Ông cha ta bảo vệ đê điều như thế nào?

Cách nay mấy ngàn năm, đồng bằng Bắc bộ hiện nay còn là một vùng đất thấp được bồi đắp bởi phù sa con sông Hồng, hàng năm, khi nước sông dâng cao, nhiều khu vực sinh sống của cư dân bị ngập lụt, gây nhiều thiệt hại cho nhà cửa và hoa màu.

Vì thế, hệ thống đê điều là hình thức bảo vệ đầu tiên mà tổ tiên ta đã nghĩ đến để phòng chống thiên tai bão lụt. Song, qua một quá trình dài hàng ngàn năm, đê điều và việc quản lý đê điều có những thay đổi nhất định tùy theo mỗi triều đại.

Đê điều qua các triều đại

Do hậu quả của hàng ngàn năm Bắc thuộc, ta không tìm thấy được nguồn sử liệu nào cho biết tổ tiên chúng ta đã xây dựng đê điều từ bao giờ. Theo sách Đại Việt Sử ký Tiền Biên của Ngô Thì Sĩ thì việc đắp đê chỉ mới diễn ra vào thời Lý với đê ở phường Cơ Xá, đắp xong năm 1108, chỉ để bảo vệ kinh thành Thăng Long.

 Kinh lược sứ Hoàng Cao Khải.

Kinh lược sứ Hoàng Cao Khải.

Đến tháng 3 năm Mậu Thân (1248), nhà Trần cho đắp đê có nhiều chỗ vòng ra, giống hình cái quai vạc, nên gọi là đê Đỉnh nhĩ. Lần đầu tiên đê này được đắp suốt từ đầu nguồn đến bờ biển để ngăn nước lụt khỏi tràn ngập, bồi thường thỏa đáng cho dân ở những chỗ nào phạm vào ruộng đất của họ. Tuy là thời quân chủ phong kiến, thực hiện công trình công ích phạm vào quyền lợi của người dân, nhà Trần vẫn nghĩ đến việc bồi thường thỏa đáng cho họ.

Đê Đỉnh nhĩ thời Trần giúp dân có thể gieo cấy vào tháng 5 hàng năm, và khi vụ mùa chấm dứt, người ta để cho nước tràn vào ruộng. Điều này cho thấy lúc bấy giờ, đê không được đắp cao và không bền vững lắm. Đến thời Lê, triều đình nỗ lực tôn tạo và đắp mới hệ thống đê điều dọc theo sông Hồng, đặc biệt là vùng Sơn Tây và Hà Nam, đặt ra những điều luật nghiêm ngặt quanh việc quản lý đê ở miền Bắc.

Thế kỷ XIX, triều đình nhà Nguyễn có nhiều nỗ lực trong việc tổ chức quản lý đê điều để giảm thiểu những bất trắc khi thiên tai xảy ra. Năm 1809, vua Gia Long đặt ra Nha Bắc thành đê chánh, cử Binh bộ Đặng Trần Thường làm Tổng lý, Tham tri Công bộ Nguyễn Khắc Thiệu làm Tham lý.

Cũng trong năm này, triều đình định kiểu mẫu các đê ở Bắc thành, theo đó:

- Với sông lớn: Ở thượng lưu và trung lưu, mặt đê rộng 8m (2 trượng), chân đê 28m, cao 4,8m; ở hạ lưu, mặt đê rộng 4,8m, chân đê 20 m, cao 4m.

- Với sông nhỏ: Mặt đê rộng 3,6 m, chân đê 12m, cao 3,6m.

Năm 1830, chiều dài tổng cộng của hệ thống đê tại miền Bắc đã đo được 333.616 trượng (khoảng 1.300km), bằng chiều dài đường bộ từ Hà Nội vào đến Nha Trang. Về kích thước, ở khúc sông lớn, mặt đê rộng 8m, chân đê rộng 28m, cao 4,8m; sông nhỏ mặt đê rộng 3,6m, chân rộng 12m, cao 3,6m.

Bỏ đê hay giữ đê?

Để góp phần giải quyết một vấn đề quan trọng trong đời sống của cư dân vùng châu thổ sông Hồng, ngay thời vua Minh Mạng, đã có người đưa ra đề nghị táo bạo là … bỏ đê. Nhà vua gọi thị thần lại, phán rằng: "… sự thế tại Bắc kỳ so với các miền từ Thanh, Nghệ vào Nam không giống nhau, mà tiền nhân đắp đê cũng là vạn bất đắc dĩ.

Nay nếu luận phá bỏ đê đi, giả như có thể thấy một chút ích lợi trước mắt, cũng còn chưa nên phá bỏ đê ngay, huống chi là nay nếu phá bỏ đê, thời lập tức nước sông dâng lên tràn ngay vào ruộng hại liền theo đó, như thế thời đủ thấy rõ ràng rằng đê không thế nào phá bỏ đi được vậy. Nếu khinh suất nghị luận phá bỏ đê, không khỏi để cho đời sau chê cười…” (Minh Mạng chính yếu - Tập II - NXB Thuận Hóa - Huế 1994, tr. 51)

Để củng cố lập trường giữ đê, vua Minh Mạng cho đào sông Cửu hà để san sẻ bớt nước của con sông Hồng. Sông đào rồi, tỉnh thần Hưng Yên tâu lên nhờ thế mà “lúa mùa hè rất được, so với năm trước, được rất nhiều hơn”. Tại các tỉnh Sơn Tây, Hải Dương cũng vậy, những nơi nào bị nước lụt tràn vào, bùn nổi bồi lên, đất trở nên màu mỡ, sản lượng nông nghiệp tăng lên rất nhiều. Song thiệt hại cũng không phải là nhỏ. Năm 1834, nước sông Hồng dâng cao hơn 10m, dân chết đuối vô số. Triều Tự Đức, đê Văn Giang ở Hưng Yên bị vỡ 18 năm liền, cả huyện Văn Giang thành bãi cát bỏ hoang.

Đến năm 1847, phái bỏ đê lại rộn lên, với người đề xướng chính là Nguyễn Đăng Giai, Tổng đốc Hà Ninh. Vị đại thần này lập luận rằng nước đổ vào một cái chén nhỏ (giữ lại đê) thì đầy tràn, nhưng cũng ngần ấy nước đổ ra một cái mâm lớn (bỏ đê) thì nước sẽ được phân phối trên một diện rộng hơn nhiều nên sẽ vơi đi, tình trạng ngập nước nếu có xảy ra cũng không quá nghiêm trọng.

Đê sông Hồng.

Ông nêu bằng chứng là từ Sơn Tây đến Nam Định, dân ở ngoại đê hàng trăm xã, khi mưa lũ thì ở bằng sàn, đi bằng thuyền, khi nước rút, ruộng không phải cày cấy gì mà lúa cắm xuống đã mọc lên tươi tốt, không có nhà dân nào phải dời đi, ruộng chẳng phải bỏ hoang bao giờ. Còn ở những vùng nằm trong vòng bao bọc của đê thì “… bên trong thì mong nước như khát mà bên ngoài coi nước như thù, muốn đào ra lấy nước thì sợ vỡ đê, muốn hộ vệ đê điều cho vững thì ruộng lúa chịu bỏ, làm đê vệ nông mà lại ngăn trở việc nông…” (Bắc kỳ hà đê sự tích - Hà Ngọc Xuyên dịch – Bộ Quốc gia Giáo dục - Sài Gòn 1963).

Để điều hòa lưu lượng nước, Nguyễn Đăng Giai đề nghị khi bỏ đê, sẽ khai thông sông Nguyệt Đức (Sơn Tây), Thiên Đức (Hàm Long), Nghĩa Trụ (Bắc Ninh), khiến nước sông Hồng được phân lưu chảy về đông, giảm bớt lượng nước chảy vào đồng ruộng. Sau khi bàn bạc cùng đình thần, vua Thiệu Trị không dám vượt ra khỏi chủ trương của vua cha là Minh Mạng, không chấp thuận đề nghị của Nguyễn Đăng Giai.

Trong những năm cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, có hai đại thần triều Nguyễn bàn đến việc đê điều với những ý kiến rõ ràng, lập luận khá sâu sắc. Người thứ nhất là Tổng đốc Hưng Yên Lê Hoan, chủ trương giữ đê kèm theo biện pháp tu bổ các sông ngòi để hạn chế tác hại do nước gây ra. Người thứ hai là nguyên Kinh lược sứ Hoàng Cao Khải.

Thập niên 1910, họ Hoàng gửi cho Thống sứ Bắc kỳ một tài liệu dài, cũng trong chủ trương giữ đê, song nội dung rõ ràng, chi tiết hơn. Theo ông, nếu đồng loạt bỏ hết đê, các làng mạc sẽ chìm trong nước lũ, muốn canh tác trở lại, phải chờ đến 10 năm. Cứu trợ và miễn thuế cho dân trong suốt 10 năm là điều rất khó thực hiện, cư dân dễ rơi vào tình trạng đói khổ, chết chóc.

Hoàng Cao Khải cho rằng có thể bỏ đê ở những vùng đất cao và giữ đê ở những vùng đất thấp, tìm cách nâng cao những vùng đất thấp để tiến dần đến việc bỏ hẳn đê. Ông cũng ước tính trong vòng 10 năm, những vùng thấp sẽ được sa bồi thành những vùng không ngập nước. Tại hầu hết những tỉnh còn lại, một số nơi lòng sông cao hơn mặt ruộng 5m, buộc phải giữ đê và mở rộng dòng chảy.

Tài liệu của Hoàng Cao Khải (lưu trữ tại Thư viện Khoa học Xã hội Miền Nam) được Thống sứ Bắc kỳ chuyển cho Sở Thủy lợi Pháp tại Hà Nội cho ý kiến. Trong tờ trình cho cấp chỉ huy, viên Chánh kỷ sư, Giám đốc Sở Thủy lợi, tán đồng phần lớn quan điểm của vị nguyên Kinh lược sứ và nhận xét thêm rằng lòng sông không được bồi nhanh như người ta tưởng, nước ngày một dâng cao, chủ yếu là lưu lượng nước tăng lên do nạn phá rừng ở thượng nguồn gây ra.
Về phần triều đình Huế, vẫn giữ nguyên lập trường giữ đê như cũ. Thập niên đầu thế kỷ XX, vua Thành Thái định rằng hàng năm cứ trước ngày 20 tháng 11 dương lịch, Sở Lục lộ các tỉnh đi khám đê điều trong hạt, lập biên bản trình cho Công sứ Pháp liệu biện. Cũng từ thời điểm này, tình trạng lụt lội đã giảm thiểu khá nhiều, nhờ nỗ lực của chính quyền thuộc địa, ý thức gìn giữ đê của người dân.

Phòng hộ đê và thưởng phạt nghiêm minh

Thời vua Tự Đức, khi đê sông bị vỡ, các quan chức sở tại đều bị giáng chức, bị phạt, các Tổng lý bị phạt trượng tùy mức độ nặng nhẹ của hiện trạng đê vỡ. Không những thế, các phái viên của tỉnh có liên quan đến việc phòng hộ đê như Quản vệ, Quản cơ, Thông phán, Kinh lịch… đều bị giáng hai cấp nếu đê điều trong phạm vi giám sát, phối hợp với họ bị vỡ.

Năm 1866, triều đình Huế nâng thêm mức xử phạt về đê vỡ. Để đê công bị vỡ, các quan phủ, huyện sở tại bị phạt giáng 4 trật, để đê tư bị vỡ, các quan phủ bị giáng 2 trật. Khi đê vỡ, nếu các quan chức trên Đốc sức dân phu hàn lại được ngay thì ai bị giáng 4 trật, sẽ được khai phục hai trật, ai bị giáng 2 trật sẽ được khai phục một trật.

Đó là các biện pháp phạt, về thưởng, không thấy có những quy định cụ thể. Song những quy định trên cũng góp phần không nhỏ trong việc nâng cao chất lượng phòng hộ đê tại các địa phương, nhất là ở những nơi thường xảy ra nạn vỡ đê, đời sống của người dân đỡ gieo neo đi nhiều.

Năm 1830, chiều dài tổng cộng của hệ thống đê tại miền Bắc đã đo được 333.616 trượng (khoảng 1.300km), bằng chiều dài đường bộ từ Hà Nội vào đến Nha Trang. Về kích thước, ở khúc sông lớn, mặt đê rộng 8m, chân đê rộng 28m, cao 4,8m; sông nhỏ mặt đê rộng 3,6m, chân rộng 12m, cao 3,6m.

Lê Nguyễn

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/thong-diep-tu-lich-su-ong-cha-ta-bao-ve-de-dieu-nhu-the-nao-357088.html