Ổn định thị trường cuối năm tại TP Hồ Chí Minh

Nhu cầu tiêu thụ hàng hóa tăng cao vào dịp cuối năm là cơ hội để các đối tượng sản xuất, buôn bán hàng gian, hàng giả, thực phẩm 'bẩn' lũng đoạn thị trường, thu lợi bất chính. Do đó, việc đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát nguồn hàng cung ứng Tết Nguyên đán Canh Tý năm 2020 đang được các cơ quan chức năng tại TP Hồ Chí Minh triển khai đồng loạt, mạnh mẽ.

Cán bộ Cục Quản lý thị trường TP Hồ Chí Minh kiểm tra hàng hóa tại chợ Bến Thành, quận 1.

Còn nhiều vi phạm

Theo nhận định của các cơ quan chức năng, hoạt động sản xuất và buôn bán hàng gian, hàng giả, hàng kém chất lượng… trên địa bàn thành phố trong những năm gần đây diễn biến khá phức tạp, xảy ra trên nhiều lĩnh vực, ngành hàng và thường “bùng phát” mạnh vào những dịp lễ, Tết. Thống kê của Cục Hải quan TP Hồ Chí Minh cho thấy, từ đầu năm đến cuối tháng 11 vừa qua, qua công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, ngành hải quan thành phố đã phát hiện, bắt giữ 1.319 vụ việc vi phạm trong lĩnh vực hải quan, trị giá hàng hóa vi phạm là 1.537 tỷ đồng. Trong khi đó, Cục Quản lý thị trường (QLTT) thành phố đã phát hiện và bắt giữ hàng nghìn vụ buôn lậu, kinh doanh hàng hóa nhập lậu. Tính riêng 280 đợt kiểm tra tại 20 trung tâm thương mại và chợ truyền thống từ đầu năm đến nay, cơ quan này đã tịch thu 9.459 sản phẩm, trị giá hàng hóa vi phạm gần 1,2 tỷ đồng, phạt hơn 1,9 tỷ đồng. Trong đó, hàng hóa vi phạm chủ yếu là hàng giả, hàng nhái nhãn hiệu được nhập lậu từ nhiều nguồn để đưa vào kinh doanh.

Quyền Cục trưởng Cục QLTT thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Bách nhận định, dịp cuối năm, các đối tượng “kinh doanh” bất chính có xu hướng nhập lậu các loại hàng hóa như: thuốc lá, bánh kẹo, mứt, quần áo, giày dép, túi xách, mỹ phẩm... Qua kiểm tra, Cục QLTT thành phố đã phát hiện và xử lý nhiều trường hợp hàng hóa nhập lậu bán ở vỉa hè, cửa hàng, chợ truyền thống và cả ở những trung tâm thương mại.

Mới đây, Đội QLTT số 27, Cục QLTT thành phố Hồ Chí Minh phối hợp Công an quận 8 kiểm tra kho hàng tại phường 16, quận 8 do ông Huỳnh Hoàng Bảo Tuấn làm chủ. Tại thời điểm kiểm tra, phát hiện tại đây chứa số lượng hàng lớn gồm 300 cục nóng, 300 cục lạnh máy điều hòa nhiệt độ đã qua sử dụng không có hóa đơn, chứng từ, trị giá khoảng 700 triệu đồng. Đội QLTT số 20 phối hợp Công an xã Xuân Thới Thượng, huyện Hóc Môn kiểm tra cơ sở sản xuất, đóng gói keo dán đa năng các loại tại xã Xuân Thới Thượng, phát hiện cơ sở này có dấu hiệu vi phạm quyền về nhãn hiệu của đơn vị khác. Lực lượng chức năng đã tạm giữ 25 nghìn hộp keo dán đa năng, các thiết bị dùng để sản xuất keo. Tháng 11 vừa qua, Tổng cục QLTT phối hợp Cục QLTT thành phố kiểm tra 29 điểm kinh doanh hàng hóa tại chợ Bến Thành và Trung tâm thương mại Sài Gòn Square (quận 1). Tại 10 điểm kinh doanh ở chợ Bến Thành, lực lượng kiểm tra đã tạm giữ hơn 800 sản phẩm gồm đồng hồ, ví, túi xách giả mạo nhãn hiệu của hãng Rolex, Dior, Gucci… Ở 19 điểm kinh doanh tại Trung tâm thương mại Sài Gòn Square, hơn 1.500 túi xách, ví, đồng hồ, giày dép, khăn choàng, thắt lưng… giả mạo các nhãn hiệu nổi tiếng.

Tìm giải pháp đồng bộ

Là một trong ba chợ đầu mối kinh doanh số lượng lớn nông sản, thực phẩm và các mặt hàng tươi sống đã qua giết mổ của thành phố, công tác kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm (ATTP) được Ban quản lý chợ đầu mối nông sản thực phẩm Hóc Môn, huyện Hóc Môn chú trọng. Phó Giám đốc Công ty TNHH quản lý và kinh doanh chợ đầu mối nông sản thực phẩm Hóc Môn Lê Văn Tiển cho biết, riêng từ đầu tháng 12 đến nay, đơn vị đã phối hợp Đội 9 thuộc Ban Quản lý ATTP thành phố Hồ Chí Minh lấy 220 mẫu thực phẩm kiểm tra chất vi sinh và các chất cấm khác theo quy định với phương châm hàng hóa cung ứng ra thị trường bảo đảm chất lượng. Công tác kiểm tra, xử phạt được Ban quản lý chợ thực hiện nghiêm trong suốt cả năm. Những trường hợp vi phạm, ngoài hình thức cảnh cáo, nhắc nhở, Ban quản lý chợ kiên quyết xử lý bằng biện pháp mạnh là thu hồi giấy phép kinh doanh. Công tác tuyên truyền về bảo đảm vệ sinh ATTP đối với các mặt hàng đưa vào chợ kinh doanh cũng được Ban quản lý chợ thực hiện xuyên suốt và thường xuyên.

Nhằm bảo đảm ATTP trong dịp Tết Nguyên đán Canh Tý và mùa lễ hội Xuân 2020, Ban quản lý ATTP thành phố Hồ Chí Minh đã triển khai công tác kiểm tra ATTP đến 10 đội quản lý ATTP với phương châm: “Xây thực phẩm sạch, chống thực phẩm bẩn”. Trong đó, có hai đội quản lý ba chợ đầu mối và tám đội quản lý ở 24 quận, huyện. Theo đó, cao điểm đợt kiểm tra bắt đầu từ ngày 15-12 và kéo dài đến ngày 25-3-2020. Công tác kiểm tra tập trung vào những mặt hàng được sử dụng nhiều trong dịp Tết Nguyên đán và trong các lễ hội. Cùng với đó, các đội quản lý sẽ chú trọng kiểm soát những đầu mối sản xuất, nhập khẩu, chợ đầu mối, trung tâm thương mại, siêu thị, chợ truyền thống, vận chuyển thực phẩm; kiểm soát chặt chẽ các loại hàng không bảo đảm chất lượng, hết hạn sử dụng. Ngoài ra, Ban quản lý ATTP thành phố chỉ đạo Phòng Quản lý Ngộ độc thực phẩm tăng cường lấy mẫu, giám sát bảo đảm không để xảy ra các vụ ngộ độc thực phẩm trong dịp Tết. Các đoàn thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm khi phát hiện vi phạm phải xử lý theo đúng quy định, tuyệt đối không để các sản phẩm không bảo đảm ATTP, hàng giả, không rõ nguồn gốc lưu thông trên thị trường.

Bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng Ban Quản lý ATTP thành phố cho biết: Trong ba năm qua, Ban Quản lý ATTP đã triển khai các đề án: “Chuỗi thực phẩm an toàn”, “Quản lý, nhận diện và truy xuất nguồn gốc thịt lợn, thịt gia cầm và trứng gia cầm”. Điều này cho thấy, việc “xây thực phẩm sạch” luôn là nhiệm vụ được Ban đặt lên hàng đầu. Tính đến nay, Ban đã thẩm định, kiểm tra và cấp 432 giấy chứng nhận cho 293 trang trại, cơ sở sản xuất, sơ chế, kinh doanh vào chuỗi thực phẩm an toàn. Ban cũng xây dựng kế hoạch triển khai lấy mẫu giám sát định kỳ và đột xuất để phục vụ công tác quản lý. Kết quả là, số lượng mẫu tăng và tỷ lệ mẫu không đạt giảm, cho thấy tình hình ATTP đang từng bước được cải thiện.

QUÝ HIỀN, CAO TÂN

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/kinhte/tin-tuc/item/42795402-on-dinh-thi-truong-cuoi-nam-tai-tp-ho-chi-minh.html