Ông Chung hứa giải quyết công tâm vụ việc ở Đồng Tâm

Ghi nhận bức xúc của người dân Đồng Tâm cũng như lý do dẫn đến việc bắt giữ người trong buổi đối thoại ngày 22/4, ông Nguyễn Đức Chung cam kết giải quyết vụ việc công tâm.

Ông Chung dẫn đầu đoàn công tác về đối thoại với người dân Đồng Tâm 10h sáng 22/4, Chủ tịch Hà Nội cùng đại diện các bộ, ngành và TP đã có mặt ở UBND xã Đồng Tâm để đối thoại với người dân.

Theo thông báo trên hệ thống phát thanh của huyên Mỹ Đức, cuộc đối thoại có mặt Chủ tịch UBND Hà Nội Nguyễn Đức Chung với người dân Đồng Tâm diễn ra lúc 10h.

Ngoài Chủ tịch thành phố, đoàn công tác còn có đại diện Quốc hội, Thanh tra Chính phủ, Giám đốc Công an Hà Nội Đoàn Duy Khương cùng đại diện các ban ngành TP và huyện Mỹ Đức.

Chủ tịch UBND Hà Nội Nguyễn Đức Chung cùng đoàn công tác tới hội trường UBND xã Đồng Tâm lúc 10h20. Ảnh: Công Khanh.

Chủ tịch UBND Hà Nội Nguyễn Đức Chung cùng đoàn công tác tới hội trường UBND xã Đồng Tâm lúc 10h20. Ảnh: Công Khanh.

Trong trang phục áo sơ mi trắng đơn giản, Chủ tịch UBND Hà Nội Nguyễn Đức Chung cùng đoàn công tác tới hội trường UBND xã Đồng Tâm lúc 10h20. Bắt tay và chào hỏi các đại diện người dân xong, ông Chung yên vị ở ghế chủ tọa. Khi cuộc đối thoại chưa thể bắt đầu do nhiều người dân ở phía ngoài vẫn mong được vào hội trường, ông Chung lập tức ra tận cửa để trấn an.

Mở đầu cuộc làm việc, Chủ tịch Hà Nội gửi lời xin lỗi bà con về việc đến muộn so với giấy mời do có va chạm giao thông trên đường.

Cùng lúc, ở bên ngoài người dân tập trung về đầu làng, theo dõi cuộc đối thoại qua loa phóng thanh.

Bí thư đảng ủy xã Đồng Tâm Nguyễn Thị Lan sau đó đọc bản đề nghị gồm 8 điểm, trong đó có việc không truy cứu người dân sau vụ việc bắt giữ người hôm 15/4. Hội trường chừng 160 người vỗ tay sau khi bà Lan kết thúc.

Dân Đồng Tâm xin lỗi và muốn làm rõ trắng đen mọi việc

Thay mặt bà con, cụ Trần Ngọc Lễ (78 tuổi) phát biểu khẳng định đất đồng Sênh là đất nông nghiệp được bà con sản xuất từ lâu đời nhưng không hiểu sao một số lãnh đạo của huyện Mỹ Đức lại nói rằng đây là đất quốc phòng.

“Chúng tôi xin hỏi tại sao đất quốc phòng mà quốc phòng không về giữ? Cách đây gần 30 năm, chúng tôi đã giao cho trường bắn. Nhân dân Đồng Tâm chống tham nhũng, chống những kẻ cướp đất nhưng huyện lại đưa lực lượng về đàn áp. Các đồng chí có thấu hiểu được sự đau lòng của nhân dân Đồng Tâm không?", ông Lễ phát biểu.

Theo vị cao niên này, nguyện vọng của người dân Đồng Tâm yêu cầu Đảng và Nhà nước khi thu hồi phải có giấy trắng, mực đen, không thể nói là đất quốc phòng mà lại không có giấy tờ cụ thể. Bên cạnh đó, việc bắt giữ ông Lê Đình Kình, một lão thành cách mạng cũng khiến họ bức xúc.

"Khi tôi về đây mọi người không nên căng thẳng quá. Các ông, các bà cứ nói bình tĩnh để chúng tôi còn ghi chép", ông Chung nói. Ảnh: Tiến Tuấn.

"Các ông bà, các bác yên tâm, khi tôi về đây rồi mọi người không nên căng thẳng quá. Các ông bà cứ nói bình tĩnh để chúng tôi còn ghi chép. Các bác đã bức xúc bao nhiêu ngày rồi, có ngày hôm nay chúng ta cần chấp hành nội quy", ông Chung hạ nhiệt khi thấy vị cao niên bức xúc.

Tiếp lời, ông Bùi Viết Hiểu (74 tuổi) cho biết hiện chưa có lý do gì cụ thể khi đất 59 ha để cho Viettel sử dụng nhưng huyện Mỹ Đức đã thông báo giao cho tập đoàn này. Bộ tư lệnh quân chủng Phòng không Không quân nói rằng vẫn quản lý đầy đủ diện tích đất quốc phòng nên dân không thể xâm chiếm đất quốc phòng.

"Khi chúng tôi gửi đơn lên Bộ Quốc phòng thì Bộ nói rằng khu vực tranh chấp là đất thuộc UBND TP quản lý và đã chuyển đơn về UBND TP thụ lý. Vụ việc sau đó được giao cho Thanh tra Thành phố về xác minh. Tuy nhiên người dân thấy rằng Thanh tra TP làm việc không công tâm", ông nói.

Bàn chủ tọa ngoài ông Nguyễn Đức Chung có Phó bí thư thành ủy Đào Đức Toàn (phải), đại biểu Quốc hội Đỗ Văn Đương và Bí thư đảng ủy xã Đồng Tâm Nguyễn Thị Lan. Ảnh: Công Khanh.

Bên cạnh đó, vị bô lão này đặt câu hỏi tại sao vụ việc 5-6 năm nay không xử lý rốt ráo, vì sao lại đưa các cơ quan chức năng về khởi tố người dân khi canh tác trên đồng ruộng của mình... "Giữ các cán bộ, chiến sĩ là bước đường cùng để có thể kêu lên với lãnh đạo cấp cao về giải quyết vụ việc chứ chúng tôi không muốn. Trong quá trình giữ cán bộ chúng tôi đối đãi rất tử tế", ông Hiểu cho hay.

Nhắc lại lời xin lỗi, anh Bùi Văn Kỷ bày tỏ mong muốn làm rõ trắng đen. "Không ai có tội cả nếu chưa có bản án có hiệu lực của tòa án kết tội. Chúng tôi bầu lên lãnh đạo các cấp. Nếu chúng tôi sai, những người đại biểu nhân dân phải về thuyết phục, giải thích cho người dân để người dân rõ. Quê hương Đồng Tâm là xã anh hùng trong kháng chiến, chúng tôi thấy rất đau lòng", anh nói.

Không vào được bên trong, nhiều người cố gắng ghi hình cuộc đối thoại qua khe cửa. Ảnh: Bá Chiêm.

Theo ông Lê Đình Thành (xóm 1) nếu không có sự việc ngày 15/4 khi có người về bắt cóc người dân thì nhân dân cũng sẽ không bắt lại những người không danh tính đến làng. "Đó cũng là lẽ bình thường. Còn nếu muốn về bắt tội phạm thì phải mặc cảnh phục đàng hoàng, nhân dân chúng tôi sẽ không bao giờ phản kháng", ông nói

"Qua đơn kiến nghị, chúng tôi cho rằng Tiên trách kỷ hậu trách nhân, trong trường hợp này dân phải tự vệ. Chúng tôi ngày một, ngày hai mong muốn lãnh đạo TP có tiếng nói chung với người dân, mong lãnh đạo lắng nghe cho thấu tình đạt lý. Chúng tôi mong rằng khi tiến thành thanh tra không được uy hiếp dân để lực lượng thanh tra có thể làm việc công tâm", ông Thành mong mỏi.

Về cụ Lê Đình Kình, ông Thành chất vất việc ai là người ký sắc lệnh bắt, sức khỏe cụ như thế nào. "Cuối cùng, việc chúng tôi rào làng lại là để bảo vệ những người bị bắt giữ không để thành phần xấu vào làng gây họa rồi vu cho dân làng", ông giải thích.

"Ghi nhận việc bà con đã làm"

Sau hơn một giờ lắng nghe, ghi chép, ông Nguyễn Đức Chung bày tỏ sự chia sẻ với những nỗi bức xúc, những băn khoăn của bà con đã trình bày trong hội nghị cũng như những ý kiến khác chưa có điều kiện nói ra.

Trả lời các câu hỏi liên quan tới cụ Kình, ông Chung cho hay sau khi bị cơ quan điều tra bắt giữ, ngay từ ngày 15/4, ông đã yêu cầu VKSND hủy các quyết định ngăn chặn với cơ quan điều tra. Ông cũng đã gặp lãnh đạo bệnh viện Việt Đức và bác sĩ đầu ngành của ngành xương, đề nghị họ khẩn trương chữa bệnh, chữa thương cho cụ Kình.

Về đề nghị Tập đoàn Viettel không xây dựng trên đồng Sênh, hiện TP đã có quyết định thanh tra toàn bộ khu đất. Ông Chung cam kết sẽ thanh tra đúng 45 ngày và ra kết luận.

"Trước khi kết luận, đoàn thanh tra và tôi sẽ về đây đọc dự thảo trước bà con", Chủ tịch Hà Nội khẳng định.

"Tôi khẳng định sức khỏe của cụ Kình hiện nay tốt và đang nằm trong phòng hậu phẫu. Chiều nay khi cụ Kình ra khỏi phòng, người thân sẽ tới thăm", ông Chung thông tin.

"Trong tấm lòng tôi tôi mong cụ phục hồi nhanh nhất để về với bà con, vì cụ là người có uy tín. Còn câu chuyện đúng hay sai, lãnh đạo TP đã trao đổi với lãnh đạo Bộ Công an, đơn vị này sẽ cử đoàn thanh tra về thanh tra quá trình thực thi luật pháp và ai đúng sai như thế nào sẽ làm rõ. Trong Luật Hình sự nêu rõ, phải thượng tôn pháp luật, ai trong quá trình thực thi công vụ mà sai phạm cũng phải xử lý", ông nói tiếp.

Ảnh: Tiến Tuấn.

Về kiến nghị xin miễn truy cứu trách nhiệm hình sự của người dân do việc bắt giữ người, ông Chung nói "Tôi ghi nhận".

"Với tư cách là Chủ tịch UBND TP, tôi ghi nhận từ những bức xúc từ việc đất đai, thứ hai bức xúc từ việc bắt giữ và có việc làm như các cụ đã chứng kiến: khi bắt người không mặc sắc phục, không công bố lệnh... Bà con đã nói rõ từ 2 bức xúc đó nên mới dẫn tới việc bắt người. Đất nước ta có truyền thống đánh kẻ chạy đi chứ không đánh người chạy lại. Pháp luật cũng ghi nhận những việc bà con đã làm tôi tin bà con sẽ được giảm nhẹ", Chủ tịch Hà Nội nói.

Theo người đứng đầu thành phố, lãnh đạo Trung ương và Thành ủy đã giao nhiệm vụ cho ông tiếp xúc với bà con. "Tôi đã trực tiếp và cả qua điện thoại với bà con, tôi ghi nhận bà con đã hợp tác. Trong quá trình đó có những cuộc nói chuyện kéo dài tới 5h sáng. Tới nay, bà con đã nhận thức rõ nguyên nhân, nhận thức rõ cái sai và khắc phục. Tôi tin sau cuộc làm việc hôm nay bà con sẽ thả nốt số người", ông nói.

Ảnh: Tiến Tuấn.

Ông cũng ghi nhận việc bà con cho anh em ăn uống đầy đủ, không đánh đập. Những đồng chí được thả về cũng không có thương tích. "Thậm chí tôi hiểu bà con còn cho các đồng chí ăn ngon hơn cả ở nhà mình, tôi xin chia sẻ và ghi nhận. Với trách nhiệm của tôi, tôi sẽ báo cáo lại đầy đủ với lãnh đạo Trung ương, lãnh đạo TP để xem xét tất cả tình tiết này trên tinh thần bà con sẽ được hưởng tất cả những gì đã làm", ông Nguyễn Đức Chung chia sẻ.

"Về các kiến nghị của bà con về việc xã Đồng Tâm còn những khó khăn. Hôm nay tôi sẽ công bố và trao quyết định cho đồng chí Bí thư xã về việc thành phố sẽ trích nguồn ngân sách 1 tỷ đồng giao cho huyện và xã thi công làm con đường từ đồng Mít sang thôn Hoành, con đường 800 m", ông Chung nói trong tiếng vỗ tay ở hội trường.

Bày tỏ sự tin tưởng mọi bức xúc sẽ được giải tỏa sau cuộc đối thoại, ông Chung hứa sẽ là người chỉ đạo và thực hiện kết quả thanh tra, phối hợp với lãnh đạo Bộ Công an

"Tôi sẽ thường xuyên tiếp xúc với các cụ để giải quyết thật công tâm. Ngay từ đầu lãnh đạo Trung ương, lãnh đạo TP đều thống nhất với nhau quan điểm là Đồng Tâm là xã truyền thống, xã anh hùng", ông Chung khẳng định.

Người dân ngồi bên ngoài hội trường UBND xã Đồng Tâm nghe cuộc đối thoại qua loa phóng thanh.

Chủ tịch UBND Hà Nội cho biết sau khi về đoàn công tác sẽ trao đổi và nêu rõ ràng các nội dung. Ông mong muốn còn điều gì bà con cứ trao đổi tiếp và sau này có bất cứ điều gì bà con có thể liên lạc.

"Tôi sẽ trực tiếp xử lý các bức xúc của bà con. Và sau đây, tôi sẽ cùng Bí thư xã tới gặp các anh em còn bị lưu giữ để tiếp nhận bàn giao từ bà con", ông nói.

Ngay sau đó, ông Chung cùng đoàn công tác đi bộ tới nhà văn hóa thôn Hoành, nơi giữ 19 cán bộ, chiến sĩ từ ngày 15/4.

Sự việc tại xã Đồng Tâm (huyện Mỹ Đức) bùng phát vào ngày 15/4 khi 4 người bị bắt để phục vụ điều tra vụ án gây rối trật tự công cộng liên quan đến giải tỏa đất đai ở đồng Sênh. Nhiều người dân đã phản ứng lực lượng thi hành công vụ và bắt giữ 38 cán bộ, công an.

Ngày 17/4, người dân đã thả 15 cảnh sát cơ động, 3 người khác tự giải thoát. Ngày 21/4, Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy Mỹ Đức được thả về. Cùng ngày, người dân ký "tâm thư" gửi lãnh đạo thành phố. Người dân Đồng Tâm cho rằng họ có nhiều sai sót, không hiểu biết nên vi phạm pháp luật trong quá trình chống tham nhũng, tiêu cực. Họ mong được Chủ tịch Hà Nội "dang tay cứu vớt, tha thứ".

Người dân thôn Hoành trước buổi đối thoại với ông Nguyễn Đức Chung Trước cuộc gặp với Chủ tịch UBND Hà Nội, hàng chục người dân Đồng Tâm (huyện Mỹ Đức) đã ký vào bức tâm thư, nêu những mong muốn nguyện vọng của mình.

Vì sao Đồng Tâm trở thành điểm nóng? Vụ việc giữ hàng chục người ở xã Đồng Tâm bắt nguồn từ khiếu kiện liên quan khu đất giao cho Bộ Quốc phòng từ năm 1980. Người dân mong sớm được đối thoại với lãnh đạo Hà Nội.

Nhóm phóng viên

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/ong-nguyen-duc-chung-doi-thoai-voi-nguoi-dan-dong-tam-post739909.html