Ông ba 'bắt rắn' phim 'Đất phương Nam' nhớ lời dặn dò GSTS Trần Văn Khê

Trong những ngày giới âm nhạc dân tộc chuẩn bị chào đón sự kiện Lễ Trao học bổng và Giải thưởng Trần Văn Khê năm 2023 tại Nhà hát TP vào ngày 23-7, Nhà giáo ưu tú Mạnh Dung bồi hồi nhớ lại những lời dặn dò của cố GSTS Trần Văn Khê.

Nhà giáo ưu tú Mạnh Dung đã cung cấp bức ảnh quý mà ông hội ngộ với cố GSTS Trần Văn Khê năm 2000 tại Pháp.

GSTS Trần Văn Khê và Nhà giáo ưu tú Mạnh Dung

Nhà giáo ưu tú Mạnh Dung kể: "Đó là năm tôi được theo đoàn nghệ sĩ, nhà giáo và nghiên cứu sinh của Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh TP HCM đến Paris. Đây cũng là dịp để các nghệ sĩ trong nước sang biểu diễn những tiết mục chào mừng Tết cổ truyền của dân tộc theo lời mời của Hội Người Việt Nam tại Pháp. Tôi bất ngờ gặp GSTS Trần Văn Khê, ông mừng rỡ, khen vai diễn ông ba "bắt rắn" của tôi và thích nhất khi bộ phim "Đất phương nam" sử dụng âm nhạc dân tộc rất ấn tượng".

Nhà giáo ưu tú Mạnh Dung và các diễn viên trong một cảnh quay của phim "Đất phương nam"

Đối với các văn nghệ sĩ và giới nghiên cứu âm nhạc dân tộc tại TP HCM, sự cống hiến của GSTS Trần Văn Khê cho đất nước rất lớn. "Ông đã mang hơi thở, tiếng lòng dân tộc Việt đến muôn nơi. Để đến hôm nay tiếp nối ông có nhiều nghệ sĩ, nhà nghiên cứu thế hệ trẻ cùng làm công việc giữ gìn bản sắc văn hóa. Giải thưởng mang tên ông và học bổng được trao sẽ là động lực để thế hệ trẻ làm tốt hơn công việc ý nghĩa này" - Nhà giáo ưu tú Mạnh Dung phấn khởi.

Nhà giáo ưu tú Mạnh Dung

Nói về bộ phim "Đất phương nam", ông tâm sự, mỗi thế hệ đều có cách làm và quan niệm nghệ thuật khác nhau. Vì thế, mọi sự so sánh đều khập khiễng. Đối với phim "Đất phương Nam" sau 20 năm công chiếu vẫn có sức hút mãnh liệt với khán giả, đó là dấu ấn đậm nét mà những người làm nghệ thuật lưu giữ để bảo tồn giá trị lao động nghệ thuật chân chính.

Phim "Đất phương Nam" được NSƯT Nguyễn Vinh Sơn chuyển thể từ tiểu thuyết "Đất rừng phương Nam" của nhà văn Đoàn Giỏi. Suốt phim là hành trình đi tìm cha của cậu bé tên An.

Đây là phim truyền hình dài tập thứ 2 do Hãng phim TFS sản xuất năm 1997, sau phim "Người đẹp Tây Đô" và là bộ phim dài tập đầu tiên của Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ.

"Nói về thành công của phim, ngoài đội ngũ rất am hiểu và trân trọng văn hóa Nam bộ, cần nhắc đến cố vấn phong tục tập quán cho phim là nhà văn Sơn Nam, nhà báo Bảy Triển; và nhạc sĩ Lư Nhất Vũ đã thổi hồn cho phim bằng những ca khúc để đời. Tôi vinh dự được tham gia bộ phim này và vai ông ba "bắt rắn" đi đến đâu khán giả cũng nhớ" - Nhà giáo ưu tú Mạnh Dung nói.

Thanh Hiệp (ảnh gia đình cung cấp)

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/van-nghe/ong-ba-bat-ran-phim-dat-phuong-nam-nho-loi-dan-do-gsts-tran-van-khe-20230721094617821.htm