Ổn định vĩ mô, kiềm chế lạm phát là mục tiêu căn cơ, lâu dài

Đó là nhấn mạnh của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Thị Hồng tại hội nghị về công tác điều hành tín dụng vừa diễn ra cuối tuần qua. Hiện việc điều hành tín dụng của NHNN đang được sự quan tâm lớn của dư luận, doanh nghiệp, các tổ chức tín dụng (TCTD).

Vấn đề đặt ra đối với NHNN là phải giải bài toán tổng thể, bởi chính sách điều hành không chỉ ngắn hạn mà cần phải căn cơ, dài hạn, bài bản, vừa góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát vừa đảm bảo an toàn hệ thống, hỗ trợ tăng trưởng, ổn định tỷ giá, lãi suất…

Không chủ quan với lạm phát

Theo Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng, nền kinh tế thế giới thời gian vừa qua có nhiều biến động khó lường ảnh hưởng lớn đến kinh tế trong nước. Nền kinh tế Việt Nam có độ mở cửa lớn, sản xuất phụ thuộc nhiều vào nguyên vật liệu nhập khẩu trong khi giá cả thế giới tăng cao và có thể tiếp tục tăng nếu như diễn biến lạm phát thế giới chưa kiểm soát được.

Ngân hàng hướng dòng vốn vào sản xuất kinh doanh.

Ngân hàng hướng dòng vốn vào sản xuất kinh doanh.

Bên cạnh đó, theo đánh giá của quốc tế, kỳ vọng lạm phát đối với Việt Nam là tương đối lớn. Với nhiệm vụ điều hành chính sách tiền tệ (CSTT), góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ phục hồi tăng trưởng kinh tế, NHNN không thể chủ quan với diễn biến của lạm phát và không thể chỉ kiểm soát lạm phát năm nay mà còn kiểm soát lạm phát các năm sau. Đó là mục tiêu kiên định trong dài hạn.

Nghị quyết 43 của Quốc hội và Nghị quyết 11 của Chính phủ đã giao nhiệm vụ cho ngành Ngân hàng điều hành ổn định lãi suất và phấn đấu giảm lãi suất 0,5 - 1% trong 2 năm triển khai chương trình phục hồi. Đây là nhiệm vụ khó khăn trong bối cảnh các nước trên thế giới thắt chặt CSTT. Trong nước, chỉ riêng 8 tháng đầu năm, tín dụng toàn hệ thống đã tăng gần 10% - là mức cao so với nhiều năm trước đây. Cùng với đó, NHNN và hệ thống ngân hàng đang phải thực hiện tái cơ cấu hệ thống trong giai đoạn thứ 3. Nhiệm vụ quan trọng là đảm bảo ổn định an toàn hoạt động hệ thống ngân hàng và triển khai các giải pháp theo Nghị quyết 43 của Quốc hội thông qua gói hỗ trợ lãi suất 2% với quy mô 40.000 tỷ từ nguồn ngân sách nhà nước để hỗ trợ nền kinh tế.

Ông Phạm Chí Quang, Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Chính sách tiền tệ cho hay, trước 2021, do đặc thù kinh tế Việt Nam, các nhu cầu vốn phụ thuộc chủ yếu vào tín dụng ngân hàng, kênh tín dụng là kênh cung cấp vốn chủ yếu cho nền kinh tế, có tốc độ tăng rất nhanh. Bài học về điều hành CSTT giai đoạn trước năm 2011 cho đến nay vẫn còn nguyên giá trị, khi hậu quả vẫn chưa giải quyết được triệt để. Tại hội nghị về giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng và đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế ngày 12/9 vừa qua do Thủ tướng Phạm Minh Chính và Phó Thủ tướng Lê Minh Khái chủ trì, các tổ chức tài chính quốc tế (IMF, WB, ADB...) đều đánh giá cao điều hành của NHNN trong kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô.

Chia sẻ thêm về hiệu quả của công tác điều hành CSTT trong năm 2022, bà Hà Thu Giang, Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Tín dụng các ngành kinh tế cho biết, trong 8 tháng đầu năm, NHNN đã chỉ đạo hướng dòng vốn vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên, hỗ trợ phục hồi kinh tế, xã hội. Nhờ vậy, tín dụng các ngành đều tăng ngay từ đầu năm 2022 và tăng cao hơn so với cùng kỳ 2021, 2020. Trong thời gian tới, NHNN sẽ tiếp tục tập trung tín dụng vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ, cho vay phục vụ nhu cầu đời sống... với mức lãi suất hợp lý, đảm bảo an toàn vốn vay, hỗ trợ phục hồi phát triển kinh tế - xã hội; tiếp tục kiểm soát chặt chẽ rủi ro tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro nhằm đảm bảo an toàn hệ thống theo các quyết định của NHNN…

Nền kinh tế không nên quá phụ thuộc vào tín dụng ngân hàng

Tại hội nghị về công tác điều hành tín dụng, các ý kiến cho rằng, NHNN phải đối mặt với nhiều áp lực lớn, do đó việc kiểm soát tăng trưởng tín dụng để tránh ảnh hưởng đến lạm phát là điều tất yếu. Đồng thời các ý kiến cũng kiến nghị Chính phủ cần có giải pháp hiệu quả phát triển và thu hút vốn trung và dài hạn từ các kênh khác như trái phiếu, chứng khoán và thu hút đầu tư nước ngoài… Nền kinh tế không nên quá phụ thuộc vào vốn tín dụng với bản chất kinh tế chủ yếu phục vụ vốn ngắn hạn và lưu động… Hiện nay, xã hội đang có xu hướng tập trung quá nhiều vào tín dụng ngân hàng, kể cả vốn trung và dài hạn, điều đó tạo áp lực lên hệ thống ngân hàng và lâu dài ảnh hưởng đến an toàn hệ thống ngân hàng và nền kinh tế.

Thời gian qua, nhiều chuyên gia quốc tế cho rằng, cần kiểm soát hạn mức tín dụng và khuyến cáo NHNN kiên định mục tiêu tăng trưởng tín dụng ở mức 14%. Các chuyên gia cũng chia sẻ với NHNN trong việc phải điều hành CSTT đa mục tiêu, trong đó các mục tiêu mâu thuẫn đan xen lẫn nhau, như giảm lãi suất nhưng lại giữ ổn định tỷ giá, hay kiềm chế lạm phát nhưng vẫn đảm bảo tăng trưởng trong bối cảnh kinh tế thế giới gặp nhiều khó khăn và ngành ngân hàng đang phải thực hiện đồng thời việc tái cơ cấu hệ thống ngân hàng… NHNN phải rất khéo léo, linh hoạt, thận trọng để đảm bảo hài hòa trong điều hành giữa các thành tố của thị trường tiền tệ để đạt mục tiêu góp phần kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng và an toàn hệ thống ngân hàng.

Ủng hộ cơ chế cấp room tín dụng, song lãnh đạo nhiều ngân hàng đề nghị, cần có tỷ lệ phân bổ theo chất lượng hoạt động của các TCTD tránh việc phân bổ cào bằng và việc thông tin riêng đến từng TCTD là cần thiết vì phân bổ theo xếp loại không thể công khai ra công chúng ảnh hưởng đến sự cạnh tranh giữa các TCTD.

Hà An

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/kinh-te/on-dinh-vi-mo-kiem-che-lam-phat-la-muc-tieu-can-co-lau-dai-i668055/