Ông Biden hủy không kích một mục tiêu ở Syria vào giờ chót

Thông tin vừa được tiết lộ cho thấy quyết định không kích các mục tiêu tại Syria đã được chính quyền Tổng thống Joe Biden lên kế hoạch và lựa chọn thời điểm kỹ lưỡng.

Sau 10 ngày cân nhắc, Tổng thống Joe Biden ra lệnh Lầu Năm Góc tiến hành vụ không kích nhắm vào 2 mục tiêu trong lãnh thổ Syria. Khi vụ không kích chuẩn bị diễn ra ngày 26/2, một trợ lý gửi cho ông Biden thông báo khẩn chỉ 30 phút trước giờ khai hỏa, theo bài viết của Wall Street Journal.

Tại một trong hai mục tiêu không kích, hai thường dân - trong đó có một trẻ em - tình cờ xuất hiện. Bất chấp tiêm kích F-15E đã cất cánh, Tổng thống Biden yêu cầu hủy bỏ vụ không kích vào mục tiêu này.

Mục tiêu kép của Washington

Vụ không kích hôm 26/2 là lần sử dụng sức mạnh quân sự đầu tiên kể từ khi Tổng thống Biden nắm quyền.

Mục tiêu của Nhà Trắng phía sau vụ không kích là gửi tín hiệu tới Iran, rằng chính quyền mới sẵn sàng đáp trả vụ tấn công hôm 15/2 nhắm vào lực lượng Mỹ ở căn cứ tại thành phố Erbil, Iraq, nhưng không có ý định leo thang đối đầu với Tehran, một quan chức cấp cao tại Washington nói.

Để tránh gửi đi tín hiệu sai lệch, một bức điện mật đã được gửi tới Tehran sau vụ không kích, quan chức này tiết lộ, nhưng không cung cấp chi tiết.

"Chúng tôi đã xây dựng một kế hoạch ngoại giao và quân sự kết hợp khá chặt chẽ, bảo đảm người Iran biết rõ ý định của chúng tôi", quan chức chính quyền nói.

 Một mục tiêu bị phá hủy sau vụ không kích. Ảnh: AFP.

Một mục tiêu bị phá hủy sau vụ không kích. Ảnh: AFP.

Một mục tiêu then chốt khác của Mỹ là tránh làm suy yếu vị thế chính trị của đồng minh - Thủ tướng Iraq Mustafa al-Kadhimi, người Washington coi là đối tác trong cuộc chiến chống IS. Thủ tướng al-Kadhimi sẽ hứng chịu chỉ trích từ nội bộ nếu vụ không kích diễn ra trên lãnh thổ Iraq.

Khi vụ tấn công rocket xảy ra hôm 15/2, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin trấn an Tổng thống Biden rằng Nhà Trắng có thời gian để cân nhắc phương án trả đũa quân sự phù hợp.

Trong quá trình đưa ra phương án đáp trả, Nhà Trắng tìm cách bảo đảm mọi bộ phận chính quyền tham gia đầy đủ vào quy trình ra quyết định, đồng thời tránh kéo dài thời gian, điều từng xảy ra dưới thời ông Barack Obama.

Tuy nhiên, Nhà Trắng cũng muốn tránh tình trạng quyết định được đưa ra chỉ dựa trên tham vấn giữa Tổng thống Biden và một nhóm nhỏ các cố vấn, điều thường xảy ra dưới thời ông Donald Trump.

"Chúng tôi biết đây là lần đầu tiên chúng tôi đưa ra quyết định sử dụng vũ lực và sẽ có nhiều ánh mắt dò xét", một quan chức chính quyền nói.

Việc Nhà Trắng động binh không tránh khỏi sự giám sát đến từ các thành viên quốc hội như Thượng nghị sĩ Dân chủ Tim Kaine hay Thượng nghị sĩ Cộng hòa Todd Young.

Hai chính trị gia này cho rằng cơ sở pháp lý cho phép quân đội Mỹ sử dụng vũ lực tại Trung Đông đã lỗi thời. Tuần qua, hai Thượng nghị sĩ Kaine và Todd đã bảo trợ một dự luật nhằm giới hạn thẩm quyền phát động tấn công của tổng thống.

Một số nghị sĩ khác như Thượng nghị sĩ Dân chủ Mark Warner, chủ tịch Ủy ban Tình báo Thượng viện, bảo vệ quyết định không kích, nhưng cho rằng quốc hội nên được thông báo sớm hơn. Thượng nghị sĩ Warner nói ông nhận được thông tin trước vụ không kích 15 phút.

Một ngày sau vụ không kích, Tổng thống Biden gửi một bức thư tới quốc hội giải thích vì sao quân đội Mỹ phải hành động. Tuần qua, Nhà Trắng cho biết vẫn tiếp tục đối thoại với các nghị sĩ để làm rõ sự cần thiết tiến hành vụ không kích.

Đối đầu với Iran không có dấu hiệu hạ nhiệt

Các quan chức an ninh quốc gia Mỹ từng cân nhắc đáp trả vào các mục tiêu ở Syria, Yemen và Iraq, quan chức Mỹ tiết lộ.

Trong những ngày cuối cùng, ông Biden lựa chọn phương án an toàn nhất: tránh lãnh thổ Iraq, hẹn giờ cuộc tấn công vào nửa đêm để hạn chế thương vong.

Sau vụ không kích, quan chức Lầu Năm Góc nói đã tiêu diệt 1 phiến quân, và làm bị thương 2 tay súng khác.

Đồng thời, chính quyền Biden xem xét những tình huống cho phép sử dụng vũ lực với tầm nhìn thoáng hơn, và không đặt ra bất cứ giới hạn cụ thể nào.

Cựu Tổng thống Trump từng nhiều lần phát đi tín hiệu giới hạn đỏ của ông là hành động quân sự dẫn đến thiệt hại nhân mạng của người Mỹ ở nước ngoài.

Các quan chức chính quyền Tổng thống Biden cho biết họ không muốn Iran lầm tưởng rằng Tehran có thể thoải mái tấn công vào liên quân do Mỹ lãnh đạo miễn là không người Mỹ nào thiệt mạng.

"Chúng tôi sẽ rất linh hoạt trong vấn đề này", một quan chức chính quyền Tổng thống Biden nói.

Tổ hợp quân sự ở Erbil thiệt hại nặng sau vụ nã rocket của phiến quân. Ảnh: Getty.

Việc chính quyền của ông Biden gặp thử thách từ lực lượng dân quân Shiite, trong đó nhiều nhóm do Iran hậu thuẫn, là điều đã được Nhà Trắng dự báo từ trước.

Sau khi đánh bại IS ở quy mô nhà nước, Mỹ đã chĩa mũi dùi công kích vào Iran và các lực lượng ủy nhiệm do Tehran hậu thuẫn.

Các va chạm giữa hai bên nổ ra lẻ tẻ với quy mô tăng dần suốt 4 năm nhiệm kỳ Tổng thống Donald Trump. Đỉnh điểm là việc Mỹ không kích ám sát tướng Qassem Soleimani của Iran, kéo theo vụ tấn công đáp trả của Tehran khiến hơn 100 lính Mỹ ở Iraq bị thương.

Sau vụ không kích hôm 26/2, các quan chức Mỹ tin họ đã gửi đi thông điệp cảnh báo rõ ràng tới Tehran và các lực lượng ủy nhiệm ở Iraq.

Nhưng đến ngày 3/3, một nhóm dân quân phóng ít nhất 10 quả rocket vào căn cứ không quân al-Asad ở phía tây Iraq. Vụ tấn công khiến một nhân viên hợp đồng của Mỹ làm việc tại đây lên cơn đau tim và qua đời sau đó, các quan chức xác nhận.

Quyết định không kích được đưa ra như thế nào?

Một ngày sau vụ phiến quân nã rocket vào Erbil, Bộ trưởng Quốc phòng Austin và Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mark Milley cùng một số quan chức tình báo và an ninh quốc gia cấp cao họp với Tổng thống Biden ở Phòng Bầu dục.

Ông Austin đề nghị Washington dành thời gian suy tính kỹ lưỡng hành động đáp trả trước khi ra tay.

Hôm 18/2, tức 3 ngày sau vụ bắn rocket, Phó cố vấn An ninh quốc gia Jonathan Finer chủ trì một cuộc họp với sự tham gia của trợ lý các thành viên nội các. Ngày hôm sau, Cố vấn An ninh quốc gia Jake Sullivan triệu tập cuộc họp các quan chức chính phủ cấp cao.

Ngày 20/2, thêm 4 quả rocket bắn vào căn cứ không quân Balad ở Iraq. Không lính Mỹ nào có mặt khi vụ tấn công xảy ra. Tuy nhiên, hàng trăm nhân viên phương Tây có mặt ở căn cứ khi đó, trong đó một nhân viên người Mỹ bị thương. Nhà Trắng nghĩ rằng họ cần đáp trả.

Trong 2 ngày sau đó, các phương án tấn công mục tiêu ở Iraq và Syria được xem xét. Đến ngày 23/2, Tổng thống Biden triệu tập cuộc họp với quan chức cấp cao ở phòng Bầu Dục, trong đó có Phó tổng thống Harris, Bộ trưởng Quốc phòng Austin, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mark Milley, Cố vấn An ninh quốc gia Jake Sullivan và nhiều nhân vật chủ chốt khác của Hội đồng An ninh quốc gia.

Tổng thống Biden trả lời báo giới về vụ không kích ở Syria hôm 26/2. Ảnh: AP.

Cùng ngày, ông Biden điện đàm với Thủ tướng Iraq al-Kadhimi, thảo luận về việc bảo vệ người Mỹ ở nước này, cũng như Washington sẵn sàng hỗ trợ Baghdad điều tra vụ bắn rocket vào Erbil.

Giới chức Mỹ kết luận tấn công các mục tiêu ở Syria sẽ mang lại ít rủi ro hơn cho đồng minh Iraq. Syria là nơi nhóm biến quân gây ra vụ tấn công Erbil có căn cứ.

Sáng ngày 25/2, ông Biden và các quan chức cấp cao họp tại phòng Tình huống, ngoại trừ Bộ trưởng Quốc phòng Austin dự họp từ xa do đang có mặt ở California.

Tổng thống Biden nhận được các phương án cuối cùng, đi kèm đánh giá rủi ro, các lựa chọn hành động ngoại giao, bao gồm gửi tin nhắn cho Iran. Ông Biden lựa chọn tập trung vào 2 mục tiêu ở Syria và quyết định thực hiện vụ tấn công ngay trong đêm.

Khi các máy bay F-15E xuất kích, thông tin sự xuất hiện của người phụ nữ và đứa trẻ tại mục tiêu tấn công thứ hai được truyền về Nhà Trắng.

Đó là thời điểm 30 phút trước giờ khai hỏa. Cố vấn An ninh quốc gia Sullivan là người chuyển tin tình báo tới Tổng thống Biden. Người đứng đầu Nhà Trắng cần lập tức ra quyết định có tiếp tục vụ không kích hay không. Bộ trưởng Austin khuyến nghị chỉ tấn công một mục tiêu duy nhất.

Khoảng 1h30 sáng giờ Syria, vụ không kích được thực hiện.

Nhóm phiến quân Shiite sau đó ra thông báo tuyên bố họ không bất ngờ trước vụ không kích và thiệt hại chỉ ở mức tối thiểu. Trong khi đó, Iran cáo buộc vụ không kích là bất hợp pháp.

Ngày 27/2, Tổng thống Biden công khai thông điệp trước đó Washington đã bí mật gửi tới Tehran: "Hãy coi chừng, mọi hành động (sai trái) đều sẽ bị trừng trị".

Duy Anh

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/dieu-gi-da-xay-ra-truoc-khi-ong-biden-quyet-dinh-khong-kich-syria-post1190316.html