luận quan tâm thời gian qua, tạo chuyển biến bước đầu trong nhiều vấn đề tồn đọng, kéo dài nhiều năm; củng cố, tăng cường niềm tin xã hội, niềm tin thị trường bằng những giải pháp, chính sách, hành động cụ thể, hiệu quả để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cho người dân, doanh nghiệp.

Mặc dù tình hình còn không ít khó khăn, nhưng nhiều chính sách, giải pháp điều hành đang phát huy tác động tích cực. Bước sang tháng 4 và tháng 5, tình hình có nhiều khởi sắc, nhiều lĩnh vực chuyển biến tích cực, khởi sắc, như vốn FDI đăng ký mới trong tháng 5 đã bật tăng mạnh, Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) bước đầu có tín hiệu tốt trong tháng 4… Các tổ chức quốc tế uy tín tiếp tục đánh giá và dự báo tích cực về triển vọng kinh tế Việt Nam trong năm 2023 và thời gian tới.

Về thị trường trái phiếu doanh nghiệp, thời gian qua, vấn đề này đã nhận được nhiều sự quan tâm bởi thị trường này nắm giữ nguồn vốn rất lớn cho nền kinh tế. Theo GS.TS. Hoàng Văn Cường, Phó Hiệu trưởng Đại học Kinh tế Quốc dân, trái phiếu doanh nghiệp là một thị trường vốn rất quan trọng cho doanh nghiệp. Trong năm 2021 và quý đầu đầu năm 2022, thị trường trái phiếu doanh nghiệp rất sôi động. Tuy nhiên, sang đầu năm 2022, khi có sự cố một số doanh nghiệp rơi vào khủng hoảng pháp lý, nhiều nhà đầu tư nhận thấy rủi ro.

“Rủi ro đó, một phần chúng ta nhìn thấy rất rõ là bản thân doanh nghiệp phát hành trái phiếu không được kiểm soát, dẫn đến tình trạng phát hành nguồn tiền không có cơ sở, những yếu tố để bảo đảm cho giá trị trái phiếu. Nhưng cũng có yếu tố là bản thân nhà đầu tư. Trái phiếu đó phần lớn là trái phiếu phát hành riêng lẻ, theo quy định của luật pháp thì chỉ dành cho đối tượng là những người đầu tư chuyên nghiệp hoặc nhà đầu tư tổ chức. Nhưng trên thực tế, phần lớn nhà đầu tư cá nhân mua trái phiếu với suy nghĩ rằng giống như gửi ngân hàng”, GS.TS. Hoàng Văn Cường, khẳng định.

Còn theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi, để thị trường trái phiếu doanh nghiệp ổn định và phát triển bền vững, góp sức cho nền kinh tế, cần tập trung vào một số giải pháp chính yếu như: Tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, giữ được lãi suất, tỉ giá, lạm phát; điều hành linh hoạt, hiệu quả chính sách tài khóa, tiền tệ, giải quyết các khó khăn. “Nếu chúng ta giữ được như hiện nay và tiếp tục quá trình đó thì đó chính là điểm tựa để các doanh nghiệp tiếp tục hoạt động tốt dần lên và hiệu quả hơn, từ đó quay trở lại phát triển”, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi khẳng định.

Thứ hai, cần phải có những quy định pháp luật liên quan trực tiếp đến thị trường trái phiếu này. Thời gian qua, Chính phủ cũng đã có các chính sách, ban hành và xử lý giải quyết những yêu cầu bức xúc của thị trường này. Trong một thời gian rất ngắn, Chính phủ ra 2 Nghị định số 65/2022/NĐ-CP và số 08/2023/NĐ-CP. Những quy định pháp lý mới nhất như vậy đã kịp thời giúp các doanh nghiệp phát hành, nhà đầu tư có điều kiện và công cụ pháp lý, có thời gian để giải quyết những khó khăn trước mắt về dòng tiền, thanh khoản, tài sản đảm bảo, và giải quyết những vấn đề khác liên quan… trên nguyên tắc xuyên suốt là lợi ích hài hòa và rủi ro chia sẻ.

Bên cạnh đó, trước những khó khăn hiện tại của các doanh nghiệp phát hành trong các lĩnh vực khác nhau, nhất là lĩnh vực bất động sản và xây dựng, Chính phủ đã có nhiều giải pháp khác nhau để hỗ trợ và giúp cho các doanh nghiệp phát hành như giãn nợ, chuyển nhóm nợ của các doanh nghiệp, giảm lãi suất, giãn thuế, giảm thuế. Các cơ quan chức năng của Nhà nước thời gian vừa qua cũng tăng cường giám sát, kiểm tra, thậm chí thanh tra để đảm bảo thị trường này minh bạch và tuân thủ các quy định của pháp luật...

PV/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/kinh-te/on-dinh-kinh-te-vi-mo-va-phat-trien-thi-truong-trai-phieu-doanh-nghiep-20230529075845485.htm