Ông Donald Trump và cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ 2013

Những tư liệu được các cơ quan truyền thông Mỹ lục tìm lại để nghiên cứu các hoạt động của ông Donald Trump trước khi tham gia tranh cử Tổng thống Mỹ đã vô tình làm lộ ra những chuyện hậu trường về các mối quan hệ chằng chịt, những mối làm ăn, lợi ích kinh tế và kết quả của việc đưa cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ 2013 đến nước Nga.

Con đường đưa cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ đến nước Nga

Ông Donald Trump và Aras Agalarov gặp nhau trong dịp cuộc thi Hoa hậu Miss USA tổ chức tại Las Vegas vào giữa tháng 6-2013. Hai đại gia giàu có trong ngành kinh doanh bất động sản gặp nhau là chuyện bình thường, vì trong cùng ngành nghề nên càng dễ dàng hòa đồng, hiểu nhau hơn.

Agalarov kể trên một tạp chí Nga vào cuối năm 2013: Chỉ sau 10 phút làm quen và thảo luận rôm rả, ông Trump quay sang giới thiệu người bạn mới Agalarov với các vị khách mời có mặt trong sự kiện. Vỗ vai Agalarov và đưa ngón tay cái lên (ám chỉ số 1), ông Trump hồ hởi: “Xem ai đến thăm tôi này các vị! Người giàu nhất nước Nga đấy!”, và giải thích thêm rằng ông chỉ có 2 tỉ USD trong tay, ít hơn người giàu nhất nước Nga nhiều lần!

Cuộc gặp đó thực ra không tình cờ mà đã được sắp đặt trước đó một tháng. Khoảng tháng 5-2013, con trai ông Agalarov là Emin Agalarov, một ca sĩ nhạc pop Nga rất nổi tiếng ở Đông Âu, đến Los Angeles để quay phim ngoại cảnh cho video ca nhạc mới nhất của anh. Ngôi sao được mời đóng chung với Emin là Olivia Culpo, Hoa hậu Mỹ và Hoa hậu Hoàn vũ 2012, là người Mỹ, sinh trưởng tại Rhode Island.

Chính sự chọn lựa này dẫn đến cuộc tiếp xúc giữa doanh nhân tỉ phú Trump với nhà Agalarov, vì Trump là ông chủ của cuộc thi Hoa hậu Mỹ (Miss USA), vì thế Hoa hậu Mỹ làm gì cũng phải thông báo với ông. Đồng thời, Trump cũng là ông chủ của tổ chức Hoa hậu Hoàn vũ (Miss Universe). Và đây là “mắc xích” dẫn đến việc cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ được tổ chức tại Nga.

Sau khi thực hiện xong các cảnh quay, Emin tổ chức một bữa tối chiêu đãi để tạo mối quan hệ với tỉ phú Trump. Tại bữa tiệc chiêu đãi này, ý tưởng về việc tổ chức cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ ở Nga đã được Chủ tịch Hoa hậu Hoàn vũ Paula Shugart đề xuất.

Emin Agalarov, Donald Trump và Aras Agalarov tại vòng chung kết Hoa hậu Hoàn vũ 2013.

Trong một cuộc phỏng vấn mới đây nhất (tháng 7-2017), Emin cho rằng ban tổ chức gợi ý đưa cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ đến Nga vì “cần tiền” hơn là vì Agalarov “nài nỉ”, nhưng người đại diện của tổ chức Miss Universe bác bỏ thông tin này.

Mức phí cho quyền đăng cai cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ 2013 là khá cao - 20 triệu USD. Agalarov đồng ý chi trả số tiền này và hai bên nhanh chóng ký thỏa thuận tổ chức cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ 2013 tại Nga. Đúng 4 tuần lễ sau, tại sự kiện vòng chung kết Hoa hậu Mỹ tháng 6-2013, ông Trump trịnh trọng thông báo với mọi người về hợp đồng đã được ký kết. Vòng chung kết Miss Universe sẽ được tổ chức tại khu phức hợp hiện đại Crocus City của gia đình Agalarov nằm ở ngoại ô Moskva.

Những nhân vật quyền lực giấu mặt

Bữa dạ tiệc chiêu đãi khách quý dự sự kiện Miss USA diễn ra hoành tráng tại sảnh lớn của một khách sạn sang trọng ở Las Vegas. Tham dự bữa dạ tiệc, ngoài gia đình Agalarov còn có một số vị “đặc biệt” khác. Đó là Rob Goldstone, chuyên gia quảng bá cho Emin. Goldstone chính là người sau này tham gia vào cuộc tiếp xúc giữa nhóm người Nga với Donald Trump Jr, con trai của Tổng thống Mỹ Donald Trump tại New York vào năm 2016 như báo chí đã thông tin.

Aras Agalarov quả là một người không tầm thường chút nào. Ở Nga, dù giá trị tài sản của ông rất khiêm tốn so với một số tài phiệt “siêu giàu”, nhưng thế lực của ông không phải là nhỏ. Xuất thân từ một người kinh doanh siêu thị mua sắm, Agalarov phát triển lên thành một mạng lưới các đại siêu thị phủ khắp nước Nga để từ đó gia nhập tầng lớp các tài phiệt Nga (oligarch). Agalarov thể hiện đẳng cấp oligarch bằng chiếc máy bay riêng Gulfstream trị giá 44 triệu USD.

“Vua thép” Vladimir Potanin.

Một minh chứng cho thế lực của Agalarov, đó là việc ông tham gia vào nhiều dự án lớn, có giá trị cao về mặt chính trị, như dự án biến một căn cứ quân sự cũ ở Moskva thành một trường đại học quốc gia mới. Nhờ dự án này mà tháng 10-2013, ông được Tổng thống Vladimir Putin tặng thưởng Huân chương Lao động danh dự.

Agalarov và tập đoàn Crocus cũng âm thầm tạo dựng các mối quan hệ với giới thượng lưu và quan chức Nga. Các mối quan hệ chằng chịt này được xây dựng bởi một quản lý cao cấp của tập đoàn Crocus tên là Ikray “Ike” Kaveladze. Kaveladze là “người thứ tám” trong nhóm người Nga (cùng với Goldstone kể trên) đến New York gặp con trai ông Trump bàn việc cung cấp “thông tin xấu” về bà Hillary.

Cho đến khi thông tin về cuộc gặp ở New York được báo chí phanh phui hồi tháng 7-2017, Kaveladze là một người không ai biết đến, vì ông vốn ngại tiếp xúc với báo chí, ngại xuất hiện trước công chúng. Nhưng trong giới siêu giàu Nga thì Kaveladze là cái tên quen thuộc từ hàng chục năm qua.

Theo The Guardian, Kaveladze từng tham gia giúp sức cho giới nhà giàu Nga trong nhiều thương vụ thâu tóm tài sản, doanh nghiệp ở Mỹ. Chẳng hạn, năm 2003, Kaveladze tham gia thực hiện thương vụ tập đoàn Norilsk Nickel của ông “vua thép” Vladimir Potanin mua lại công ty khai khoáng Stillwater Mining của Mỹ, trị giá 341 triệu USD. Đó là lần đầu tiên một công ty Nga mua lại một công ty Mỹ trên thị trường cổ phần công khai.

Để đền đáp, Norilsk bổ nhiệm Kaveladze làm một trong 5 giám đốc trong Hội đồng quản trị mới của Stillwater, được giao phụ trách khách hàng Mỹ và Đông Âu. Tuy nhiên, Kaveladze ngồi ở Hội đồng quản trị Stillwater được một thời gian thì xảy ra sự cố: ông ta bị phát hiện dính líu đến một vụ bê bối chuyển tiền lậu từ Nga sang Mỹ và rửa tiền trị giá 1,4 tỉ USD. Mặc dù Kaveladze đã kịp thời rút ra khỏi phi vụ đó, nhưng tai tiếng cũng đủ để khiến ông mất uy tín tại Stillwater.

Một trong những mối quan hệ cao cấp khác của Kaveladze là Andrei Kozlov, cựu Phó Chủ tịch thứ nhất Ngân hàng Trung ương Nga. Kozlov nổi tiếng với quyết tâm chống tham nhũng trong hệ thống ngân hàng ở Nga (Năm 2006, Kozlov bị ám sát chết và người ta nghi ngờ có bàn tay của những kẻ bị ông đụng chạm quyền lợi) Kozlov và Kaveladze là bạn học cũ tại Học viện Tài chính Moskva trong những năm đầu thập niên 90 thế kỷ XX. Hai người bạn thân thiết đã cùng nhau lập ra một công ty nhỏ chuyên xuất bản các quyển sách về tài chính, có cả sách dịch từ tiếng nước ngoài.

Kaveladze và Kozlov có cơ hội làm ăn là nhờ ở Nga thời điểm đó đang “đói” các sách, báo viết về tài chính, những kiến thức và hướng dẫn về tài chính dành cho giới kinh doanh phất lên quá nhanh trong thời kỳ tư nhân hóa ồ ạt của nước Nga thời kỳ hậu Xôviết. Mỗi quyển sách “dạy làm ăn” của hai ông thời đó bán với giá tới 250 USD nhưng vẫn không đủ để bán.

Ikray Ike Kaveladze.

“Duyên” đã bén nhưng chưa thành

Mối liên hệ giữa Kaveladze với Agalarov bắt đầu từ đây. Để có chỗ dựa tồn tại trên thị trường, năm 1992, công ty xuất bản sách của Kaveladze và Kozlov là ECO-Consulting xin gia nhập làm công ty con của tập đoàn Crocus International của Agalarov. Để đổi lại sự “bảo kê” thị trường này, Kaveladze và các đối tác chấp nhận cố vấn miễn phí cho Agalarov về các vấn đề liên quan đến kinh doanh và tài chính. Không lâu sau đó, Kaveladze sang Mỹ, đầu tiên định cư ở bang Pennsylvania.

Trước đó, ngay sau khi tốt nghiệp Học viện Tài chính Moskva, Kaveladze đã từng đến tham quan và lưu lại Gettysberg một tháng. Lần này, khi sang Mỹ, Kaveladze được một cặp vợ chồng người Mỹ ở Pennsylvania, nhận làm con nuôi, trước khi tìm đường đến New York lập nghiệp.

Mặc dù vậy, sau 25 năm kể từ lần đầu hợp tác, Kaveladze vẫn tiếp tục làm việc cho Agalarov và tập đoàn Crocus, dù sống ở Mỹ. Crocus ngày nay là một trong những tập đoàn kinh tế lớn nhất nước Nga, chuyên tham gia thực hiện các dự án đầu tư xây dựng lớn của nhà nước trị giá hàng trăm triệu USD.

Trước ngày diễn ra vòng chung kết cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ 2013, tỉ phú Trump đáp máy bay riêng từ Mỹ đến Moskva trong đêm 8-11 và đăng ký phòng nghỉ tại Khách sạn Ritz Carlton. Người đón tiếp ông một cách long trọng tại khách sạn là Agalarov, vì ông là vị khách quý của cuộc thi.

Các thí sinh đêm chung kết Hoa hậu Hoàn vũ 2013.

Sáng hôm sau 9-11, Trump tham gia một cảnh quay video cho đĩa đơn của Emin, tựa là “In Another Life” – trong đó Emin mơ thấy mình được các thí sinh Miss Universe mặc bikini vây quanh, rồi sau đó tỉnh giấc mộng và bị Trump quát cho một trận kèm theo câu: “Anh bị đuổi việc!”

Vòng chung kết cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ 2013 diễn ra suôn sẻ, thành công như mong đợi, vương miện được trao cho hoa hậu Venezuela Gabriela Isler. Một dạ tiệc hoành tráng nữa lại được tổ chức để chiêu đãi các thí sinh Hoa hậu và các vị khách quý, các nhà tài trợ của cuộc thi. Ông Trump được chiêu đãi ở hàng thượng khách, có buồng tiệc riêng và được các người đẹp tiếp đãi, phục vụ chu đáo.

Sau cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ, ông Trump tiếp tục lưu lại Moskva để tham gia các cuộc gặp gỡ các đối tác làm ăn cũ ở New York. Thông qua Agalarov, ông có dịp tiếp xúc với Herman Gref – cựu Bộ trưởng Năng lượng Nga, hiện là Tổng giám đốc Ngân hàng quốc doanh Sberbank. Sau đó, ông Trump gặp lại Alex Sapir, đối tác cũ trong dự án Trump Sobo ở New York, để thảo luận các cơ hội làm ăn mới ở Moskva.

Ông đã dự định sẽ xây dựng một tòa nhà chọc trời ở thủ đô Nga, đặt tên là “Trump Tower Moscow”. Tuy nhiên, dự án này đã bị hủy sau khi ông Trump đăng ký tham gia tranh cử và đắc cử trở thành tổng thống Mỹ.

An Châu (tổng hợp)

Nguồn ANTG: http://antg.cand.com.vn/kinh-te-van-hoa-the-thao/ong-donald-trump-va-cuoc-thi-hoa-hau-hoan-vu-2013-472462/