Ông chủ Bảo Long: 'Nếu Trời thương cho sống đến 80, tôi dư sức làm nên mọi chuyện!'

Trong cuốn tiểu thuyết hồi ký mang tên 'Đường đời dốc đứng', Chủ tịch tập đoàn y dược Bảo Long - ông Nguyễn Hữu Khai dành nhiều trang để chia sẻ những bí mật về kinh doanh và đời tư.

Ông Nguyễn Hữu Khai – Chủ tịch tập đoàn Y dược Bảo Long

“Tảng đá quý thô ráp trên vách đứng cuộc đời”

Ông Nguyễn Hữu Khai – Chủ tịch tập đoàn Y dược Bảo Long vốn được biết đến rộng rãi qua nhân vật Hải trong bộ phim truyền hình nhiều tập “Đường đời” của đạo diễn Quốc Trọng (chuyển thể từ tiểu thuyết “Nợ đời” của nhà báo Hoàng Dự) vào những năm đầu thế kỷ XX.

Lập nghiệp, vào tù và trắng tay, gây dựng lại cơ đồ nghìn tỷ rồi lại trắng tay rồi vào tù – đó là câu chuyện cuộc đời thăng trầm kỳ lạ của vị thầy thuốc, võ sư, doanh nhân Nguyễn Hữu Khai. Nhưng, sự nghiệp có lúc đỉnh cao, có lúc mất sạch cũng không đau buồn bằng việc ông 4 lần ngụp lặn trong hôn nhân tan vỡ.

Nhà báo Hoàng Dự khi nói về ông Khai đã nhận định rằng: Cuộc đời Nguyễn Hữu Khai quá nhiều thăng trầm, chỉ cần chép lại đã đủ thành tiểu thuyết.

Mới đây, ông chủ tập đoàn y dược danh tiếng một thời quyết định cho ra mắt cuốn hồi ký – tiểu thuyết viết tiếp “đường đời” của mình, về những năm tháng trong tù cũng như những tiết lộ thú vị về cuộc hôn nhân thứ tư và thương vụ hợp tác đình đám với tập đoàn Bảo Sơn - nguyên nhân khiến ông vào tù.

Nhà báo Đinh Đức Lập – nguyên Tổng Biên tập báo Đại đoàn kết chia sẻ: “Cuộc đời của Nguyễn Hữu Khai vô cùng gian khổ, có thể nói là khốc liệt. Bị vào tù lần này là một câu chuyện buồn, vẫn còn nhiều uẩn khúc. Song chính trong thời gian này đã cho thấy một Nguyễn Hữu Khai uyên bác, hiểu đời sâu sắc, không chịu đầu hàng số phận…".

Nhà văn Võ Khắc Nghiêm trong khi viết lời tựa Sức hấp dẫn của “Đường đời dốc đứng” cũng nhận xét “... toàn bộ cuốn sách vẫn còn nguyên vẹn chất thô ráp của một tảng đá quý trên vách đứng cuộc đời”.

Thương vụ Bảo Long - Bảo Sơn: 4 năm nhìn lại

Còn nhớ, thời cực thịnh là những năm 2004 – 2008, Bảo Long sở hữu cơ đồ nghìn tỷ với hệ thống bệnh viện, phòng khám, vùng trồng dược liệu, trường dạy võ... quy mô hơn 1.000 người. Bảo Long trở thành 1 trong 100 thương hiệu mạnh của Việt Nam, nổi tiếng không chỉ ở trong nước mà còn vươn ra thị trường Trung Quốc, Nga, Nhật Bản, CHLB Đức, Cộng hòa Czech,... Năm 2011, đài truyền hình Kenja (Nhật Bản) đã cử ê-kíp sang làm phóng sự về ông Khai và bình chọn ông là 1 trong 10 doanh nhân nổi tiếng Việt Nam, 1 trong 500 doanh nhân nổi tiếng châu Á.

Thế nhưng mọi thứ bắt đầu chao đảo từ sau cơn lốc khủng hoảng suy thoái kinh tế những năm 2007 - 2010. Việc bán hàng bị ngừng trệ do nhiều đối tác thay đổi điều kiện nhập khẩu thuốc, ngân hàng từ chối đáo hạn, trong khi trót đầu tư quá nhiều vào trường học và bệnh viện, Bảo Long phải vay tư nhân với lãi suất cao để cầm cự, rồi sau đó phải dứt lòng bán 3 đơn vị của mình cho tập đoàn Bảo Sơn để cứu các đơn vị còn lại.

Thương vụ sang nhượng tài sản giữa tập đoàn Bảo Long và Bảo Sơn cho đến nay vẫn còn tốn không ít giấy mực của báo giới. Chia sẻ với PV báo Người đưa tin, ông Nguyễn Hữu Khai cảm thán: “Tôi là một thầy thuốc, tôi không giỏi về kinh doanh, lại do quá tin tưởng đối tác nên tôi đã sơ hở trong việc ký kết hợp đồng, khiến cho số tiền sang nhượng 232 tỷ đồng lẽ ra chỉ bao gồm đất đai và tài sản trên đất lại được đối tác dùng để thâu tóm toàn bộ Bảo Long, bao gồm cả thương hiệu bao năm gây dựng của chúng tôi”.

Ông Khai chia sẻ: “Bản chất của hợp đồng này là Bảo Long vay Bảo Sơn 10 tỷ để mua nguyên liệu phục vụ sản xuất, nhưng vì vay trong thời hạn 1 năm mà sản xuất phải có tiến độ, không thể liền một lúc đầu tư hết vào mua nguyên liệu nên chúng tôi có dùng một ít cho các hoạt động sản xuất kinh doanh khác của Tập đoàn, như: Trả nợ tiền góp vốn, trả lương, chi phí quản lý hành chính...

Trong tù, ông Nguyễn Hữu Khai đã viết đơn kêu oan, nhưng sau đó ông rút đơn và được đặc xá vào tháng 9/2015. Trong cuốn hồi ký dài 700 trang vừa xuất bản, ông Khai đã dành một chương có tên gọi “Từ đối tác thành đối thủ” để nhìn nhận lại thương vụ làm ăn đình đám này.

Cuộc hôn nhân ngắn ngủi ở tuổi xế chiều

Một trong những chi tiết khiến nhiều người lâu nay tò mò về doanh nhân đào hoa nhưng lận đận tình duyên này là cuộc hôn nhân với người vợ thứ tư – một bác sĩ, học trò kém ông tới 23 tuổi.

Trước đây ông khá kín tiếng về cuộc hôn nhân này, thường từ chối chia sẻ với báo chí. Dường như đã quá quen nghe những tai tiếng về đào hoa và lận đận, lần này ông muốn giữ cuộc hôn nhân quý giá cho riêng mình. Thế nhưng, con tạo thật khéo xoay vần, mối tình đẹp như thơ ấy cuối cùng cũng rời bỏ ông vào những ngày tăm tối khi ông ngồi tù.

Bây giờ, ông bảo, dù luôn trân trọng tình cảm nhưng ông không trách những người phụ nữ đã đi qua cuộc đời, bởi như ông nói: “Họ cũng phải tự lo cho bản thân mình và họ cũng đã quá khổ rồi!”.

Đâu đó trong cuốn hồi ký, ông miêu tả cuộc hôn nhân thứ tư bằng những lát cắt quá khứ, những hoài niệm xa xôi về giây phút cô bác sĩ thông minh, mạnh mẽ trong đối đáp đã âm thầm cảm mến ông nhiều năm, đã xé rào khoảng cách thầy trò để tỏ tình với thầy, cùng lý giải dễ thương "... tựa như những ván cờ mà thầy đã nhường em đi trước". Ở tuổi lục tuần của ông, người phụ nữ đặc biệt ấy đã giúp ông hồi sinh tình yêu bằng “tiếng tim rối nhịp bức bách, rộn ràng mang tín hiệu lâm sàng rất cần cấp cứu”... Nhưng tất cả đều đã xa rồi!

Chứng kiến hôn nhân lận đận của bố, con gái cả của ông Khai trong một bức thư gửi bố đã phải cảm thán xót xa: “Bố ơi! Bố đã quá khổ rồi! Đời người ta chỉ tan vỡ gia đình một lần là khô héo cả thể xác lẫn tinh thần! Thế mà bố đã phải chịu tới bốn lần!”.

Đến giờ, ở tuổi 65, trái tim chai sạn của ông đã khép lại với tình duyên, chỉ còn đau đáu tham vọng gây dựng lại Bảo Long. Ông cho biết nhiều đối tác cũ đã quay về, nhiều hợp đồng tiền tỷ vừa ký chưa ráo mực và khẳng định “Nếu trời thương cho sống đến 80, tôi dư sức làm nên mọi chuyện”.

Nguồn Người Đưa Tin: http://www.nguoiduatin.vn/neu-troi-thuong-cho-song-den-80-toi-du-suc-lam-nen-moi-chuyen-a346153.html