Ông Biden sẽ ngăn chặn cuộc chạy đua vũ trang mới?

Tổng thống Mỹ Joe Biden có thể sẽ trở lại tham gia Hiệp ước INF và Hiệp ước START-3 nhằm giúp thế giới giảm tốc cuộc chạy đua vũ trang mới.

Việc phía Mỹ hủy bỏ Hiệp ước về loại bỏ tên lửa tầm trung và tầm ngắn (Hiệp ước INF) là một trong những sai lầm nghiêm trọng trong thời kỳ cầm quyền của cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Tổng thống Mỹ Joe Biden có thể sẽ trở lại tham gia Hiệp ước INF và kéo dài Hiệp ước START-3.

Tổng thống Mỹ Joe Biden có thể sẽ trở lại tham gia Hiệp ước INF và kéo dài Hiệp ước START-3.

Hiệp ước này là một trong những yếu tố rất quan trọng nhằm đảm bảo an ninh quốc tế. Việc Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô Mikhail Gorbachev và Tổng thống Mỹ R. Reagan ký hiệp ước này vào năm 1987 đã đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì khả năng dự đoán, kiềm chế và kiểm soát vũ khí trên thế giới.

Sau khi Hoa Kỳ rút khỏi Hiệp ước INF vào năm 2019, để giảm leo thang tình hình ở châu Âu, Nga đã mời các nước NATO tham gia sáng kiến không triển khai các loại vũ khí mà Hiệp ước INF cấm. Tuy nhiên, các nước thành viên NATO đã từ chối sáng kiến này của Nga.

Năm 2020, tại cuộc đàm phán về ổn định chiến lược ở Vienna, phái đoàn Nga một lần nữa đề xuất với Mỹ xem xét sáng kiến của Tổng thống Nga Vladimir Putin về việc ngừng triển khai các loại vũ khí tầm trung và tầm ngắn ở các nước châu Âu. Nhưng cũng giống như lần trước, đại diện của Tổng thống Mỹ về kiểm soát vũ khí M. Billingsley đã tuyên bố rằng, họ sẽ không cấm các nước ở châu Âu triển khai tên lửa tầm trung và tầm ngắn.

Sau đó, căng thẳng vẫn tiếp tục và đã bùng lên giữa Điện Kremlin và Nhà Trắng. Các cuộc đối thoại giữa Nga và Mỹ về các vấn đề an ninh quốc tế đã đi vào ngõ cụt. Tình hình càng trở nên trầm trọng hơn khi giới lãnh đạo quân sự - chính trị Mỹ tuyên bố sẽ tăng cường số lượng các tên lửa tầm trung và tầm ngắn ở khu vực châu Âu và châu Á do mối đe dọa của Nga và Trung Quốc ngày càng tăng.

Thậm chí, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã kêu gọi chính quyền Mỹ giảm leo thang tình hình ở châu Âu trong bối cảnh Hiệp ước INF đã chấm dứt. Ông Putin cũng tuyên bố rằng, nước này sẵn sàng nhượng bộ và không triển khai tên lửa 9M729 ở khu vực châu Âu, mặc dù ông cho rằng loại tên lửa này hoàn toàn tuân thủ Hiệp ước INF.

Ông Putin cũng đề nghị tiến hành kiểm tra chung các căn cứ quân sự để loại bỏ những mối lo ngại của hai bên, bao gồm kiểm tra các tổ hợp Aegis Ashore tại các căn cứ của Mỹ ở châu Âu và NATO, tên lửa 9M729 tại các cơ sở quân sự của Nga. Tuy nhiên, phía Mỹ hoàn toàn không có phản ứng nào.

Tuy nhiên, tất cả những hành động này đều diễn ra dưới thời của cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump. Vào 20/1 năm nay chính quyền Nhà Trắng đã được thay thế bởi tân Tổng thống Joe Biden, người đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào năm ngoái. Chưa biết ông Biden có quyết định trở lại tuân thủ Hiệp ước INF và gia hạn Hiệp ước START-3 hay không, tuy nhiên nếu nhà lãnh đạo Mỹ từ chối, thế giới sẽ chìm trong cuộc chạy đua vũ trang mới.

Chí Huy

Nguồn Đất Việt: http://datviet.trithuccuocsong.vn/the-gioi/tin-tuc-24h/ong-biden-se-ngan-chan-cuoc-chay-dua-vu-trang-moi-3426077/