Ông Diệp Khắc Cường trả lời trước nghi án lừa đảo tiền ảo của iFan: 'Tôi là công cụ và nạn nhân'

Trả lời tại buổi họp báo sáng ngày 11/4 sau lùm xùm về nghi vấn lừa đảo tiền ảo iFan, ông Diệp Khắc Cường khẳng định lần nữa rằng mình là người bị hại, đồng thời mong muốn các nghi phạm sớm bị đưa ra ánh sáng.

Ông Diệp Khắc Cường tại buổi họp báo. Ảnh: Zing

Tại buổi họp báo, ông Diệp Khắc Cường đã có những chia sẻ cụ thể về mối quan hệ giữa ông và iFan kể từ những ngày đầu xuất hiện trên thị trường với tư cách của một nhà đầu tư về công nghệ.

Theo ông Cường, trên nền tảng công nghệ về ứng dụng di động dành cho fan hâm mộ nền tảng giải trí được phát triển bởi FNC (công ty của ông Cường), từ giữa tháng 9/2017, một nhóm người, trong đó đứng đầu là Vũ Hữu Lợi (được cho là một trong những lãnh đạo của iFan) tiếp cận đặt vấn đề với mong muốn hợp tác và phát triển mạng lưới của ứng dụng. Thông qua đó, đồng tiền ảo iFan - sản phẩm của nhóm Vũ Hữu Lợi sẽ đóng vai trò như một đơn vị tiền ảo được sử dụng trong ứng dụng này.

Theo quan điểm của ông Cường, tiền ảo không phải là một vấn đề xa lạ với các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghệ, đặc biệt là tại nước ngoài bởi yếu tố xu thế, sự phổ biến cũng như tính hợp pháp tại nhiều nước, trong đó có Mỹ, Canada, Trung Quốc và Nhật Bản.

Vì thế, với vai trò là chủ doanh nghiệp thuộc lĩnh vực số có trụ sở tại Mỹ, ông Cường và FNC xem sự có mặt của iFan như một cơ hội, một công cụ để hỗ trợ cho sản phẩm của mình, hơn là một kênh đầu tư lợi nhuận như dư luận gần đây có nhận xét.

Tuy nhiên, sau đó, ông Cường phát hiện phía iFan dùng tên tuổi những ca sĩ không liên quan đưa lên để phát triển mạng lưới, chiêu dụ thêm nhà đầu tư. Việc này là sai tinh thần ban đầu, vì bản thân nghệ sĩ chỉ là đối tác, sản xuất nội dung số, không quảng bá hình ảnh iFan.

Để phản ứng, cụ thể trong tháng 10/2017, phía ông Cường đã tổ chức họp mặt toàn thể nội bộ và các đối tác của FNC nhằm khẳng định việc chấm dứt mối quan hệ “mới chớm nở” với iFan. Nói cách khác, từ thời điểm đó, FNC chính thức không còn liên quan tới việc bán ICO phục vụ cho động cơ của iFan, ông Cường cho biết.

Bản thân ông Cường cũng đã chia sẻ 1 clip công khai trên Youtube trần tình về sự việc vào thời điểm trên, khẳng định các ca sĩ không tham gia PR và không khuyến khích mọi người tham gia.

Hiện tại, ông Cường cho biết đã thuê luật sư và tiến hành các thủ tục pháp lý nhằm đưa sự việc đến các cơ quan điều tra có thẩm quyền để bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của ông cũng như các nhà đầu tư hậu “cú lừa ngàn tỉ”.

Trước đó, ông Diệp Khắc Cường là người bị nêu tên trong đơn kiện của các nhà đầu tư đã rót vốn vào đồng tiền ảo Ifan và Pincoin do Công ty Modern Tech phát hành sau đó bị mất sạch vốn. Ông cũng được in hình trên băngrôn và được nhà đầu tư căng trên phố đi bộ Nguyễn Huệ (TP. HCM) hôm 8/4 để cầu cứu cơ quan chức năng vào cuộc điều tra.

Trong các đơn kiện, ông Diệp Khắc Cường bị nêu tên với vai trò là người sáng lập Ifan, cùng 6 cá nhân khác, gắn mác dự án từ Singapore, nhằm mục đích tạo lòng tin với các nhà đầu tư và lách luật tại Việt Nam.

"Theo thông tin mới nhất cùng ngày, về phía lãnh đạo ban ngành TP. Hồ Chí Minh, ông Lê Thanh Liêm - Phó chủ tịch thường trực UBND TP.HCM vừa có công văn khẩn giao Công an TP.HCM phối hợp với các đơn vị liên quan kiểm tra, xác minh vụ việc liên quan đến đường dây tiền ảo đa cấp của công ty CP Modren Tech, khẩn trương báo cáo đề xuất trình UBND TP.HCM có biện pháp xử lý phù hợp.

Bên cạnh đó, văn bản cũng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước chi nhánh (NHNN) TP. HCM theo dõi sát để xử lý nghiêm các vi phạm về thanh toán không dùng tiền mặt, không hợp pháp, tiền ảo bị cấm phát hành, cung ứng và sử dụng... NHNN tham mưu UBND thành phố kịp thời triển khai các văn bản sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành văn bản mới liên quan đến quản lý và xử lý đối với các loại tài sản ảo, tiền điện tử, tiền ảo".

Trích văn bản giải trình mà ông Diệp Khắc Cường chia sẻ tại họp báo

Han Sovy

Nguồn Nhà Quản Trị: http://theleader.vn/ong-diep-khac-cuong-tra-loi-truoc-nghi-an-lua-dao-tien-ao-cua-ifan-toi-la-cong-cu-va-nan-nhan-20180411144134987.htm