Ổn định tâm lý học sinh trước kỳ tuyển sinh lớp 10

Trước kỳ thi tuyển sinh lớp 10 năm học 2023-2024, các nhà quản lý giáo dục, nhà tâm lý cho rằng, học sinh không nên băn khoăn, lo lắng về tỷ lệ chọi vào các trường THPT, nguyện vọng đăng ký mà cần tập trung ổn định tâm lý, học tập và nghỉ ngơi phù hợp để sẵn sàng bước vào kỳ thi.

Học sinh Trường THCS Trưng Vương (quận Hải Châu) nỗ lực ôn tập cho kỳ thi tuyển sinh lớp 10 sắp đến. Ảnh: NGỌC HÀ

Căng thẳng tỷ lệ “chọi”

Kết thúc thay đổi nguyện vọng đã gần một tuần nhưng em Mỹ Duyên (học sinh lớp 9, Trường THCS Tây Sơn, quận Hải Châu) vẫn còn băn khoăn về quyết định của mình. Bởi em chỉ thay đổi nguyện vọng 1 từ Trường THPT Hòa Vang thành Trường THPT Hoàng Hoa Thám; do hai trường đều có điểm đầu vào cũng tương đương nhau nên em khá lo lắng. Trong khi đó, nguyện vọng 2 em không thay đổi, vẫn lựa chọn một trường tốp giữa là THPT Nguyễn Hiền.

Theo thống kê của Sở Giáo dục và đào tạo (GD&ĐT), năm nay có 15.684 thí sinh đăng ký nguyện vọng 1, so với năm 2022 là 15.080 thí sinh; trong khi đó chỉ tiêu phân bổ cho tất cả các trường là 11.432. Sự cạnh tranh một suất vào trường công khá căng thẳng, nếu lựa chọn nguyện vọng không chính xác sẽ giảm cơ hội trúng tuyển. Theo ghi nhận, sau khi so sánh số lượng thí sinh đăng ký nguyện vọng 1 và chỉ tiêu của các trường THPT do Sở GD&ĐT công bố, nhiều học sinh đã cân nhắc và xin điều chỉnh theo hướng an toàn. Có nhiều trường hợp học sinh điều chỉnh cả 2 nguyện vọng, thay đổi theo hướng từ trường tốp trên xuống trường tốp giữa và từ tốp giữa xuống tốp dưới.

Cụ thể, THCS Lương Thế Vinh (quận Liên Chiểu) có 21 lượt thí sinh điều chỉnh nguyện vọng 1, 22 lượt đăng ký điều chỉnh nguyện vọng 2; Trường THCS Trưng Vương (quận Hải Châu) có 50 học sinh điều chỉnh nguyện vọng; Trường THCS Huỳnh Thúc Kháng (quận Thanh Khê) có 47 học sinh điều chỉnh nguyện vọng; Trường THCS Lê Độ (quận Sơn Trà) có 45 học sinh điều chỉnh nguyện vọng... Cô Nguyễn Thị An, Hiệu trưởng Trường THCS Huỳnh Thúc Kháng cho biết, trong số 47 học sinh điều chỉnh nguyện vọng thì chỉ có 3 học sinh đăng ký vào trường có điểm chuẩn đầu vào cao hơn ban đầu, còn lại từ trường tốp trên xuống tốp dưới.

Trong khi đó, thầy Bùi Duy Quốc, Hiệu trưởng Trường THCS Lương Thế Vinh (quận Liên Chiểu) cho biết, có trường hợp học sinh điều chỉnh theo hướng rút khỏi trường có điểm trúng tuyển hàng năm thuộc loại cao nhưng cũng có trường hợp thay đổi nguyện vọng nộp vào các trường có số lượng thí sinh đăng ký ít, vô tình trường có số lượng thí sinh ít lại trở thành đông lên sau điều chỉnh, điểm chuẩn đầu vào lại cao. “Sở GD&ĐT sẽ không công bố thông tin sau điều chỉnh nguyện vọng nên việc lo lắng hay thăm dò tỷ lệ chọi đến bây giờ không còn ý nghĩa, học sinh nên tập trung ôn tập, nỗ lực hết mình để có kết quả tốt nhất”, thầy Quốc nói.

Cần động viên học sinh

Năm học 2023 - 2024, chỉ tiêu tuyển sinh lớp 10 hệ công lập trên toàn thành phố áp lực cạnh tranh cao, vì vậy, bên cạnh ôn tập kiến thức, các trường tích cực làm công tác tư tưởng cho học sinh, việc phân luồng cũng được đẩy mạnh thực hiện, để học sinh, gia đình nhận thức được, trường THPT công lập không phải sự lựa chọn duy nhất, từ đó tránh những áp lực, tổn thương không cần thiết đối với học sinh.

“Trước đó, chúng tôi đã tư vấn công tác tuyển sinh cho sát với lực học của học sinh để phân luồng phù hợp. Giai đoạn này, giáo viên chủ yếu giải đáp thắc mắc về kiến thức, kỹ năng làm bài cho học sinh, nhắc nhở các em giữ gìn sức khỏe và hệ thống lại kiến thức để vững tâm bước vào kỳ thi”, cô Đinh Thị Diệp Tùng, Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Trãi (quận Thanh Khê) chia sẻ.

Theo Tiến sĩ tâm lý Nguyễn Thị Hằng Phương (giảng viên Trường Đại học Sư phạm, Đại học Đà Nẵng), với mỗi kỳ thi, học sinh phải trải qua 3 giai đoạn: trước, trong và sau khi thi. Trước kỳ thi, học sinh căng thẳng vì không biết chọn trường nào, rồi mang kết quả của các năm trước ra cân đối… Lúc này, sự căng thẳng chỉ ở mức nhẹ, chủ yếu bởi sự tác động ở bên ngoài. Giai đoạn sắp bước vào kỳ thi có lẽ là giai đoạn cao trào của sự căng thẳng. Bởi bây giờ không còn nhiều thời gian để tiếp thu kiến thức; những bạn nào đã chuẩn bị tốt thì giai đoạn này vẫn nạp thêm chữ; những bạn thời gian qua không chuẩn bị kỹ bắt đầu lo lắng. Ngoài kiến thức, một số vấn đề học sinh thường gặp phải giai đoạn này là tâm lý tình cảm cuối cấp, thời tiết, áp lực từ gia đình…

Do đó, bà Nguyễn Thị Hằng Phương cho rằng, điều quan trọng nhất hiện nay là phụ huynh nên xác định việc con thi vào trường nào cũng tốt, học ở đâu cũng tốt. “Học tập là cả một chặng đường dài chứ không chỉ lên cấp 3. Cha mẹ không nên tạo áp lực, đặt kỳ vọng quá nhiều vào khả năng của con. Thay vào đó, cha mẹ cần dành nhiều thời gian động viên con cố gắng, tự tin; yêu thương, quan tâm đến sức khỏe con nhiều hơn. Việc dọa hay hứa hẹn đối với các con giai đoạn này đều không tốt, lúc này việc động viên là điều tốt nhất. Đối với học sinh, các em cứ vui vẻ, tự tin, thấy sức mình đến đâu thì cố gắng đến đấy”, bà Hằng Phương nói thêm.

NGỌC HÀ

Nguồn Đà Nẵng: http://www.baodanang.vn/channel/5411/202305/on-dinh-tam-ly-hoc-sinh-truoc-ky-tuyen-sinh-lop-10-3945283/