Ông Đăng - ông Quốc

Ông Đăng - ông Quốc, mong sao nhị vị hãy khỏe khoắn, minh mẫn thêm vài chục năm nữa để thế hệ trẻ chúng tôi có thêm nền tảng trưởng thành.

Trung tướng Phùng Khắc Đăng (bên phải) và nhà sử học Dương Trung Quốc.

Thế mà thấm thoắt tôi có vinh dự phục vụ ông Đăng - ông Quốc cũng đã trên mười năm. Đó chính là hai ngài: Trung tướng Phùng Khắc Đăng - Chủ tịch Hội đồng họ Phùng Việt Nam và nhà sử học Dương Trung Quốc - Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam. Nói là phục vụ, kỳ thực cơ bản cắp tráp học thầy. Việc liên quan tới văn hóa lịch sử kim cổ đông tây nên kẻ học ra sức một người dạy phải cống hiến chín mười. May mà học trò không đến mức tối dạ nên hai thầy có vẻ cũng khoái chỉ điều hơn lẽ thiệt. Hơn mười năm, tôi làm thư ký cho 7 cuộc hội thảo khoa học lớn của dòng họ Phùng trong đó có 6 cuộc phối hợp với Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam mà người chủ trì là ông Đăng, ông Quốc. Cuộc nào cuộc nấy nghiêm ngắn sâu sắc, tôn trọng lịch sử khách quan, phải tự vượt qua không ít khó khăn, được đông đảo nhân sĩ trí thức đồng hành chia sẻ, tham bác phản biện; được giới truyền thông quan tâm, có phần chương trình còn được truyền hình trực tiếp như đợt làm về Trạng Bùng Phùng Khắc Khoan cũng là tận tâm tận lực vì tiền nhân vậy.

Trong quá trình thực hiện các hội thảo, dù dạn dày kinh nghiệm và bỏ ra không ít thời gian, tâm huyết, nhưng không phải không vướng những khó khăn. Khó khăn tới từ nguồn sử liệu vốn vô cùng ít ỏi lại thiếu thống nhất. Thậm chí có những việc phát sinh tại trận khiến người chủ trì là ông Đăng, ông Quốc tưởng như rơi vào thế bí. Như hội thảo về họ Phùng năm 2011 tại Văn Miếu Quốc Tử Giám có một vị giáo sư khăng khăng khẳng định địa danh Đường Lâm ở Thanh Hóa chứ không phải Sơn Tây đã khiến người tham dự, đặc biệt là số anh em họ Phùng cảm thấy bất bình. Rất kinh nghiệm và lịch lãm, tôi thấy ông Đăng, ông Quốc bình thản bàn nhau rồi vẫy thư ký là tôi tới nói nhỏ mấy câu. Theo lời hai vị Chủ tịch Hội thảo, tôi lĩnh hội đầy đủ. Tôi tới bên nhà sử học Đinh Xuân Lâm - một cổ thụ ngành lịch sử truyền đạt lại ý kiến của nhị vị Chủ tịch. Thầy Lâm chỉ tủm tỉm gật đầu không nói không rằng. Những tham luận khoa học khác nối nhau trình bày trong Hội thảo mà không hề có sự phản biện gì với ý kiến Đường Lâm ở Thanh Hóa của vị giáo sư. Tới khi cụ Đinh Xuân Lâm kết luận Hội thảo cũng không hề nhắc đến mà chỉ nói lịch duyệt rằng, trong Hội thảo khoa học, các ý kiến mới, ý kiến khác nhau là chuyện bình thường. Đó cũng là một khách quan lịch sử, và việc tiếp nhận, thực hành còn phải qua rất nhiều công đoạn, mà cái quan trọng nhất là sự thực lịch sử thì không thể khác được. Vị giáo sư kia chừng như thấy cũng thỏa đáng và sau này mỗi khi nhắc đến ý kiến kết luận của cụ Lâm đều đã tâm phục khẩu phục.

Đó cũng là sự cao cường của các bậc thầy.

Lại có một cuộc cũng rất gay go. Đó là những quy kết của giới sử gia phong kiến về Thái phó lưỡng triều Lý - Trần Phùng Tá Chu - một danh nhân, danh thần, “Phụ quốc Thái phó”, “Hưng Nhân Đại vương”, người được mệnh danh là “Đệ nhất Phúc thần” quá nặng nề, khắc nghiệt. Đặc biệt là của hai sử gia lừng danh Ngô Sĩ Liên và Ngô Thì Sĩ.

Ngô Sĩ Liên trong “Đại Việt sử ký toàn thư” (1479) viết rằng: “Các quan bấy giờ không ai nghĩ gì đến xã tắc, để cho Phùng Tá Chu dẫn việc Lữ Hậu và Hậu làm cớ mà thành ra việc Chiêu Hoàng nhường ngôi cho họ Trần, ấy là người có tội với họ Lý”.

Ngô Thì Sĩ viết trong “Việt sử tiêu án”: “Vua [Trần Thái Tông] phong cho Phùng Tá Chu là Hưng Nhân vương, Phạm Kính Hầu làm quan Nội hầu. Hai người này đều là cựu thần nhà Lý, nhất đán đổi chủ, cam làm ưng khuyển, ý tất lũ ấy đều là thân thuộc họ ngoại nhà Trần, cũng là một phường với Tô Trung Từ, Trần Tự Khánh, cho nên thủy chung vẫn được tin yêu, ân thưởng hơn người khác. Nhà Lý mất, nhà Trần lên, vẫn là sở nguyện của những kẻ ấy, đâu còn đem lễ nhượng mà trách kẻ ăn trộm bao giờ”.

Quả là những lời lẽ quá nghiêm khắc, giáo điều, cay nghiệt, bất chấp công lao to lớn của Thái phó lưỡng triều Phùng Tá Chu.

Thời gian đã trôi qua trên bảy trăm năm vẫn tưởng như những quy kết nhắm vào quan Thái phó còn văng vẳng. Các nhà sử học đời sau cứ theo thiên kiến ấy mà quy kết, lửa đổ thêm dầu.

Trong khung cảnh ấy, Hội đồng họ Phùng Việt Nam đã tổ chức hàng chục cuộc đi điền dã khắp các vùng Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Hải Phòng, Hà Nam, Hải Dương, Hưng Yên… nơi có đình, đền, chùa, miếu thờ quan Thái phó. Thực ra, nhân dân rất công bằng với các danh nhân lịch sử. Yêu dân dân lập đền thờ. Những người có công với dân với nước không bao giờ nhân dân bỏ sót. Vùng đất Hưng Nhân, Hưng Hà, Thái Bình có khu đền Miễu Mẽ thờ Thái phó Phùng Thái Chu liên thông với Đền Trần uy nghi tráng lệ. Tương truyền, Phùng Tá Chu và Trần Thủ Độ vốn được sinh ra trong một ấp ở đây. Trần Thủ Độ từ tấm bé đã luôn khâm phục tài năng cũng như nhân cách Phùng Tá Chu vốn là con của Tả nhai đạo lục Phùng Tá Thang - một hiền sĩ nức tiếng của vương triều Lý bấy giờ.

Việc triều Trần thay thế triều Lý là một tất yếu của lịch sử vì khi đó nhà Lý đã mục ruỗng, vua Lý Huệ Tông tính khí thất thường vừa hèn yếu vừa tâm thần bất định không thể đương nổi việc nước. Bên ngoài, những cường thần như Đoàn Thượng, Nguyễn Nộn chỉ lăm le chém giết, xưng hùng xưng bá khi vó ngựa quân Mông - Thát đã ngấp nghé biên cương. Nếu trong nước không mau chóng ổn định có vua sáng tôi hiền thì Đại Việt tất sẽ rơi vào tay phương Bắc. Đứng trước hiểm họa xâm lăng, Trần Thủ Độ khi đó là Điện tiền Chỉ huy sứ đã đem chuyện quốc gia đại sự bàn với Thái phó Phùng Tá Chu và cùng nhau thực hành kịch bản nhà Trần thay thế nhà Lý như đã diễn ra trong lịch sử.

Nhà Trần quả nhiên đảm đương cực tốt việc nước với võ công ba lần đánh thắng giặc Nguyên - Mông, vừa sinh ra thánh tướng Trần Quốc Tuấn vừa có được thiền phái Trúc Lâm thánh tổ Trần Nhân Tông, đã viết lên những trang vàng lịch sử dân tộc. Thử hỏi công ấy lớn đến nhường nào và đồng tác giả kịch bản thay thế vương triều Phùng Tá Chu ắt cũng công cao cái thế. Chả thế mà ngay khi Phùng Tá Chu còn sống đã được phong là Hưng Nhân vương, tiếp đó tấn phong Hưng Nhân Đại vương.

Vậy tại sao đương triều tôn vinh đến nhường ấy mà các triều đại sau, các sử gia lại tỏ ra quá nghiêm khắc với ông?

Từ khách quan lịch sử ấy, các giáo sư, tiến sĩ, nhà nghiên cứu lịch sử mà tiêu biểu là giáo sư Trần Ngọc Vương, phó giáo sư Đỗ Lai Thúy, phó giáo sư Phạm Quang Long, phó giáo sư Nguyễn Thanh Tú, tiến sĩ Đinh Công Vỹ, phó giáo sư Nguyễn Hữu Sơn, tiến sĩ Phạm Minh Đức, tiến sĩ Phùng Thảo, nhà văn Hoàng Quốc Hải, nhà văn Vũ Bình Lục, nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Sơn, nhà nghiên cứu Phạm Minh Quân, nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên, nhà giáo Phùng Quang Bình… đã dày công nghiên cứu, đối sánh, đưa ra những luận cứ khoa học chắc chắn, khách quan, tường minh công lao và thân thế, cuộc đời, sự nghiệp của Thái phó lưỡng triều Lý - Trần Phùng Tá Chu.

Cuộc hội thảo được đón chờ và quả đã không để giới nhân sĩ trí thức, chính quyền và nhân dân thất vọng. Ngày hội thảo cũng là ngày hội lớn đối với họ Phùng, họ Trần và nhân dân Tây Đằng - Ba Vì - Hà Nội. Các nhà khoa học đã vén bức mây mù lịch sử, trả lại đúng những cống hiến xuất sắc của Thái phó Phùng Tá Chu. Ngồi trên đoàn Chủ tịch, ông Đăng, ông Quốc và đồng chí Bạch Công Tiến - Chủ tịch UBND huyện Ba Vì vô cùng phấn khởi vì đã thực hiện được những điều tốt lành, viết tiếp và khẳng định những giá trị nhân văn, những đóng góp với non sông đất nước của tiền nhân.

Ông Đăng - ông Quốc là hai con người vô cùng dễ gần, dễ đồng cảm và chia sẻ. Thường thì người ta hay chiều ý cấp trên, nhưng thật lạ đời, ông Đăng, ông Quốc lại luôn chiều ý cấp dưới, tất nhiên là những ý tưởng tốt lành, hướng thiện. Chưa bao giờ những tham mưu, đề xuất đúng đắn của tôi cùng anh em trẻ trong quá trình tiến hành các hội thảo không được các ông chú ý lắng nghe và nâng tầm chúng lên khi thực hiện. Ông Đăng, ông Quốc bao giờ cũng biết nhuận sắc, chỉnh lý, trau chuốt ý tưởng của cấp dưới để trở thành những việc thấu lý đạt tình. Âu cũng là đức tính hơn người của các ông để cấp dưới không quản nắng mưa sương gió mà đam mê công việc.

Ông Đăng - ông Quốc đối với tôi không chỉ là bậc cha chú đáng kính, bậc thầy uyên thâm, khoát hoạt mà còn như những người bạn lớn có thể tâm tình, chia sẻ những khó khăn, phức tạp, thậm chí có những việc không nói được với ai cũng dễ dàng bộc bạch với hai ông.

Ông Đăng - ông Quốc, mong sao nhị vị hãy khỏe khoắn, minh mẫn thêm vài chục năm nữa để thế hệ trẻ chúng tôi có thêm nền tảng trưởng thành.

Phùng Văn Khai

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/ong-dang--ong-quoc-555825.html