Ông chủ không được chết

Không biết làm sao gần đây Lý Cường thường xảy ra những chuyện không may.

Đầu tiên là vào một đêm tháng ba, anh ta đi dự tiệc. Khi một mình lái xe về, vì uống nhiều không tự chủ được tay lái làm xe lao qua lan can cầu rơi xuống sông. Lý Cường hoảng hốt lấy hết sức mở cửa xe nhưng không thể mở được. Đang lúc nguy nan, bỗng nhiên thấy tiếng nước chảy vào trong xe và cửa xe được mở ra, một cánh tay thò vào trong xe kéo Lý Cường ra và đưa anh ta lên bờ.

Cứu Lý Cường là một người mặc quần áo làm công. Lý Cường vội cảm ơn anh ta, không ngờ anh ta lại nói với vẻ thờ ơ: "Không cần phải cảm ơn tôi". Lý Cường hỏi tên anh ta nhưng người đó xua tay nói: "Tôi là người làm công, ông không cần phải biết tên tuổi tôi để làm gì".

Lý Cường còn muốn hỏi thêm anh ta một số vấn đề nữa nhưng người đó lộ vẻ khó chịu: "Tôi đang bận, ông đi mà tìm người kéo xe lên, ông không chết thì phải cảm ơn trời đất mới phải". Nói xong người đó quay đi, vừa đi vừa lẩm bẩm: "Thật may mà ông ta không chết, ông chủ nhất thiết không được chết".

Minh họa: Lê Tâm.

Mấy hôm sau, Lý Cường dẫn đoàn cán bộ thành phố đi thị sát công trình. Khi đi qua một khu nhà cao tầng đang xây thì một thanh sắt bỗng rơi từ trên cao xuống, đúng vào chỗ Lý Cường đứng. Trong mối nguy hiểm ngàn cân treo sợi tóc, không biết từ đâu xuất hiện một người làm công lao đến đẩy Lý Cường ra tránh được tai nạn, nhưng người làm công đó lại bị thanh sắt đập vào vai ngã xuống ngất đi.

Sau sự việc, Lý Cường mới biết rằng người cứu mình là người làm công cho công ty của mình. Vì có người xả thân cứu mình nên Lý Cường rất cảm động. Hôm sau, nghe tin người làm công đã tỉnh, Lý Cường định đến bệnh viện thăm anh ta. Trước khi đi, Lý Cường gọi điện cho một phóng viên của tờ báo địa phương đi cùng để phỏng vấn đưa vấn đề này lên báo chí nhằm biểu dương tinh thần, đồng thời lấy đó làm món quà cảm ơn anh ta.

Khi Lý Cường và người phóng viên đến bệnh viện, người làm công cứ ngây người nhìn họ tỏ vẻ ngạc nhiên.

Người phóng viên nở nụ cười, giọng thân mật hỏi người đó: "Tôi là phóng viên, xin hỏi, khi cứu người trong lúc nguy cấp, anh có biết người đó là ông chủ của anh không?". Người làm công chỉ gật đầu không nói. Người phóng viên lại hỏi: "Vì sao anh lại xả thân cứu ông chủ, vậy lúc đó anh nghĩ gì?". Người làm công gãi gãi đầu, nói: "Lúc đó tôi ở rất gần ông chủ nên không thể nghĩ ngợi nhiều, chỉ nghĩ là bất cứ thế nào cũng không thể để ông chủ chết được, thế là tôi vội lao đến".

Nghe đến đây, Lý Cường vô cùng cảm động nhưng đồng thời anh thấy giọng nói của người làm công rất quen, hình như anh đã được nghe giọng nói này ở đâu rồi?

Người phóng viên lại hỏi: "Vì sao anh lại có cảm tình sâu sắc với ông chủ? Xem ra thời gian qua ông chủ đã đối xử rất tốt với các anh phải không?". Người làm công chau mày lại như rất khó nói ra được vấn đề này, nhưng người phóng viên cứ gặng hỏi muốn người làm công phải trả lời vấn đề cho rõ ràng.

Biết không thể chối được, người làm công do dự một lúc rồi ấp a ấp úng nói: "Thôn chúng tôi có hơn một trăm người lên đây làm công cho ông chủ, chúng tôi đã làm cho ông chủ gần một năm nay nhưng vẫn chưa nhận được một đồng tiền công nào.

Trước đây có một người trong thôn lên thành phố làm công trở về nói với chúng tôi rằng, anh ta làm việc cho một ông chủ họ Trương trong nửa năm mà không nhận được đồng tiền công nào. Gần đây ông chủ họ Trương bị tai nạn đột ngột chết đi, người đồng hương cay đắng nói rằng tiền công của anh ta là công cốc và không bao giờ lấy được nữa".

Nói đến đây, người công nhân nghiến răng nghiến lợi nói: "Nghe lời giáo huấn của những người đã đi lên thành phố làm công, chúng tôi thấy phải đề cao cảnh giác, trước khi chưa nhận được tiền công thì trong bất cứ trường hợp nào, khi ông chủ lâm nguy phải xả thân cứu ông chủ, nhất thiết ông chủ không được chết!".

Truyện vui của Sơ Triệu Khanh (Trung Quốc)- Nguyễn Thiêm (dịch)

Nguồn VNCA: http://vnca.cand.com.vn/truyen/ong-chu-khong-duoc-chet-501051/