Ôn thi môn Giáo dục Công dân: Những bí quyết không thể bỏ qua

Giáo dục công dân không chỉ là môn thi tốt nghiệp THPT mà đã trở thành môn thành phần quan trọng trong các tổ hợp môn xét tuyển sinh ĐH, CĐ. Báo GD&TĐ xin giới thiệu những kinh nghiệm của cô Đỗ Thị Phượng với mong muốn giúp học sinh ôn thi tốt môn học.

Cùng nêu vấn đề và trao đổi tháo gỡ là một phương pháp học hiệu quả giúp HS nắm chắc kiến thức. Ảnh: Hồng Đăng

Cùng nêu vấn đề và trao đổi tháo gỡ là một phương pháp học hiệu quả giúp HS nắm chắc kiến thức. Ảnh: Hồng Đăng

Thứ nhất, đầu năm học nhóm bộ môn cần họp chuẩn bị xây dựng kế hoạch cho phần ôn tập. Giáo viên cần bám vào đề thi của Bộ năm 2019 và chuẩn kiến thức, kĩ năng cần đạt để phân bố thời lượng hợp lý cho từng chủ đề, cụ thể hóa nội dung cần ghi nhớ, ngân hàng câu hỏi đảm bảo đầy đủ các cấp độ cung cấp cho học sinh trước khi bước vào kỳ ôn chính thức.

Khi phân bố thời lượng cho từng chủ đề ôn, cần đặc biệt chú trọng mỗi chủ đề sẽ có phần kiểm tra kiến thức củng cố theo hình thức cuốn chiếu và từng giai đoạn cho học sinh làm bài kiểm tra nhằm đánh giá mức độ tiếp thu bài. Qua đó có điều chỉnh kịp thời, phù hợp với đặc thù của từng lớp và từng đối tượng học sinh.

Thứ hai, để tiết học ôn tập đạt hiệu quả có thể cho học sinh chuẩn bị trước phần việc ở nhà, sản phẩm yêu cầu là sơ đồ hóa kiến thức học, hoặc cho các em dựng tiểu phẩm, tìm video… theo chủ đề được giao. Bên cạnh đó khuyến khích các em nêu những vấn đề cần giải đáp khi tham khảo tài liệu, xem video hoặc tiểu phẩm của bạn… mọi vướng mắc sẽ được trao đổi tháo gỡ. Dù thi dưới hình thức nào thì nắm chắc kiến thức là chìa khóa vạn năng để làm bài.

Phương pháp này đạt hiệu quả tốt cần có sự hỗ trợ của máy chiếu (trình chiếu PowerPoint nếu là sơ đồ kiến thức, video sưu tầm, thậm chí tiểu phẩm được các em dựng thành clip, trò chơi hái hoa dân chủ, tình huống pháp luật…). Kiến thức ghi nhớ sẽ dần được tái hiện, lớp học sinh động không nhàm chán, học sinh khắc sâu nội dung cần ghi nhớ.

Qua các hoạt động, toàn bộ sơ đồ kiến thức cần thiết tái hiện trên màn hình, học sinh tự đối chiếu và bổ sung, hoàn thiện sản phẩm của mình.

Thứ ba, đầu mỗi giờ và cuối tiết ôn tập cần có phần kiểm tra nhanh giúp học sinh tái hiện, khắc sâu kiến thức cũ trước khi bước vào chủ đề mới. Hai hình thức có thể sử dụng thường xuyên là: “Đấu trường 100” cho dạng câu tự luận ngắn, “Nhanh mắt, nhanh tay” cho bài tập trắc nghiệm, ưu tiên câu dễ cho đối tượng học sinh yếu của lớp nhằm kích thích hứng thú học tập và động viên các em cố gắng nhiều hơn. Qua đó giáo viên nắm được mức độ tiếp thu của học sinh và có điều chỉnh kịp thời.

Thứ tư, hướng dẫn học sinh cách đọc đề và kĩ năng làm bài trắc nghiệm ở các cấp độ biết, hiểu, vận dụng thấp, vận dụng cao. Khi hướng dẫn học sinh làm bài, không chỉ yêu cầu các em tìm phương án đúng mà quan trọng là phải lý giải được tại sao lại chọn. Một nội dung kiến thức có thể ra nhiều câu ở nhiều góc độ khác nhau, do vậy khi lý giải được thì dù hỏi bất kỳ dạng nào các em cũng sẽ làm bài được.

Câu biết và hiểu chiếm 60% tổng điểm của bài, đây là câu hỏi dễ không được bỏ qua. Học sinh cần phải xác định được từ khóa và nắm chắc kiến thức để làm bài.

VD1: Quyền bầu cử của công dân không được thực hiện theo nguyên tắc nào dưới đây?

A. Phổ thông.

B. Bình đẳng.

C. Đại diện.

D. Trực tiếp.

Với câu này chỉ cần học sinh xác định được từ khóa là “nguyên tắc” và nắm được sơ đồ cơ bản sẽ thấy ngay đáp án.

VD2: Cử tri kiến nghị với Đại biểu Quốc hội về vấn đề đền bù giải phóng mặt bằng để xây dựng các công trình công cộng là thực hiện quyền nào dưới đây của công dân?

A. Tự chủ phán quyết.

B. Tự do ngôn luận.

C. Quản lý cộng đồng.

D. Quản lý nhân sự.

Với câu này từ khóa là “quyền công dân” mà phương án A, C, D không nằm trong các quyền của chương trình học nên dễ dàng loại phương án sai.

Với câu vận dụng thì cách đọc đề vô cùng quan trọng, bởi nếu đọc không đúng cách sẽ làm mất thời gian và rối trong tìm đáp án.

VD: Tại một điểm bầu cử Hội đồng nhân dân các cấp, khi đang cùng chị C trao đổi về lý lịch các ứng cử viên, anh A phát hiện

chị S viết phiếu bầu theo đúng yêu cầu của ông X. Anh A đã đề nghị chị S sửa lại phiếu bầu nhưng chị không đồng ý. Những ai dưới đây vi phạm nguyên tắc bỏ phiếu kín?

A. Anh A, chị S, chị C và ông X.

B. Ông X, chị S và chị C.

C. Chị S, chị C và anh A.

D. Anh A, ông X và chị S.

Bước 1: Học sinh xác định yêu cầu câu hỏi là gì, quan trọng trong câu vận dụng là các em phải nắm được “nguyên tắc bỏ phiếu kín là gì?”.

Bước 2: Xác định hành vi nhân vật nếu chọn thì quy ước với các em “khoanh tròn” là chọn, nên các em sau khi xác định đếm tên khoanh tròn là phương án đúng.

Bước 3: Kiểm tra lại xem khả năng đúng của phương án bằng cách loại trừ, quy ước là “đánh chéo”. Với cách này giúp học sinh hạn chế thấp nhất nhầm lẫn khi chọn phương án đúng.

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/on-thi-mon-giao-duc-cong-dan-nhung-bi-quyet-khong-the-bo-qua-3849613.html