Ông Donald Trump trước ngày nhậm chức: Giữ nguyên chiến thuật

Cuộc họp báo tuần trước đã phần nào phác họa những chính sách của ông Donald Trump khi vị tổng thống đắc cử chính thức tiếp quản công việc tại Nhà Trắng.

Buổi họp báo của ông Trump ngày 11/1 được kỳ vọng rất nhiều, khi thu hút 250 nhà báo vào một khán phòng của tòa nhà Trump Tower.

Ngày 20/1 tới là thời điểm chuyển giao giữa hai nhiệm kỳ tổng thống của Hoa Kỳ. Những thủ tục cuối cùng đã được thực hiện, bao gồm bài phát biểu chia tay của Tổng thống Barack Obama, và cuộc họp báo hiếm hoi của người kế nhiệm - ông Donald Trump.

Thông điệp quan trọng

Đây mới chỉ là lần thứ hai trong nửa năm qua ông Trump nói chuyện với báo chí, nhưng những gì truyền thông khai thác được lại khá hạn chế.

Câu chuyện đọng lại sau đó là màn đấu khẩu giữa ông Trump với phóng viên Jim Acosta của đài CNN. Ông Trump thẳng thừng từ chối khi Acosta hỏi rằng liệu CNN có cơ hội phỏng vấn ông hay không.

Từ lúc tranh cử đến nay, mối quan hệ giữa ông Trump và truyền thông Mỹ cực xấu. Đa phần các tờ báo lớn nhất ở Mỹ như USA Today, The New York Times, The Los Angeles Times, The Washington Post... đều không ủng hộ ông. CNNThe New York Times thậm chí không ít lần bị ông Trump cho là cố ý đưa tin bất lợi cho ông. Ngay trước ngày họp báo, CNN cũng tham gia cùng trang BuzzFeed đưa tin những tin tặc Nga đã sở hữu tài liệu tiêu cực về ông Trump, từ đó có khả năng đã “tống tiền” vị tỷ phú này khiến ông phải tỏ thái độ “thân Nga”.

Ông Trump dĩ nhiên kịch liệt phản pháo thông tin trên. Với việc nổi tiếng phát ngôn và hành động quyết liệt, ông Trump tạo ra tiền lệ từ chối trả lời báo chí trong buổi họp báo.

Truyền thông Mỹ rất lo ngại về điều này. Vì nếu ông Trump cố ý đẩy mâu thuẫn với CNN hay BuzzFeed, The New York Times lên cao trào, câu chuyện ấy sẽ bị bẻ sang hướng khác, và thế là vị tổng thống tương lai của nước Mỹ dễ dàng lách qua những câu hỏi khó bằng cách nói: “Báo chí Mỹ là rác rưởi, toàn đưa tin sai sự thật”.

Có lẽ không ngẫu nhiên ông Trump lại “chọn” Acosta để làm sự việc rối tung. Đó có thể là một thông điệp rằng báo chí đừng mơ chất vấn được gì về công việc của ông ở Nhà Trắng trong tương lai. Tất cả thông tin sẽ có trên... Twitter.

Giải quyết từng vấn đề bằng sự chia sẻ lợi ích

Ông Trump nói rằng sẵn sàng hợp tác với Nga và Trung Quốc, đem lại sự hợp tác giữa các bên. Trả lời The Wall Street Journal ngày 14/1, tổng thống đắc cử Mỹ cho hay lệnh cấm vận mới đặt lên Nga sẽ “ít nhất tồn tại trong một quãng thời gian”, nhưng sau đó có thể được gỡ bỏ.

Thái độ của ông Trump trong buổi họp báo trước đó ba ngày cũng không có gì thay đổi. Đối diện với các câu hỏi về chính sách y tế của người tiền nhiệm (ObamaCare), về nghi án “tin tặc Nga” hay về tờ khai thuế, ông Trump vẫn lướt qua tất cả một cách nhanh chóng, khẳng định mình không sai khi không công khai tờ thuế, và bác bỏ mối liên hệ giữa ông với người Nga - dù thừa nhận đã nghĩ rằng có một số tin tặc Nga muốn tấn công hệ thống mạng của hai đảng Cộng hòa và Dân chủ.

Có thể thấy ông Trump thể hiện rõ ràng lập trường của mình khi vào Nhà Trắng: Mọi thứ sẽ giải quyết từng phần một, theo cách đàm phán song phương và tùy vào lợi ích mà những vấn đề đó mang lại.

Cũng trong cuộc trả lời The Wall Street Journal, ông Trump nói chính sách “Một Trung Quốc” sẽ được bàn thảo. Vấn đề này đã đào sâu khoảng cách giữa chính quyền tương lai của ông Trump và Trung Quốc, khi Bắc Kinh phản ứng với việc ông nói chuyện với lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn - một biểu hiện cho thấy Washington công nhận vai trò của Đài Loan như một “quốc gia”.

Bên cạnh đó, ông Trump cũng tiếp tục đối đầu với Trung Quốc ở lĩnh vực thương mại, tài chính. Tổng thống đắc cử Mỹ hứa hẹn mạnh tay với động thái thao túng tiền tệ của Trung Quốc, nhưng hé mở khả năng hòa hoãn nếu Bắc Kinh ứng xử đúng mực với các công ty Mỹ, không phá giá đồng tiền để giành lợi thế xuất khẩu, BBC cho biết.

Tương tự với Nga, ông Trump cho rằng nếu Moscow hợp tác với Washington trong cuộc chiến chống nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) cũng như nhiều vấn đề khác, ông sẽ đề xuất gỡ bỏ lệnh cấm vận. Lâu nay, Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) vẫn cấm vận kinh tế Nga, đẩy mối quan hệ giữa Nga và Mỹ trở nên căng thẳng nhất từ sau thời chiến tranh lạnh.

Song, cũng như ở buổi họp báo trước đó, ông Trump cho rằng sẽ tạo dựng mối quan hệ tốt hơn với Nga, nhằm đảm bảo hai bên cùng có lợi. Vừa qua, ông cũng hy vọng sẽ sắp xếp một cuộc hội đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Nước Mỹ sẽ cân nhắc lợi ích và sẵn sàng đối thoại tìm giải pháp với những vấn đề ngoại giao, với ưu tiên là lợi ích của người Mỹ. Hình ảnh đầu tiên về nước Mỹ của ông Trump tạm thời được gợi lên như thế...

Theo BizLive

Nguồn GTVT: http://www.tapchigiaothong.vn/ong-donald-trump-truoc-ngay-nham-chuc-giu-nguyen-chien-thuat-d38047.html