Ông chủ tiệm massage khiếm thị cưu mang người mù

Trước khi trở thành ông chủ tiệm massage cưu mang người khiếm thị, Nguyễn Ngọc Hiếu (31 tuổi, quê Tiền Giang) đã từng lặn lội lên TP.HCM làm mướn khi chỉ mới 12 tuổi. Vượt qua số phận với một tương lai tốt đẹp đang chờ đón thì chẳng may anh bị mù sau một cơn sốt 'thập tử nhất sinh'...

Thời điểm ấy, gia đình Hiếu thuộc dạng nghèo nhất xóm, mọi chi tiêu trong nhà đều trông vào gánh trái cây của mẹ. Cuộc sống khó khăn dần nhen nhóm trong đầu Hiếu một suy nghĩ “Mình phải rời khỏi nơi này, phải tìm một công việc để đỡ đần cho mẹ”.

Nguyễn Ngọc Hiếu (31 tuổi, quê Tiền Giang) bị mù mắt sau một cơn sốt “thập tử nhất sinh”.

Hiện tại Hiếu đang quản lý hai cơ sở massge ở Q.10 và Q.7.

12 tuổi và 70.000 đồng

Suy nghĩ đó cứ thôi thúc Hiếu hàng ngày, hàng giờ. Cậu nghĩ đó là cơ hội duy nhất để thoát khỏi cảnh nghèo túng. “Năm lớp 7, tôi trộm con gà của mẹ đem bán được 70.000 đồng, tự xin giấy tạm vắng rồi bắt xe lên TP.HCM tìm việc làm” - Hiếu nói nghe nhẹ bâng. Với bao suy nghĩ tích cực, Hiếu bắt đầu lội bộ khắp nơi xin việc nhưng không ai nhận vì quá nhỏ tuổi, cậu phải ngủ công viên, uống nước cầm chừng vì không còn một đồng dính túi. “May thay, tôi được nhận vào một công ty nhựa ở Q.Bình Tân, họ trả cho mình 15.000 đồng/ngày, cho ăn 1 bữa và sắp xếp cái kho cho tôi ngủ lại” - Hiếu nhớ lại những ngày đầu tiên đặt chân lên thành phố. Nhờ bản chất thật thà, hiền lành cộng thêm sự chăm chỉ nên Hiếu rất được lòng chủ. Họ tạo điều kiện cho Hiếu vừa học, vừa làm. Không phụ lòng chủ, cậu thi đỗ vào trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương TP.HCM.

Thầy giáo mù bán trái cây

Sau ba năm dạy học tại TP.Vũng Tàu, Hiếu quyết định cùng bạn gái “về chung một nhà”. Ngờ đâu biến cố ập đến cướp đi đôi mắt của Hiếu. Cậu không còn nhìn thấy được ánh sáng, thấy được người vợ sắp cưới của mình. Giương đôi mắt không hồn, nhìn về một hướng, Hiếu nói: “Cảm giác mọi thứ bỗng chốc chìm trong một màu đen, bản thân không thể tự làm bất cứ việc gì từ chuyện đơn giản nhất, thật kinh khủng. Lúc ấy, tôi muốn chết quách cho xong, còn hơn phải chịu cảnh mù lòa”. Khỏi bệnh, Hiếu xin nghỉ việc dạy học và bắt đầu bán trái cây ở vỉa hè. “Bạn gái của tôi vẫn thường xuyên đến chăm sóc tôi đều đặn, nhưng một mặt sợ bạn gái khổ, một mặt gia đình cổ ngăn cản nên tôi đã nhiều lần xua đuổi, để cổ rời bỏ tôi nhưng không thành” - Hiếu kể. Và rồi, hai vợ chồng cũng về sống chung với nhau, nhưng ít lâu sau thì gia đình nhỏ của Hiếu đổ vỡ. “Nghe đâu cô ấy bị gia đình bắt về để cưới chồng khác. Từ ngày đó, tôi không nghe tung tích gì của cô ấy nữa” - Hiếu nói.

Hiếu luôn kề cận các bạn khiếm thị, dạy nghề tận tâm.

Một người khách Việt kiều đến tìm Hiếu để massage sau lần về nước.

“Mình mù nên mình thương người mù”

Chia tay vợ, Hiếu chuyển sang bán vé số ở đường Lê Trọng Tấn (Q.Tân Bình). Cho đến một ngày, Hiếu bị một nhóm thanh niên giật vé số rồi đạp té xuống kênh và không tài nào lên được. “May mắn lúc đó có một cô giáo trong trường khuyết tật nhìn thấy nên đã kịp thời cứu tôi và dạy nghề massage cho tôi” - Hiếu kể. Sáng học nghề, chiều bán vé số. Rồi ngày ra nghề cũng đến, Hiếu và người bạn cùng lớp mở một tiệm massage nhỏ để kiếm thêm thu nhập trang trải cuộc sống. Tích cóp một thời gian, Hiếu mở riêng cho mình một tiệm massge với quy mô lớn hơn. Rồi Hiếu bắt đầu đến các trung tâm khuyết tật ở khắp nơi để tìm những bạn khiếm thị thật sự yêu thích nghề massage và truyền nghề, tạo cơ hội việc làm cho các bạn. Kể từ đó, nhân viên của Hiếu 100% là người khiếm thị. Có bạn là vận động viên nhưng bị mù một mắt, có bạn bán tăm bông vỉa hè, vé số, khẩu trang… tất cả đều được Hiếu đưa về cơ sở massage của mình để dạy nghề…

Từng bị giật vé số, thu nhập bấp bênh nên Hiếu rất hiểu người khiếm thị kiếm tiền khó khăn như thế nào. Hiếu vừa dạy nghề, vừa lo ăn uống và chỗ ở cho tất cả nhân viên. Có người đã gắn bó với anh trong suốt quá trình gầy dựng sự nghiệp. “Em biết được anh Hiếu từ một người bạn học chung trường. Anh Hiếu rất có trách nhiệm, dạy nghề tận tâm, lo chỗ ăn, chỗ ở, thuốc men… rất chu đáo, mỗi năm còn tổ chức đi du lịch”, em Nguyễn Văn Duy (20 tuổi) cho biết. Tại bàn làm việc của Hiếu lúc nào cũng có hai con heo đất to. Một con chứa tiền gửi xe, còn một con thì chứa tiền boa của anh. Tất cả số tiền đó sẽ dùng vào việc mua quà tết, chữa bệnh, tổ chức sinh nhật… cho các nhân viên của Hiếu. Hàng năm, Hiếu luôn tổ chức một tour du lịch vài ngày để nhân viên của anh giải trí, biết đó biết đây. “Tôi xem nhân viên của mình như anh em một nhà, vì tôi hiểu người khiếm thị có tự ái rất cao, dạy nghề phải nói chuyện từ tốn, tránh làm tổn thương các bạn” - Hiếu nói. Hiếu đã từng mất đi rất nhiều: Hoài bão, tuổi trẻ và cả một mái ấm, nhưng giờ đây anh luôn hạnh phúc với những gì đang có. Với Hiếu các bạn là một đại gia đình đúng nghĩa.

Bài & ảnh: Phan Định

Nguồn Người Tiêu Dùng: http://nguoitieudung.com.vn/ong-chu-tiem-massage-khiem-thi-cuu-mang-nguoi-mu-d69014.html